Số phận long đong của "Ông phái viên" Bảy Tâm

Thứ Năm, 09/03/2023, 14:20

Đời ông may mắn được 4 lần dự phần vào những chiến công lớn, lần nào cũng đóng vai trò người kiến tạo và chỉ huy. Sinh thời, ông vẫn cho rằng “bảo bối” để ông bước vào lịch sử chỉ có một: ý chí và tấm lòng người Cộng sản.

Từ cậu học sinh nghèo đến "ông phái viên"

Nguyễn Trọng Tâm sinh năm 1927 tại làng Vọng Doanh, tổng Bồng Xuyên (Ý Yên, Nam Định). Là con út trong một gia đình nghèo 7 anh em, ông chỉ nung nấu giấc mơ duy nhất: học thật giỏi để thoát đói nghèo. Năm 1945, thi đậu Diplome nhưng chưa kịp nhận bằng, Cách mạng tháng Tám đã cuốn ông đi. Tâm về quê, tham gia giành chính quyền, sau đó đảm nhận vai trò ủy viên quân sự huyện, góp phần bảo vệ chính quyền non trẻ.

tam.jpg -0
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Trọng Tâm.

Năm 1948, Nguyễn Trọng Tâm lên chiến khu Việt Bắc và được giao nhiệm vụ đột nhập vào các vùng bị tạm chiếm để làm công tác địch vận. Được Đảng phân công bí mật “tập kết ngược”, tháng 12-1954, ông có mặt trên tàu Arkhanghen của Liên Xô để vào Kinh 7, Cà Mau – căn cứ của Văn phòng Trung ương Cục, trở thành phái viên Ban binh vận do Phó bí thư xứ ủy Phan Văn Đáng trực tiếp lãnh đạo.

Với một thẻ thông hành tạm (giả) ghi nơi cấp là xã Nam Thái Sơn (Rạch Giá), Nguyễn Trọng Tâm rời Cà Mau lên Sài Gòn. Bỏ ra một ít tiền “trà nước”, Tâm nhờ được hai người di cư... lạ hoắc đứng ra bảo lãnh để anh có được thẻ thông hành “thứ thiệt” do Tổng ủy di cư cấp, trở thành Bảy Tâm, tức Nguyễn Duy Đán, con nuôi của bà Tạ Thị Lộc, một người mẹ cơ sở có hai con đi tập kết, nhà nằm trong hẻm Cây Me, cạnh Nhà Thờ Lớn Biên Hòa.

Vào hang dụ "cọp rừng Sác"

Vào thời điểm đó, quan hệ giữa Ngô Đình Diệm và các giáo phái bắt đầu trở nên nặng nề. Đêm 29/3/1955, Bảy Viễn (tức Lê Văn Viễn, thủ lĩnh của lực lượng Bình Xuyên) bất ngờ ra lệnh nã pháo vào Dinh Độc Lập. Ngô Đình Diệm cho mở ngay chiến dịch Hoàng Diệu, giao cho Dương Văn Minh – mới đặc cách lên đại tá chỉ huy để “phản công”. Sau 5 ngày giao tranh, quân Bình Xuyên bị đẩy bật ra khỏi Sài Gòn.

Chạy vào rừng Sác, quân Bình Xuyên gần như tan tác, dù phiên hiệu vẫn đủ 4 tiểu đoàn 1, 2, 3, 4. Là rừng ngập mặn, rừng Sác hầu như không hề có lấy một mét vuông đất khô ráo để cắm trại ém quân. Lực lượng Bình Xuyên đành phải tự xé lẻ, tướng một nơi, quân một nẻo. “Doanh trại” là những chiếc ghe bầu, mỗi ghe chứa chừng một trung đội. Bảy Viễn và đám quân sư Lai Văn Sang, Lai Hữu Tài đặt sở chỉ huy trên một chiếc ghe neo tại ngã ba Ăn Thịt (An Thít), cách trung tâm xã Phước Khánh chừng nửa giờ chạy xuồng máy.

