4.0 và thách thức an ninh mạng

Thứ Tư, 31/10/2018, 15:09
“Thách thức 4.0” - cụm từ được nhắc khá nhiều trên các diễn đàn hiện nay để nói tới những quan ngại mà các quốc gia, các tổ chức, cá nhân phải đối mặt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong đó, bên cạnh những lợi ích to lớn mà không gian mạng thời kỳ cách mạng 4.0 đem lại, các nước cũng phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ như chiến tranh mạng, gián điệp mạng, tấn công mạng, tội phạm mạng và nhiều vấn đề phức tạp mới.

4.0 và 4 yếu tố

Tháng 7 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4”. Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam. 

Cuộc CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi căn bản nền sản xuất, từng bước vẽ lại bản đồ kinh tế toàn cầu. Nếu không có giải pháp hữu hiệu thì chúng ta sẽ tụt hậu hoặc “lỡ tàu” so với xu hướng đi lên của các nước trên thế giới. 

Để chủ động đối phó điều này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, nhằm nắm bắt cơ hội, giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng này. Theo giới chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia và ở hàng đầu trong CMCN 4.0. Chỉ cần có cách tiếp cận độc đáo, khác biệt và khả thi sẽ giúp Việt Nam tận dụng cơ hội CMCN 4.0 bứt phá phát triển.

Hiện nay, Việt Nam đã bước đầu áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0 như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, người máy. 

Chính phủ Việt Nam đã và đang tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho phát triển khoa học công nghệ nói chung và cho CMCN 4.0 nói riêng, trong đó có luật về chuyển giao công nghệ, công nghệ cao, sở hữu trí tuệ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để nắm bắt kịp CMCN 4.0, cần 4 yếu tố. Thứ nhất là thể chế và lãnh đạo, trong đó vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Thứ hai là hệ thống giáo dục, đào tạo nhân lực số. 

Thứ ba là thể chế thúc đẩy sáng tạo và trong sáng tạo thì doanh nghiệp phải là trung tâm - tức tính thực dụng phải rất cao. Thứ tư là an ninh mạng, an ninh kết nối, đây là vấn đề lớn, là thách thức toàn cầu và Việt Nam không ngoài quỹ đạo.

Thách thức nhìn từ an ninh mạng

Bây giờ, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 7 thế giới với gần 60 triệu người dùng Facebook. Tình hình an ninh mạng nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều nguy cơ thách thức không chỉ đối với nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh đối với các hoạt động sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, phát tán thông tin xấu độc, vu khống, sai sự thật; bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng; phòng chống lợi dụng mạng để tiến hành các hoạt động khủng bố, tuyên truyền chống phá chế độ. 

Nhiều hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (hệ thống thông tin của Chính phủ, các bộ, các tổ chức, ngân hàng, năng lượng, hàng không...) đã trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên của tin tặc. 

Mỗi năm có hàng chục ngàn cuộc tấn công nhằm vào các cơ quan chính phủ, các hệ thống tài chính, ngân hàng, hạ tầng thông tin trọng yếu, trang web của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam... nhằm đánh cắp thông tin, bí mật nhà nước, thành tựu khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ. 

Các loại virus, mã độc, vũ khí mạng xuất hiện ngày càng nhiều, một số loại được thiết kế chuyên biệt, hết sức nguy hiểm. Trong khi đó, hệ thống mạng thông tin nước ta còn nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, không được kiểm tra, đánh giá thường xuyên. 

Khả năng phòng, chống tấn công mạng của hệ thống thông tin, sản phẩm, dịch vụ mạng còn yếu kém, chưa ngăn chặn được các cuộc tấn công mạng cường độ cao. Các cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, hệ thống thông tin ở nước ta không theo một tiêu chuẩn thống nhất, thiếu sự thẩm định về an ninh mạng. 

Cả nước hiện có 56 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và hơn 100 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa có cơ chế thống nhất trong hợp tác, xây dựng, thiết kế cơ sở hạ tầng mạng, do đó tình trạng nhiều doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng giống nhau, thiết bị không đồng bộ, cùng kinh doanh một loại hình dịch vụ đã tạo ra một thị trường phân tán, gây lãng phí ngân sách, lãng phí về tài nguyên số, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng. 

