Sứ mệnh phục vụ Tổ quốc và Nhân dân

Thứ Bảy, 18/06/2022, 20:48

Lịch sử nền Báo chí Cách mạng Việt Nam được đánh dấu bởi sự ra đời của tờ Thanh niên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 21/6/1925 tại Trung Quốc. Báo Thanh niên ra đời nhằm tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, con đường giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc… Đối tượng phục vụ trước hết là các thành viên “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” đang hoạt động tại hải ngoại và thợ thuyền, người lao động trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, 3 năm trước mốc thời gian trên, một tờ báo có tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ khá giống tờ Thanh niên đã ra đời tại Paris – Thủ đô nước Pháp – cách nay đúng 100 năm, đó là tờ “le Paria” (Người cùng khổ). “Người cùng khổ”  là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa, một tổ chức tập hợp những người yêu nước từ các dân tộc thuộc địa đang sinh sống, hoạt động tại nước Pháp; trong đó Nguyễn Ái Quốc có vai trò của một yếu nhân và là người sáng lập tờ báo này. Mục đích và nhiệm vụ của “Người cùng khổ” nhằm tập hợp, đoàn kết các dân tộc thuộc địa, có tiếng nói để Chính phủ và nhân dân Pháp hiểu về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, vạch trần sự áp bức, bất công mà chế độ thực dân gây ra tại các nước thuộc địa; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư luận thế giới nói chung, chính giới và nhân dân Pháp nói riêng với những quyền cơ bản, thiêng liêng của các dân tộc…

Sứ mệnh phục vụ Tổ quốc và Nhân dân -0

Khởi thủy như vậy nên Báo chí Cách mạng Việt Nam có sứ mệnh thiêng liêng, cao cả. Cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hầu hết các nhà cách mạng tiền bối đều trực tiếp hoặc gián tiếp làm báo, sử dụng báo chí như một công cụ sắc bén, hữu hiệu để tuyên truyền, vận động quần chúng, tổ chức lực lượng cách mạng.

Quá trình đấu tranh giành độc lập, tiếp đó là “30 năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông” cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn khẳng định vị trí, vai trò lịch sử.

Sứ mệnh phục vụ Tổ quốc và Nhân dân -0
Sứ mệnh phục vụ Tổ quốc và Nhân dân -1

Bước vào thời kì đất nước đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ, sự bùng nổ của Internet, báo chí Việt Nam có sự thay đổi sâu sắc về nhiều mặt. Bên cạnh những thuận lợi trong công nghệ làm báo, là sự thay đổi của độc giả trong cách tiếp nhận thông tin không chỉ từ báo chí mà còn từ mạng xã hội. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 65 triệu người thường xuyên sử dụng Internet, báo in giảm dần sự hấp dẫn và thay vào đó là sự phát triển của các loại hình báo chí điện tử; số người đọc báo điện tử và sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng. Chưa bao giờ báo chí và những người làm báo đứng trước nhiều thử thách, sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Đó không chỉ là sự cạnh tranh, ganh đua giành bạn đọc, công chúng giữa các cơ quan thông tấn, báo chí với nhau mà còn giữa báo chí với mạng xã hội. Bạn đọc có thể hiếu kì với những thông tin từ mạng xã hội; song báo chí có tính xác thực và tính định hướng vẫn là yếu tố căn bản để bạn đọc tin yêu. Chỉ có cách cạnh tranh lành mạnh với nhau, không “theo đuôi” mạng xã hội, thông tin có kiểm chứng, bảo đảm tính xác thực, tính định hướng và tính thời sự; thì báo chí mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.

Sứ mệnh phục vụ Tổ quốc và Nhân dân -0

Từ thực tế ấy, các cơ quan báo chí đã nỗ lực thay đổi, nắm bắt thời cơ để thích ứng với sự phát triển của báo chí hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo đều phải nỗ lực trau dồi, nâng cao trình độ mọi mặt, khả năng, kĩ năng làm báo hiện đại. “Chuyển đổi số” trong các cơ quan báo chí diễn ra thầm lặng nhưng rất quyết liệt, không cơ quan báo chí nào có thể đứng ngoài xu thế đó nếu muốn tồn tại và phát triển.

Trong dòng chảy của cuộc sống và sự phát triển của khoa học công nghệ, báo chí đã và sẽ có nhiều thay đổi, song những vấn đề cốt lõi, có tính nguyên tắc của Báo chí Cách mạng Việt Nam vẫn là bảo đảm tính định hướng, tính thời sự, tính chiến đấu… và phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sứ mệnh phục vụ Tổ quốc và Nhân dân -0

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ, người thầy vĩ đại của Báo chí Cách mạng Việt Nam từng nhấn mạnh: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X (tháng 8/2015) cũng khẳng định quan điểm “Báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng”; “Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân”.

Đó là những nguyên tắc, là phương châm để mỗi người làm báo tự soi, tự sửa, phấn đấu hoàn tốt nhiệm vụ của bản thân và góp phần hoàn thành sứ mệnh cao cả của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

* Ảnh trong bài của Mạnh Tùng - An Quỳnh: Các nhà báo Công an luôn dũng cảm, xông xáo có mặt ở mọi miền đất nước để chuyển tải thông tin thời sự tới công chúng.

An Khang
.
.