Bác sĩ trại giam, những hy sinh thầm lặng

Thắp sáng niềm tin cho ngày trở về (bài cuối)

Thứ Năm, 28/12/2023, 06:45

Mỗi lực lượng trong CAND đều có những vất vả riêng, nhưng khi gặp những người thầy thuốc trong các cơ sở giam giữ Bộ Công an, chúng tôi luôn cảm thấy trăn trở, day dứt, thậm chí là ám ảnh cho những vất vả rất đặc thù của họ.

Từ đỡ đẻ, chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS, đến khâm liệm bệnh nhân khi chết, trông giữ xác chết chờ làm các thủ tục cần thiết…, đó là những công việc họ phải làm hằng ngày, mà nếu không đủ tình yêu nghề, không đủ sự tận tâm, trách nhiệm cao độ với công việc, không coi việc bảo vệ chăm sóc tốt cho các đối tượng phạm tội như chăm sóc người thân của mình, tôi tin, ít nhiều thầy thuốc đó sẽ bỏ cuộc.

Nhưng vượt lên trên tất cả những khó khăn, thua thiệt đó, những người thầy thuốc trong các cơ sở giam giữ của Bộ Công an vẫn hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị của mình với một niềm tin rằng, sự chăm sóc tốt nhất của người thầy thuốc sẽ giúp các đối tượng phạm tội không chỉ được đảm bảo sức khoẻ, mà còn giúp cho họ có thêm niềm tin phục thiện cho ngày trở về.

1.jpg -0
Bác sĩ làm việc tại trại tạm giam không có ngày nghỉ.

Dùng trái tim để cảm hóa phạm nhân

Có nhiều bác sĩ trong quá trình làm nhiệm vụ đã bị phơi nhiễm HIV, thậm chí là nhiễm bệnh. “Có lần, khi đang truyền dịch cho phạm nhân HIV nhưng người này nhổ kim truyền, không may văng vào tay mình. Có lúc, đang cấp cứu cho người bệnh, kim tiêm dính máu không may đâm vào người…”, BS Nguyễn Thanh Hải, Bệnh xá trưởng Trại tạm giam số 2, Công an TP Hà Nội kể. May mắn thay, cả 6 lần phơi nhiễm, dù không có thuốc, song anh Hải đều xét nghiệm âm tính. Nhưng đồng đội của anh lại không có được sự may mắn đó.

BS Nguyễn Quang Ánh, Trại giam Thủ Đức, Bộ Công an là cán bộ y tế trại giam đầu tiên nhiễm HIV khi làm nhiệm vụ. Vào năm 2001, anh Ánh trực tiếp cấp cứu cho phạm nhân nhiễm HIV. Lúc đó đối tượng bất mãn, đã tự rạch tay và hất cả ca máu có HIV của mình lên mặt và người anh Ánh. Thời điểm đó, kiến thức về dự phòng phơi nhiễm HIV không nhiều. Anh Ánh và các đồng nghiệp chỉ lập biên bản sự việc và không hề nghĩ đến khả năng bị phơi nhiễm, cũng như không đi xét nghiệm.

Ba năm sau, vợ anh sinh con và bất ngờ phát hiện nhiễm HIV. Anh Ánh xét nghiệm cũng cho kết quả dương tính. Nguyên nhân được xác định là do anh đã bị nhiễm trong quá trình làm nhiệm vụ 3 năm về trước. Quá đau khổ, hai vợ chồng đã tìm đến cái chết bằng thuốc ngủ. Vợ anh do sức khoẻ yếu không qua khỏi, còn anh đã được cứu sống.