Việc cơ sở hạ tầng viễn thông phân tán, trải rộng trên nhiều địa bàn cũng gây khó khăn trong công tác bảo vệ, phát sinh sơ hở trong quản lý, tạo điều kiện cho các loại đối tượng lợi dụng hoạt động. Việc áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh mạng chưa được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chú trọng. 

Thiếu chặt chẽ trong việc kiểm tra an ninh mạng trước khi lắp đặt và sử dụng các thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin. Hệ thống bảo mật của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet đã lạc hậu, chậm được đổi mới, nâng cấp.

Trong khi đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực, chuyên gia an ninh mạng chưa theo kịp yêu cầu về số lượng và chất lượng. Chưa hình thành đội ngũ chuyên gia an ninh mạng. Nguồn nhân lực mới chỉ tập trung phát triển trong khối dân sự, phục vụ bảo đảm an toàn thông tin, thiếu lực lượng chuyên gia chuyên trách bảo đảm an ninh mạng cho các bộ, ngành, chưa hình thành được đội ngũ các chuyên gia an ninh mạng hoạt động tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Việc bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và an toàn xã hội theo cấp độ và áp dụng các biện pháp bảo đảm là cấp bách. Việc xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo an ninh trên mạng Internet rõ ràng là yêu cầu khách quan. Đó là lý do Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật An ninh mạng, sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2019.

Khoa Công nghệ và an ninh thông tin, Học viện An ninh nhân dân - nơi đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo an ninh mạng.

Xác định 6 vấn đề lớn về an ninh mạng

Từ thực trạng tình hình, kết quả công tác an ninh mạng tại Việt Nam thời gian qua, nhất là những tồn tại, hạn chế, chúng ta cần xác định những vấn đề lớn đặt ra trong bảo đảm an ninh mạng hiện nay.

Thứ nhất, xác lập và thực thi đầy đủ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia của Việt Nam trên không gian mạng. Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng phải được xác lập, thực thi đầy đủ trên cơ sở luật pháp quốc gia và pháp luật quốc tế.

Thứ hai, xác định rõ vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của công tác bảo đảm an ninh mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ an ninh mạng quốc gia để góp phần phát triển đất nước, phải đáp ứng, theo kịp sự phát triển của khoa học - công nghệ và của thời đại; là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nòng cốt là lực lượng vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự tham gia tích cực của toàn dân.

Thứ ba, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân bảo vệ an ninh mạng quốc gia với nòng cốt là lực lượng vũ trang. Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người sử dụng Internet tuân thủ pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội, văn hóa, đủ năng lực nhận biết, phân biệt đúng sai, thật giả, tích cực đấu tranh, phê phán các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, độc hại trên không gian mạng. Sớm xây dựng quy chuẩn văn hóa của những người đưa thông tin lên mạng, chấn chỉnh trật tự, kỷ cương, chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái tuyên truyền, phá hoại tư tưởng.

Thứ tư, cần tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư cho công tác bảo đảm an ninh mạng. Nhà nước ưu tiên bảo đảm kinh phí cho an ninh mạng quốc gia; huy động mọi nguồn lực của hệ thống chính trị, toàn xã hội và tranh thủ nguồn lực quốc tế cho bảo vệ an ninh mạng quốc gia. Phòng vệ chủ động, sẵn sàng đáp trả kịp thời các mối đe dọa, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng. 

Xây dựng lực lượng an ninh mạng quốc gia chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trong CAND, hiện đã thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng. Đồng thời, tại một số cơ sở đào tạo như Học viện An ninh đã tăng cường xây dựng Khoa Công nghệ và an ninh thông tin, tập trung đào tạo, tăng cường nhân lực đảm bảo an ninh mạng.

Thứ năm, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về an ninh mạng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế và chính sách về an ninh mạng, phòng chống chiến tranh mạng phù hợp với xu thế phát triển, tạo môi trường không gian mạng lành mạnh, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong bảo vệ an ninh mạng và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thứ sáu, quản lý chặt chẽ các dịch vụ trên không gian mạng quốc gia cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Nguyễn Thành
.
.
.