Bốn bề bị bao vây, quân Bình Xuyên rơi vào hỗn loạn, nội bộ chóp bu bị phân hóa mạnh mẽ. Bảy Viễn bị Lai Hữu Tài – Lai Văn Sang, hai tên tay sai phòng Nhì kèm sát nách chỉ còn nghĩ cách trốn ra vùng đồn, bốt của Pháp còn đang đóng rải theo quốc lộ 15, từ vùng Nước Vàng, Ông Trịnh xuống đến Vũng Tàu. Nắm rõ ý đồ này, Diệm - Nhu đã tăng cường quân đội áp sát quốc lộ, cắt đứt đường rút. Nhóm Hồ Hữu Tường, Trịnh Khánh Vàng chỉ nghĩ đến một nước đầu hàng Ngô Đình Diệm. Khá đông binh sĩ gia nhập “bộ đội Bình Xuyên” từ thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp tỏ ra quyết liệt hơn, muốn chống Diệm đến cùng dù lương thực vũ khí đều thiếu trăm bề. Bộ phận này tập trung ở Tiểu đoàn 3 do Bảy Môn chỉ huy.

Từ đầu năm 1955, Ban Binh vận đã giao cho Nguyễn Trọng Tâm nhiệm vụ bám sát, bằng mọi cách giảm thiểu việc lực lượng Bình Xuyên bị Diệm – Nhu tiêu diệt hoặc lôi kéo. Sau một thời gian điều tra khắp các xã thuộc vùng Long Thành, Nhơn Trạch, ngay cạnh rừng Sác, Bảy Tâm đã nắm rõ tình hình.

ông nguyễn trọng tâm phát biểu trong hội nghị tổng kết công tác binh vận thời kỳ chống mỹ lần thứ i.jpg -0
Ông Nguyễn Trọng Tâm phát biểu trong Hội nghị Tổng kết công tác binh vận thời kỳ chống Mỹ lần thứ I.

Ba Chưởng nguyên là một cán bộ kinh tài hoạt động hợp pháp tại xã Phước Khánh (Long Thành). Một lần vào rừng Sác làm củi, anh tình cờ gặp lại tiểu đoàn trưởng Bảy Môn, vốn là bạn cũ. Thấy Bình Xuyên đang lâm thế bí, Bảy Tâm tình nguyện ở lại giúp Bảy Môn mua lương thực, nước ngọt nuôi quân và làm cố vấn cho Tiểu đoàn 3.

Qua Ba Chưởng, Nguyễn Trọng Tâm nắm được đầy đủ thực trạng. “Ông phái viên” lập tức phác ngay một kế hoạch nắm lấy thực lực và số vũ khí còn lại của đám Bình Xuyên đang tan rã. Ban Binh vận xứ ủy đồng ý. Sau nhiều lần bắn tin qua lại, Bảy Viễn mới chịu tiếp xúc với “cấp Trung ương" Việt Minh. Cuối tháng 5/1955, đoàn “ngoại giao” của Xứ ủy được Tư Nhỏ (Nguyễn Văn Hiểu) – đại tá Bình Xuyên đích thân đưa bo bo ra Phước Khánh rước vào vàm Ăn Thịt, gồm: Nguyễn Trọng Tâm – đặc phái viên của Xứ ủy, Phạm Thuận – phó bí thư tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban Binh vận tỉnh Biên Hòa, đại diện Mặt trận Liên Việt Việt minh. Người thứ ba là Vũ Hồng Phô, Bí thư huyện ủy Long Thành đóng vai người chèo ghe.

Hai ông Phạm Thuận và Nguyễn Trọng Tâm cố sức vạch rõ thực trạng cho Bảy Viễn thấy: ém quân mãi tại rừng Sác chỉ là tự sát. Bình Xuyên chỉ còn hai con đường: hoặc hàng Diệm và chịu chết, hoặc đem quân về với Cách mạng...

Bảy Viễn vẫn cứng đầu nhưng không chối bỏ được thực tại bi đát, không lối thoát, cứ vò đầu bứt tai liên tục và nốc rượu tì tì. Nguyễn Trọng Tâm đưa ra điều kiện:  “Mặt trận sẽ giúp Bình Xuyên thu mua lương thực nuôi quân, đổi lại ông Bảy phải ra lệnh cho binh sĩ không được cướp bóc, hà hiếp dân chúng quanh vùng”.

Bảy Viễn gật đầu ngay. Nhưng khi kêu gọi đưa quân về với Việt Minh thì Bảy Viễn một mực lắc đầu: “Tôi là thứ hàng binh bại tướng, mặt mũi đâu mà về?”