“Đó là ngày đau đớn nhất trong đời của mình, rất nhiều lần mình muốn giải thoát. Nhưng mình đã chọn nghề này rồi thì sẽ có rủi ro, nó đến với mình thì mình đón nhận”, anh Ánh chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Sỹ Thanh, Phó Cục trưởng Cục Y tế (Bộ Công an) cho biết, đối tượng mà các y, bác sĩ công tác trong trại giam phải chăm sóc có đủ loại bệnh, từ bệnh mãn tính, đến tâm thần, lao, HIV… Nguy cơ lây nhiễm HIV và rủi ro cao hơn nhiều lần ở ngoài cộng đồng. Đối tượng HIV có tới 70% liên quan đến ma tuý, khi vào trại, các bác sĩ lại làm nhiệm vụ cai nghiện cho các đối tượng này. Sau khi cắt cơn là những ngày vật vã, nôn mửa, y bác sĩ vẫn luôn túc trực ở bên chăm sóc. Nhiều cán bộ y tế trong quá trình chăm sóc phạm nhân đã nhiễm lao.

Bác sĩ trong trại giam phải làm tất cả các chuyên khoa. Để điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân HIV, bác sĩ phải kết hợp với chuyên khoa lao, HIV của tỉnh lấy thuốc, cấp phát cho người bệnh. Bác sĩ là người bên cạnh chăm sóc bệnh nhân từ lúc vào trại, tới khi họ bệnh nặng, thậm chí tử vong còn lo liên hệ với nhà tang lễ để làm các thủ tục mai táng. Nhiều phạm nhân HIV gia đình phó mặc cho trại, khi ốm nặng, thậm chí tử vong gọi cũng không tới.

“Người bệnh chỉ biết bấu víu vào bác sĩ. Có người đến giây phút cuối đời cũng chỉ có bác sĩ ở bên. Lúc đó, mình coi bệnh nhân như người thân, không ngần ngại khi họ đã ở giai đoạn cuối của bệnh AIDS, dùng trái tim để chăm sóc, lau rửa vết thương cho họ. Nhiều can phạm dù yếu, nói không ra hơi, đã dùng ánh mắt cảm động thay cho lời cảm ơn, vì mình ở bên họ tới hơi thở cuối cùng”, BS Nguyễn Thanh Hải bùi ngùi nhớ lại.

Phạm nhân trong trại giam đa dạng về độ tuổi và tính chất phạm tội, bác sĩ phải vững nghiệp vụ để nắm bắt tâm lý người bệnh. Có bác sĩ chia sẻ: Phạm nhân không có người thân, mình dùng trái tim, nhiệt huyết của mình để thắp sáng cho họ có niềm tin vào ngày mai.

“Có can phạm khả năng án nặng, thường xuyên kêu đau đầu, đau bụng, muốn ra bệnh viện để đạt mục đích nào đó. Cán bộ y tế khám, sàng lọc đánh giá chưa cần thiết phải đi viện, cho thuốc uống và đóng buồng. Nhưng chỉ một lúc sau họ lại kêu tiếp, có đêm kêu tới 3-4 lần, bác sĩ chạy đi chạy lại hết đêm, nhưng với trách nhiệm của người thầy thuốc, chúng tôi đều tận tâm thăm khám đồng thời cảm hóa, giáo dục phạm nhân, nhiều người nhận ra và không còn vờ ốm nữa” - BS Nguyễn Ngọc Hưng, Trại tạm giam Công an TP Hải Phòng chia sẻ.

Coi phạm nhân như người thân để chăm sóc

Theo Cục Y tế, cả nước hiện có hơn 600 y bác sĩ đang công tác tại các trại giam, trong đó bác sĩ chỉ hơn 140 người; 866 cán bộ y tế tại các trại tạm giam (176 bác sĩ). Thiếu bác sĩ và cán bộ y tế tại nhiều trại giam, dù công việc đặc thù, môi trường độc hại cực kỳ cao, nhưng vượt lên tất cả những khó khăn đó, các đơn vị đều hoàn thành tốt công tác khám sức khoẻ cho phạm nhân trong trại như: Khi vào trại can phạm đều được kiểm tra sức khoẻ; khám sức khoẻ định kỳ; bị bệnh đều được khám và điều trị; trường hợp bệnh nặng quá khả năng điều trị đều được Thủ trưởng cơ sở giam giữ cho trích xuất chuyển đến các cơ sở y tế.

