Kỷ niệm 75 năm Báo CAND phát hành số đầu (1/11/1946-1/11/2021)

Rèn luyện – tờ báo đặc sắc giữa Thủ đô kháng chiến

Chủ Nhật, 31/10/2021, 07:09

Trong những ngày đầu gian khổ của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, tại “Thủ đô Kháng chiến” đóng ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang xuất hiện một tờ nội san có tên Rèn luyện, do Nha Công an Trung ương (khi đó trực thuộc Bộ Nội vụ) xuất bản.

Nhiệm vụ vẻ vang và kỳ vọng của một tờ báo

Rèn luyện chính thức ra mắt bạn đọc vào ngày 21/2/1948, là sự tiếp nối Công an mới (tiền thân của Báo CAND ngày nay, xuất bản số đầu vào ngày 1/11/1946 tại Hà Nội). Chủ nhiệm kiêm Chủ bút của tờ Rèn luyện (chức danh tương đương Tổng Biên tập hiện nay), là đồng chí Đào Văn Bảo. Việc ra báo vào ngày 21/2/1948, là ngẫu nhiên hoặc cũng có thể là ngày kỉ niệm tròn 2 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 23 về việc thành lập Việt Nam Công an vụ, trực thuộc Bộ Nội vụ.

Tôn chỉ, mục đích của tờ nội san, được Chủ bút Đào Văn Bảo tái khẳng định trong Thư gửi bạn đọc (số báo 29-30, ra ngày 21/7/1950). Lá thư có tiêu đề “Rèn - Luyện mở kỷ nguyên mới”.

Mở đầu, thư viết, xin trích nguyên văn: “RÈN – LUYỆN của Nha Công an Trung ương khai sinh từ ngày 21/2/1948, đến nay đã hơn 2 tuổi. Trong khoảng thời gian đó, Rèn - Luyện đã sống qua những ngày vĩ đại của cuộc kháng chiến; Rèn - Luyện đã cùng trưởng thành với sự trưởng thành của ngành Công an. Rèn – Luyện đến ngày nay đã có một lịch sử của nó, đã có một quá trình xây dựng của nó. Vì vậy, để làm tròn nhiệm vụ chuyển mạnh sang Tổng phản công, Rèn – Luyện của Nha cần thấy phải chấn chỉnh lại”…

Rèn luyện – tờ báo đặc sắc giữa Thủ đô kháng chiến -0
Một trong những số đầu tiên của Nội san Rèn luyện.

Sau lời mở đầu ngắn gọn, súc tích, là phần tự kiểm điểm cực kì nghiêm túc, thẳng thắn và khá dài của tờ Rèn luyện, cho thấy tinh thần cầu thị của Tòa soạn trước bạn đọc.

Đồng thời, Tòa soạn Rèn luyện khẳng định, để mở một kỉ nguyên mới, Rèn luyện từ nay (gồm một số gạch đầu dòng, PV trích nguyên văn):

- “Sẽ là một tờ Nội san tiêu biểu của ngành Công an Việt Nam. Cũng do tính chất nội san, nên tờ Rèn - Luyện chỉ được lưu hành trong nội bộ Công an. Cũng do tính chất nội san, nên mọi người ở trong ngành có nhiệm vụ phải đọc, phải nghiên cứu, vì mọi bài ở trong ấy đều phải được Nha thông qua.

- Rèn – Luyện từ nay sẽ xuất bản đều đặn, bài vở chọn lọc, vì nó được xem như một nhiệm vụ chỉ đạo hằng ngày của Nha Công an Trung ương.

- Rèn – Luyện là cơ quan ngôn luận, tranh đấu, lý luận công tác và tuyên truyền của Nha Công an Trung ương.

- Nó là cơ quan ngôn luận vì Rèn – Luyện là nơi phát biểu ý kiến của anh em Công an trong toàn quốc.

- Nó là cơ quan tranh đấu vì Rèn – Luyện là nơi tranh đấu tư tưởng, nơi phê bình và tự phê bình của các cấp bộ Công an.

- Nó là cơ quan lý luận vì Rèn - Luyện là nơi xây dựng lý luận, kỹ thuật Công an.

- Nó là cơ quan trao đổi kinh nghiệm công tác của các địa phương.

- Nó là một cơ quan tuyên truyền nội bộ vì Rèn – Luyện làm cho anh em trong ngành yêu nghề, yêu nước để phụng sự cho chế độ dân chủ nhân dân”.