Phái đoàn đặt thẳng vấn đề: “Ông Bảy không về, chúng tôi cũng không ép. Mặt trận sẽ giúp ông Bảy và Bộ chỉ huy Bình Xuyên liên hệ với các đồn của Pháp trên đường 15 để tìm đường rút, nhưng ông Bảy không được ngăn cản số anh em Bình Xuyên còn lại muốn về”.

Viên bại tướng tỏ ra quan liêu: “Tôi không chắc còn đơn vị nào muốn đi đâu”. Nguyễn Trọng Tâm lật ngửa bài tẩy: “Còn, tiểu đoàn 3 của Bảy Môn”!

Giá là lúc khác, chắc Bảy Viễn sẽ nổi trận lôi đình sai lính “phơ” luôn cả “phái đoàn” lẫn tiểu đoàn trưởng Bảy Môn. Nhưng tình hình đã quá tồi tệ, không còn cứu vãn được, tay giang hồ đeo lon thiếu tướng chỉ còn biết thở ra: “Thôi cũng được, nhưng mấy anh đừng để lộ. Bọn thằng Tài, thằng Sang biết, Đờ–dèm (Phòng Nhì) cũng biết, Bảy Môn có muốn đi cũng không đi được. Với lại, tôi lấy gì để tin là sẽ được “Mặt trận” giao cho quân đội Pháp an toàn?”.

Nguyễn Trọng Tâm trấn an: “Tôi sẽ ở lại rừng Sác cho đến lúc ông Bảy được giải thoát bình yên”.

Cuối tháng 9/1955, Bình Xuyên bị đánh tan tác. Lê Paul – con trai Bảy Viễn – bị giết chết. Bảy Viễn, Tài, Sang và đám thân Pháp được Xứ ủy cử các đồng chí Tám Lê Thanh (sau này là Trung tướng Lê Thanh), Phạm Thuận và Lâm Quốc Đăng (sau là đại tá) dẫn đường, bảo vệ xuyên rừng qua xã Phước Thái và trốn được vào đồn Pháp, rồi sang Nam Vang, được máy bay đưa sang Pháp. Tiểu đoàn 3 của Bảy Môn (sau này là đại tá Võ Văn Môn) được Nguyễn Trọng Tâm dẫn đường băng qua rừng và quốc lộ 15 thoát ra Xuyên Mộc bàn giao cho Bí thư huyện ủy Xuyên Mộc Lê Minh Nguyên đưa lên chiến khu D an toàn.

Lãnh đạo phá tù Tân Hiệp

Mãi đến trưa 22/10/1955, Nguyễn Trọng Tâm mới trở lại Biên Hòa, đang tắm thì cảnh sát ập vào. Khám nhà, chúng tìm được một số bản chép tay các bài hát Cách mạng do cô em gái con bà mẹ nuôi mang về lúc tiễn hai người anh đi tập kết. Để cứu em, ông Tâm nhận đó là của mình. Lập tức, ông bị bắt.

Ở nhà lao Tân Hiệp, ông đã cùng với các đồng chí Võ Văn Thuấn – nguyên Tỉnh ủy viên Thủ Dầu Một, Nguyễn Huy Giác, nguyên Thị ủy viên thị xã Biên Hòa... và một số đồng chí cũ trong nhà tù cử ra một Ban Chi ủy mới do đồng chí Thuấn làm Bí thư, Nguyễn Duy Đán (tức Nguyễn Trọng Tâm) làm Phó bí thư, và nhiều chi ủy viên trực tiếp nắm tình hình các khu trại.

Giữa năm 1956, số tù chính trị tại trại Tân Hiệp đã lên đến hơn 1.000 người. Đảng ủy tiến hành bí mật Đại hội, Nguyễn Duy Đán được bầu làm Bí thư Đảng ủy.

Địch ráo riết đẩy mạnh chiến dịch tố cộng. Điều kiện để tù nhân được hưởng các ưu đãi rất đơn giản: chỉ cần chịu chào cờ và ký bản ly khai. Không ít tù chính trị, đảng viên đã bị thủ đoạn tâm lý chiến của địch tác động và mất cảnh giác, trong đó có một người nguyên là Bí thư Tỉnh ủy. Người này cho rằng: Trong điều kiện bị địch giam giữ thì phải “ngộ biến tòng quyền”. Học “tố cộng” chẳng qua là “sách lược tạm thời”, miễn là được thả để có thể trở về với Cách mạng.