Hiện nay, đa số trại giam có khu điều trị riêng cho phạm nhân tại bệnh viện tuyến huyện, tỉnh. “Từ đầu năm đến nay, Trại tạm giam, Công an TP Hải Phòng có 88 lượt can phạm đi khám, điều trị tại tuyến huyện trở lên. Theo quy định phải có khu điều trị cho can phạm ở ngoài. Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) cho trại mượn một dãy nhà làm khu điều trị cho can phạm, hiện bệnh viện đang lấy lại thành lập khoa giải phẫu bệnh. Tuy nhiên, bệnh viện cũng tạo điều kiện quy hoạch cho chúng tôi một khu đất, nhưng chưa có kinh phí xây dựng, trại đang phối hợp với Trại giam Xuân Nguyên đề xuất Bộ Công an và UBND TP Hải Phòng cấp kinh phí xây dựng, đang chờ phê duyệt”, Trung tá Đoàn Hồng Chiến, Phó Giám thị Trại tạm giam, Công an TP Hải Phòng chia sẻ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu nhân lực, thiếu phương tiện kỹ thuật phục vụ cho khám chữa bệnh, nhưng theo Trung tá Đoàn Hồng Chiến, bằng sự nỗ lực bền bỉ, từ đầu năm đến nay, các y, bác sĩ đã không để bệnh dịch truyền nhiễm như sốt xuất huyết, cúm mùa lây lan từ ngoài vào.

Chia sẻ về những khó khăn, vất vả của lực lượng y, bác sĩ, Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, Phó Giám thị Trại tạm giam số 2, Công an TP Hà Nội cho biết, trại có 17 cán bộ y tế, trong đó có 5 bác sĩ, còn lại y tá và 2 nhân viên dược. Ngoài khám và điều trị cho can phạm có nhiều tiền án, tiền sự, nghiện ma tuý, mắc nhiều bệnh như tiểu đường, tim mạch, đặc biệt là lao kháng thuốc, các bác sĩ còn phải chăm sóc sức khoẻ cho nhiều tử tù.

“Nếu không có bản lĩnh và trách nhiệm, tình yêu với nghề, chắc chắn họ không hoàn thành nhiệm vụ. Đội ngũ y, bác sĩ trong trại khá dày dặn về kinh nghiệm, luôn coi phạm nhân như người thân để chăm sóc, điều trị, nên hiệu quả công tác cao. Nhiều đối tượng vào đây bị ốm, nhưng vẫn không bỏ được tính côn đồ, hung hãn ngoài xã hội. Các bác sĩ vừa chữa bệnh, vừa cảm hóa, đối tượng đã dần phục thiện. Bác sĩ là người thắp sáng cho họ niềm tin ngày trở về” - Phó Giám thị Nguyễn Xuân Nam cho biết.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, hiện nay, trại còn khó khăn về thuốc, nhất là nhóm thuốc đặc trị. Trong môi trường trại giam đa dạng và phức tạp, cần có cơ chế đặc thù để trại được chủ động đề xuất nguồn thuốc điều trị cho kịp thời và hiệu quả hơn.

Tương tự, Trại tạm giam, Công an TP Hải Phòng cũng đề xuất được trang bị thêm thuốc, thiết bị y tế, bởi hiện nay bác sĩ chỉ khám cận lâm sàng là “nhìn, sờ, gõ, nghe”.

Theo Cục Y tế, hiện nay, hướng dẫn chăm sóc điều trị cho can, phạm nhân còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực thiếu thốn, trong khi cường độ lao động cao, bác sĩ không có ngày nghỉ, không có thời gian đi học để nâng cao trình độ… Vì vậy, những y, bác sĩ ở các trại giam, trại tạm giam rất cần có sự quan tâm hơn nữa để động viên họ thực hiện tốt hơn thiên chức của mình.

Trần Hằng – Xuân Mai
.
.