Rèn luyện – tờ báo đặc sắc giữa Thủ đô kháng chiến -0
CBCS Báo Công an Nhân dân thăm di tích Nhà in Báo Rèn luyện (xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang năm 2016).

Sau khi tái khẳng định tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ của tờ báo “trong kỷ nguyên mới”, Chủ bút Đào Văn Bảo nêu rõ:

“Vì vậy, Rèn - Luyện sẽ phát hành với một số lượng nhiều hơn, nó sẽ tiến tới xuất bản bằng máy in trong một thời gian rất ngắn, nó sẽ đi đến chỗ xuất bản một tháng 2 tờ báo in, một cho anh em Công an viên, một cho các cán bộ chỉ huy trong toàn quốc”…

Phần cuối, thư bày tỏ niềm tin sắt đá vào sự lớn mạnh, phát triển của lực lượng CAND và của chính tờ báo: “Rèn – Luyện mở một kỷ nguyên mới. Rèn - Luyện sẽ sống mãi mãi, sẽ tiến bộ mãi mãi với sự tiến triển của ngành Công an Việt Nam”.

Cách làm báo, tuyên truyền độc đáo

Với tôn chỉ mục đích nêu trên, Rèn luyện (trực thuộc Ty Tuyên – Nghiên – Huấn) của Nha Công an Trung ương, là một trong những tờ báo tiên phong  trong đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam.

Để thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ của tờ báo, một cách làm hay và có thể nói là độc đáo của Rèn luyện, là dạng bài thực tiễn – trao đổi – kinh nghiệm, thể hiện đúng tính chất “Nội san”; có tác dụng rất lớn trong việc tuyên truyền, huấn luyện và đào tạo cán bộ Công an các cấp khi mà trình độ văn hóa, nghiệp vụ của số đông còn thấp.

Một chiến công, vụ việc, vụ án xảy ra, sau khi tin bài được Tòa soạn đăng thì ở những số báo sau đó, sẽ có phản hồi theo dạng bài “trao đổi kinh nghiệm”, với góc nhìn khách quan, phân tích, mổ xẻ cái hay, cái dở trong việc viết tin bài và đặc biệt là cách xử lý các tình huống nghiệp vụ. Với cách làm nêu trên, Rèn luyện không những luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương đường lối kháng chiến của Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Nha Công an Trung ương mà còn góp phần giáo dục nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ của CBCS Công an trong cả nước.

Rèn luyện – tờ báo đặc sắc giữa Thủ đô kháng chiến -0
Nhà in Nội san Rèn luyện trong kháng chiến chống Pháp.

Điển hình cho dạng bài trên, Rèn luyện (số 14, ra ngày 21/3/1949) có đăng bài “Vụ án Rongier”. Vụ án này có lẽ đã xảy ra trước ngày 6/3/1946 tại TP Nam Định (tỉnh Nam Định), được tác giả Trần Thế Uông, Trưởng quận Công an quận I – Hà Đông tường thuật lại.

Tóm tắt vụ án như sau: Rongier là một bác sĩ người Pháp có tên tuổi ở Thành Nam, sống cùng người vợ thứ hai là một người lai. Sau cách mạng Tháng Tám, ông ta vẫn ở lại Nam Định, hành nghề y và có cuộc sống khá giả. Đến một ngày, người nhà phát hiện xác của Rongier trong phòng ngủ của ông ta. Nhận được tin khẩn cấp, một số cán bộ Công an cùng các võ quan Tàu lập tức đến hiện trường. Vụ việc được tiến hành điều tra khá bài bản: khám nghiệm hiện trường, tử thi; thu lượm, bảo quản vật chứng có thể liên quan đến vụ án mạng; ghi lời khai của những người thân; xác minh các mối quan hệ của nạn nhân… Trước khi tác giả, cũng là người tham gia điều tra vụ án và các đồng sự rời khỏi hiện trường vụ án, mấy viên võ quan Tàu bắt tay và nói, nửa đề nghị, nửa đe dọa: “Mong các ngài hết sức làm mau chóng việc này (điều tra – PV) nhé”.

Cần hiểu bối cảnh lịch sử lúc đó, bên cạnh việc giải giáp quân Nhật (từ vĩ tuyến 16 ra Bắc, theo Thỏa thuận Potsdam của các nước Đồng minh thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai), quân Tàu Tưởng với 20 vạn tên, đem theo nhiều tổ chức Việt gian, phản động vào miền Bắc Việt Nam, luôn có ý đồ “đục nước béo cò”, gây hấn nhằm lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh. Thậm chí, chúng còn đe dọa sẽ giành quyền bảo đảm trị an tại các nơi chúng có mặt, nếu chính quyền cách mạng không giữ được an ninh.