Bí thư Nguyễn Duy Đán vạch rõ: học “tố cộng” tức là đã bị dao động tư tưởng, là biểu hiện cầu an và thủ tiêu đấu tranh, đầu hàng địch. Có học “giả vờ” đi chăng nữa thì uy tín, phẩm chất cũng đã hoen ố, không còn là điểm tựa tin cậy của quần chúng đấu tranh nữa.

Một bộ phận khác manh động, tìm cách để dụ địch sơ hở rồi đoạt súng, trèo tường trốn lẻ. Nguyễn Duy Đán và Đảng ủy nhà tù vừa hoan nghênh tinh thần và ý chí chiến đấu nhưng chỉ rõ tác hại. Sau mỗi lần có người trốn thoát, địch sẽ siết chặt việc canh giữ, đàn áp những người ở lại tàn tệ hơn, sẽ đày tù ra Côn Đảo sớm hơn, Đảng sẽ tổn thất lớn hơn nhiều.

Nhưng, không thể ngồi yên cho địch hành hạ, đàn áp. Nguyễn Duy Đán bàn với Đảng ủy nhà tù vạch kế hoạch tổ chức phá nhà lao để giải thoát tù chính trị ở mức quy mô, với phân công chặt chẽ, bàn bạc chi tiết, còn cử người bắt liên lạc với Ban Binh vận xứ ủy và Tỉnh ủy Biên Hòa để có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Giờ hành động được ấn định vào chiều thứ bảy, ngày 1/12/1956.

Nhưng, do có chỉ điểm nên đồng chí Út Trắng, liên lạc viên của Tỉnh ủy Biên Hòa đã bị địch bắt, đường dây liên lạc bị đứt. Chiều ngày 1/12/1956, xe chở bọn chỉ huy Đặc cảnh miền Đông (PSE) và rất đông lính vũ trang ập vào sân nhà tù. Tuy vậy, hơn 300 thành viên của lực lượng xung kích vẫn sẵn sàng. Gần sáng, tình hình dịu trở lại, kế hoạch phá khám được ấn định dời lại một ngày.

Chiều chủ nhật 2/12/1956, đúng 17 giờ 30 phút, kẻng báo giờ tù nhân vào trại vừa gõ, tiếng hô “xung phong” bỗng đồng loạt vang lên. Tổ xung kích gồm Thư, Tăng, Cội, Min, Nhàn, Sỏi, Còn, Lém... lập tức xông thẳng vào kho vũ khí, dùng dao khống chế tên toán trưởng toán gác và đoạt vũ khí. Một tổ khác xông thẳng đến nhà tên giám đốc trại, hạ gục tên tài xế. Các đường dây điện thoại bị cắt đứt. Hàng loạt tên cai ngục, bọn gác văn phòng cũng bị trói gô. Lính tráng không súng bỏ chạy tán loạn. Các tổ xung kích không hề giết tên nào, chỉ bắt trói những tên ngoan cố chống cự.

Từ các trại D, G, E, chính trị phạm tràn ra cổng. Trung sĩ Đặng Đức Tài – Phó chỉ huy Bảo An đâm bổ lên tháp canh số một cùng tên Ngô Văn Hỏi dùng trung liên bắn xối xả về phía cổng trại. Từ tháp canh số 2, một tên khác theo lệnh của tên thượng sĩ Nguyễn Văn Huề cũng liên hồi nã đạn đuổi theo đoàn người đã thoát ra ngoài quốc lộ. Hàng loạt tù nhân ngã gục, máu tuôn đẫm đất, trong đó có nhà báo Dương Tử Giang. Một số bị thương đành nằm lại. Tên Lộc, tài xế của giám đốc trại giam Huỳnh Văn Tính, sau phút hoàn hồn đã xách tiểu liên quạt nguyên băng vào họ, giết chết 8 người.

Địch hoảng loạn. Huỳnh Văn Tính sợ trách nhiệm, sai vợ dùng thừng trói mình vào chân bàn và cố ý xé rách quần áo, cào cấu mặt mày giả bị thương. Giám thị trưởng Nguyễn Văn Huề cũng cố ý gây vết thương để chạy tội.

