Triển khai hiệu quả Đề án 06 ở Điện Biên

Chủ Nhật, 18/02/2024, 07:07

Là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, đời sống của phần lớn người dân còn gặp nhiều khó khăn, song với sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, cùng tư duy đổi mới dám nghĩ dám làm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND, các sở, ngành, sự ủng hộ, đồng hành của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên, trong 2 năm triển khai Đề án 06 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Khơi thông những “điểm nghẽn” về pháp lý

Bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổ Công tác triển khai Đề án 06, trong 2 năm qua, tỉnh Điện Biên đã và đang triển khai 35 nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, có 28 nhiệm vụ đã hoàn thành, 5 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên và 2 nhiệm vụ đang triển khai. UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Điện Biên đã ban hành các văn bản để chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp tăng cường hiệu quả tuyên truyền Đề án 06 bằng nhiều hình thức phù hợp với phong tục, tập quán và tình hình của địa phương.

dien bien.jpg -0
Lực lượng Công an cơ sở xuống từng bản hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến qua VNeID và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Muốn triển khai hiệu quả Đề án 06 thì một trong những điểm mấu chốt chính là hoàn thiện thể chế. UBND tỉnh đã ban hành 2 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc triển khai thực hiện Đề án 06 đang còn hiệu lực pháp luật. Đặc biệt, đẩy mạnh nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Để đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định, tỉnh Điện Biên đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các cấp thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả tiếp nhận, giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, trong đó số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đã được tỉnh phê duyệt đầu tư theo dự án “Xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Điện Biên”. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện việc rà soát, chuẩn hóa mẫu đơn, tờ khai và thiết kế, xây dựng biểu mẫu điện tử tương tác theo hướng cắt giảm 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu dân cư từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; không yêu cầu người dân phải nhập thông tin đã khai thác được từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa.

Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị, tỉnh Điện Biên đã quy định mức thu, miễn, giảm phí, lệ phí khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó xây dựng Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân, triển khai kết nối trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đã rà roát và cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện theo quy định trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tăng cường thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Đã tiếp nhận và xử lý 299.832 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, đạt 76,0%.

Đối với 2 thủ tục hành chính liên thông, từ 10/7/2023 đến cuối năm 2023, các cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý hơn 5.903 hồ sơ. Công an tỉnh Điện Biên phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành triển khai thực hiện có hiệu quả 34 “mô hình điểm” về bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và Đề án 06.

Tập trung số hóa, tăng cường kết nối dữ liệu

Kết quả ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội theo các lĩnh vực cũng đạt được nhiều thành tích nổi bật. Đồng chí Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết, đơn vị đã đẩy mạnh việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng thẻ CCCD gắn chip, VNeID nhằm cắt giảm các giấy tờ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc khám, chữa bệnh. Hiện đã trang cấp thiết bị đọc mã QR, đọc chip trên thẻ CCCD cho 139 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh (đạt 100%) áp dụng tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip khi bệnh nhân đi khám, chữa bệnh BHYT; có 654.296 lượt tra cứu, trong đó tra cứu thành công 520.731 lượt, đạt tỷ lệ 80%.

Đồng chí Ngô Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên thông tin, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Đã tiến hành thu nhận, tạo lập tài khoản ngân hàng cho hơn 20.590 trường hợp, tiến hành chi trả cho hơn 15.272 đối tượng, đạt 42,3%. Nhiều mô hình thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực, cơ sở giáo dục, y tế, công ty, doanh nghiệp… Đơn cử như Sở Y tế triển khai mô hình thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên. Đã có 6.080 lượt người bệnh thanh toán không dùng tiền mặt với số tiền là 7.843.419.945 đồng, chiếm 14,39%.

Đại tá Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, Công an tỉnh tăng cường CBCS xuống cơ sở để tổng rà soát các trường hợp chưa thu nhận CCCD, định danh điện tử; thành lập các tổ công tác lưu động để triển khai thực hiện. Tính đến 29/5/2023, Điện Biên là một trong 19 tỉnh trong cả nước hoàn thành 100% chỉ tiêu thu nhận CCCD cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh (vượt kế hoạch của Bộ Công an giao 64 ngày); tính đến 4/10/2023, hoàn thành 100% chỉ tiêu thu nhận và kích hoạt tài khoản định danh điện tử (vượt chỉ tiêu của Bộ Công an giao 89 ngày). Công an tỉnh tiến hành làm sạch 5.566 dữ liệu khách hàng của các nhà mạng sai lệch thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tiến hành cập nhật, chuẩn hóa thông tin thuê bao cho 87.324 trường hợp.

Cũng theo lãnh đạo Công an tỉnh Điện Biên, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện làm sạch dữ liệu chuyên ngành và cập nhật thông tin vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Kết quả, đã hoàn thành 100% việc cập nhật, bổ sung thông tin vào hệ thống đối với 90.255 dữ liệu hội viên Hội Nông dân, 45.454 dữ liệu hội viên Hội Người cao tuổi, 18.075 dữ liệu hội viên Hội Cựu chiến binh, 76.734 dữ liệu hội viên Hội Chữ thập đỏ, 1.056 dữ liệu Người có công, 387.624 dữ liệu người lao động và 108.748 dữ liệu phương tiện giao thông. Sở Nội vụ hoàn thành 100% hồ sơ cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức khối chính quyền tỉnh.

Công an tỉnh cũng phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh trong công tác làm sạch dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đến nay đã tiến hành làm sạch được 624.632 dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT, đạt 99,7%, đứng thứ 4 toàn quốc. 100% dữ liệu hộ tịch đã được số hóa và đồng bộ với Cơ sở dữ liệu hộ tịch Bộ Tư pháp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Công an tỉnh rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện dữ liệu về trẻ em được 185.818/215.267 trẻ (đạt 86,32%); cập nhật và chuẩn hóa dữ liệu đối với 35.962/36.123 (đạt 99,4%) đối tượng BHXH vào phần mềm và chuẩn hóa dữ liệu theo Đề án 06.

Sở Y tế phối hợp với Công an tỉnh tiến hành làm sạch và xác thực thông tin tiêm chủng COVID-19 đối với 187.209 trường hợp, đạt 94%; cấp hộ chiếu vaccine cho 501.977/514.911 người, đạt 97,5%. Ngành giáo dục Điện Biên đã tiến hành cập nhật, bổ sung được 182.369 dữ liệu học sinh, đạt 99,76%; 13.695 dữ liệu giáo viên, đạt 99,99%. Công an tỉnh phối hợp với cơ quan thuế làm sạch, chuẩn hóa 48.500 dữ liệu mã số thuế cá nhân phục vụ công tác chuyển đổi sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế. 

Hoàng Phong
.
.