Rèn luyện – tờ báo đặc sắc giữa Thủ đô kháng chiến -0
Bài tường thuật vụ án Rongier đăng trên Báo Rèn luyện (số 14, ra ngày 21/3/1949).

Do vậy, công tác điều tra, khám phá vụ án là rất cấp bách, vừa để giữ gìn, bảo đảm trị an, vừa không để quân Tưởng có cớ can thiệp vào nội bộ nước ta.

Với sự mưu trí và tích cực của lực lượng Công an, đặc biệt là sử dụng những biện pháp nghiệp vụ khá sắc sảo, thậm chí… táo bạo, vụ án được làm sáng tỏ và hung thủ đã lộ diện. Toàn bộ vụ án này được tường thuật chi tiết và cực kì hấp dẫn trong 5 trang báo (khổ A4, khoảng 3.000 chữ) của tờ Rèn luyện số ra ngày 21/3/1949.

Đến số báo ra tháng 5/1949 (báo lưu mất trang 1 nên không rõ số mấy, ngày phát hành – PV), có bài phản hồi đăng ở mục “Điều tra hình vụ”, tên bài cũng là “Vụ án Rongier”. Mở đầu bài báo này (tác giả là Chủ bút Đào Văn Bảo) viết:

“Báo Rèn - Luyện ngày 21-3-49 số 14, có đăng bài của bạn Trần Thế Uông kể lại việc khám phá vụ án Rongier. Tác giả đã thành công trong vụ án này, vì trong thời hạn một tuần lễ, màn bí mật đã được vén lên và thủ phạm đã phải thú nhận tội lỗi… Viết bài này, chúng tôi muốn phát biểu một vài ý kiến, nhận xét về phương pháp làm việc của các nhà trinh thám Việt Nam trong những ngày đầu của chính quyền dân chủ”.

Tác giả bài phản hồi cho rằng, vụ án đã có kết quả, nhưng cũng không vì thế mà không bàn thêm ưu điểm, thiếu sót để làm kinh nghiệm. Các ưu điểm là, sau khi vụ án xảy ra, các nhà chức trách Nam Định đã đến khám nghiệm rất kĩ càng, cẩn thận chụp ảnh, niêm phong các hòm tủ và tìm kiếm tang vật và thấy được cái túi vải (màu) vàng đựng cát…

Sau phần ưu điểm là thiếu sót, tác giả phân tích: Người khám nghiệm đã không tìm hết những dấu vết của kẻ gian để lại. Đọc hết bài, ta biết hung thủ sau khi ra tay đã đóng cửa phòng, khóa chặt, rút chìa khóa vứt xuống vườn. Vậy tất hung thủ phải xoay quả đấm cửa, và không thể nào không để lại các vân tay và vân tay của hung thủ có lẽ còn ở trên nhiều đồ vật nữa… Việc nạn nhân chết vì túi đựng cát đập vào thái dương, là chỗ rất yếu của thần kinh hệ, cho thấy hung thủ phải là người có học, có đọc nhiều truyện trinh thám và thuộc về một giai cấp khác với giới của người bồi (một nghi phạm, là người giúp việc của nạn nhân, cũng bị bắt để tra xét – PV).

Tác giả Đào Văn Bảo cũng nhận định, quá trình điều tra gặp nhiều may mắn nên vụ án mới không đi vào bế tắc. Đặc biệt, ông còn phê phán kiểu “bắt bừa” một số người là không cần thiết và làm chậm quá trình điều tra vụ án…

Kết bài viết, tác giả bài phản hồi - cũng là Chủ bút tờ Rèn luyện nêu rõ: “Viết bài này, chúng tôi chỉ có ý cùng các bạn đọc nhận xét 1 vụ điều tra, cùng nhau rút kinh nghiệm để làm việc cho có kết quả hơn lên. Hội nghị Điều tra sắp tới cũng không ngoài mục đích đó”.

Gần 8 thập kỉ đã qua, “cảo thơm lần giở” những trang báo cũ, thật không khỏi xúc động và ấn tượng về một trong những tờ báo đầu tiên của lực lượng CAND, cũng là tiền thân của Báo CAND. Thời thế và công nghệ làm báo đã thay đổi rất nhiều, song vẫn có thể thu nhận được nhiều bài học và kinh nghiệm làm báo của tờ Rèn luyện vang bóng một thời.

Trần Duy Hiển
.
.