Cuộc phá tù vượt ngục diễn ra trong vòng 40 phút. Rời khỏi cổng trại, đoàn người đã chia nhau chạy ra hàng chục ngả để tránh sự truy đuổi của địch. Sau hàng chục ngày băng rừng lội suối, Nguyễn Trọng Tâm và 462 đồng chí đã thoát hiểm, về đến chiến khu D ở rừng Mã Đà.

Chiến công và "sóng gió" cuộc đời

Về với Cách mạng, tiểu đoàn 3 của Bảy Môn được chia ra, sáp nhập với nhiều lực lượng khác hình thành một số đơn vị vũ trang nhỏ, trở thành nòng cốt để thành lập lực lượng vũ trang Khu Đông Nam Bộ. Các đơn vị nói trên vẫn mang tên “Lực lượng Bình Xuyên”. Đầu năm 1957, Nguyễn Trọng Tâm được điều về phụ trách Đảng ủy Bình Xuyên.  Trong năm đó, cùng với lực lượng vũ trang Tây Ninh, Bình Xuyên đã đánh hai trận lớn: trận Bến Củi (tháng 3) và tấn công Sở Minh Thạnh (tháng 11).

Quý 3 năm 1957, Xứ ủy bố trí đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến về làm Trưởng ban Quân sự miền Đông, gồm các đại đội 50, 60, 70 và 80.  Đại đội 50 sáp nhập với đại đội 9 địa phương trở thành đại đội 59 do Nguyễn Trọng Tâm làm chính trị viên.

ông nguyễn trọng tâm (hàng ngồi, thứ 2 từ trái sang) cùng đồng đội.jpg -0
Ông Nguyễn Trọng Tâm (hàng ngồi, thứ 2 từ trái sang) cùng đồng đội trong một lần đến thăm nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Tháng 8/1958, bị Cách mạng tấn công tiêu diệt chi khu Dầu Tiếng, quân đội Sài Gòn đã mở ngay một cuộc càn quét lớn với 22.000 quân tham gia hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang Cách mạng ở vùng Bù Cháp, Lý Lịch (Tây Ninh). Các đơn vị vũ trang phải phân tán, dựa vào dân, đào củ mài, củ chụp để sống, bảo toàn lực lượng. Tháng 12/1959, Ban Quân sự miền Đông mở hội nghị bàn kế hoạch tấn công căn cứ Nguyễn Thái Học của quân đội Sài Gòn đóng ở Tua Hai, huyện Châu Thành, cách thị xã Tây Ninh chỉ 6 km.

Đúng 0 giờ 30 phút ngày 26/1/1960, ta nổ súng. Đại đội 59 do Nguyễn Trọng Tâm làm chính trị viên đã nhanh chóng đánh sập ban chỉ huy trung đoàn và khu nhà nghỉ sĩ quan. Địch phản công quyết liệt. Ổ đại liên của địch ở vọng gác phía đông nã đạn dọc bờ tường đất khiến một số cán bộ chiến sĩ của Đại đội 59 bị tử thương trong đó có đại đội trưởng Năm Nhỏ, đại đội phó Sáu Tươi và đồng chí Tư Đen, đại đội trưởng đại đội 60. Nguyễn Trọng Tâm đã nhanh chóng chỉ huy đại đội 59 và mũi phía Bắc bắn chặn địch đồng thời điều ngay một tổ đặc công men theo bờ tường đất (cao 1m, rộng 0,8m) tiếp cận và dập tắt ổ đại liên. Thanh toán xong sở chỉ huy và khu nhà nghỉ sĩ quan, mũi tấn công do ông chỉ huy lại đánh vào doanh trại tiểu đoàn 1 và phát triển tiến công sang tiểu đoàn 2. Quân địch nhanh chóng bị khống chế, vứt súng nằm úp mặt xuống đất. Các mũi tiến công đạp trên lưng địch xông vào chiếm kho vũ khí. Hàng chục khẩu đại liên, trung liên của địch được mang ra và khạc đạn vào đội hình của chúng. Hàng trăm tên địch vượt được vòng vây lọt ra ngoài tổ chức phản công đã bị quân ta nhanh chóng đè bẹp. Đích thân các đồng chí Mai Chí Thọ, Nguyễn Hữu Xuyến, Võ Cương đã vào ngay trận địa mới chiếm lĩnh kịp thời chỉ huy chiến đấu, tổ chức thu hồi vũ khí và giải thích chính sách cho tù binh, hàng binh địch...

Đến 3 giờ 30 phút sáng, các đơn vị được lệnh rút khỏi căn cứ Tua Hai. Lúc này, địch mới lập lại tổ chức và gọi viện binh tới truy kích nhưng hầu như không gây thêm tổn thất nào đáng kể cho cuộc rút lui của ta. Đã vậy, chúng còn bị ta tiêu diệt thêm 76 tên nữa.

Trận Tua Hai -“trận mở màn cho đồng khởi có kết hợp vũ trang trên một diện rộng lớn ở miền Nam” (Nguyễn Văn Linh) – đã thu thắng lợi giòn giã: diệt và bắt sống gần 900 tên địch, trong đó có tên trung đoàn phó trung đoàn 32 và một tên đại tá sư đoàn phó sư đoàn 21, thu 850 vũ khí các loại.

Sau giải phóng, Trung tá Nguyễn Trọng Tâm chuyển ngành, giữ cương vị Trưởng Ty Thương nghiệp tỉnh Đồng Nai. Bất ngờ, ngày 6/3/1978, ông bị bắt vì tội tiếp tế cho... FULRO một xe tải chở 5 tấn bột ngọt.

Kẻ hại ông là một con rắn độc mang khuôn mặt một phụ nữ sắc nước hương trời có tên Trần Kim Anh. Trước năm 1975, Trần Kim Anh  là Ủy viên Hội đồng thị xã Vũng Tàu, đồng thời là cố vấn của Tỉnh đảng bộ đảng Dân chủ (đảng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) tại thị xã này. Thực chất, cô ta là một điệp viên của CIA.

Sau ngày giải phóng không lâu, Kim Anh bị Công an Đồng Nai bắt. Mười Vân (Nguyễn Văn Giộc) –Trưởng ty Công an tỉnh đã nhiều lần trực tiếp khai thác Kim Anh. Tai ác thay, ông ta cũng bị nhan sắc của Kim Anh mê hoặc. Mười Vân đã phóng thích Kim Anh, mua nhà lầu, sắm xe hơi và tạo mọi điều kiện cho thị buôn bán làm giàu, sống “già nhân ngãi, non vợ chồng” với cô ta.

Trên cương vị Trưởng Ty Thương nghiệp tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Trọng Tâm lăn xả vào việc chống đầu cơ, tích trữ, chống "chảy máu" vàng và nạn buôn bán đôla "chợ đen", quyết liệt “phá” các thủ đoạn làm giàu bất minh của những kẻ đang tìm cách phá hoại kinh tế. Ông trở thành cái gai trong mắt Mười Vân. Hồ sơ giả về việc ông quan hệ, tiếp tế cho FULRO được dựng lên, khá bài bản và khá chi tiết, trong đó có cả vụ tiếp tế 5 tấn bột ngọt. Ngụy trá tài liệu, làm đơn thư tố cáo ông là Kim Anh … Guồng máy quyền lực bị thao túng đã đè nghiến lên nhiều số phận. Nguyễn Trọng Tâm và không ít cán bộ lãnh đạo khác của tỉnh, trong đó có các đồng chí Nguyễn Lan – Trưởng Ty Nông nghiệp, Phan Văn Trang (sau này là Bí thư Tỉnh ủy) đều lần lượt bị vào tù.

Sau hơn 2 năm sống trong trại tạm giam, ngày 27/11/1980, Nguyễn Trọng Tâm được đưa vào nhà lao Tân Hiệp.  Đến đó thì tập đoàn Mười Vân bị vạch mặt. Năm ngày sau, ngày 2/12/1980, đúng 24 năm sau ngày lãnh đạo cuộc phá nhà lao Tân Hiệp, Nguyễn Trọng Tâm được đón ra khỏi nhà tù. Một sự lặp lại của lịch sử.

Năm 1995, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông tạ thế trong an lành tại tư gia ở phường Tân Tiến, Biên Hòa vào năm 2014.

Nguyễn Hồng Lam
.
.