Cải cách thủ tục hành chính trong CAND:

Đơn giản thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí

Thứ Tư, 25/03/2015, 08:10
Trong năm 2014, Bộ Công an đặt mục tiêu đơn giản hoá tối thiểu 15% quy định hành chính. Tiếp tục phát huy hiệu quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nhiều cách làm, mô hình cải cách TTHC đã được Công an các tỉnh/thành, vụ, cục áp dụng căn cứ trên tình hình thực tế của địa phương, góp phần thực hiện chủ trương cải cách TTHC của Chính phủ.

Bài 1: “Một cửa liên thông” của Công an thành phố Cảng

Cơ chế “Một cửa liên thông” được Công an TP Hải Phòng xây dựng và thực hiện trong những năm gần đây là một trong những mô hình thực hiện cải cách hành chính có hiệu quả. Hoạt động theo cơ chế này đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các TTHC cũng như nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ chiến sỹ.

Cấp đăng ký phương tiện sau 2 ngày, cấp con dấu sau 4 ngày…

Lĩnh vực đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (GTCGĐB) liên quan trực tiếp đến nhiều người dân, doanh nghiệp. Công an TP Hải Phòng phối hợp với Cục CSGT, Bộ Công an cài đặt hệ thống quản lý đăng ký xe môtô tại Phòng CSGT đường bộ - đường sắt và Công an các quận, huyện được phân cấp. Duy trì việc cấp biển số xe ôtô trên máy tính qua hệ thống quản lý của Bộ Công an. Qua đó, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký và cấp giấy đăng ký xe cho công dân và doanh nghiệp.

Trường hợp đăng ký mới xe ôtô, môtô được cấp ngay biển số và giấy hẹn. Sau 2 ngày trả giấy đăng ký đối với ôtô, môtô, xe gắn máy. Trường hợp cấp giấy phép vào đường cấm: giải quyết cấp phép sau 3 ngày từ khi tiếp nhận đơn đề nghị, trường hợp cấp đổi được thực hiện ngay trong ngày.

Mới đây, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt và Kho bạc Nhà nước thành phố triển khai thu tiền phạt vi phạm ATGT tại đơn vị. Theo anh Vũ Văn Tưởng, trú tại xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, việc triển khai nộp phạt tại đơn vị tạo thuận lợi, giảm thời gian đi lại cho người vi phạm ATGT.

Đại úy Đào Hồng Nhung, Đội phó Đội Đăng ký quản lý phương tiện GTCGĐB cho biết: Trung bình, đội tiếp nhận khoảng 50 - 100 hồ sơ xe môtô và 30 - 60 hồ sơ ôtô/ngày liên quan đến việc cấp đăng ký, sang tên, cấp đổi, cấp mất phương tiện giao thông đường bộ.

Hải Phòng có nhiều phương tiện nhập về từ cảng. Đơn vị phải triển khai 100% quân số, làm việc với cường độ cao, kể cả ngày thứ 7. Những phương tiện đăng ký tạm thời, đơn vị giải quyết ngay trong ngày.

Qua cải cách hành chính, CSGT Hải Phòng đã rút ngắn thời gian làm thủ tục cho nhân dân.

Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH tập trung vào 5 lĩnh vực: đăng ký, quản lý cư trú; cấp CMND; đăng ký quản lý con dấu, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT nhằm phát hiện, kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền những TTHC chưa phù hợp, cần phải sửa đổi hoặc bãi bỏ.

CATP triển khai quy trình sản xuất, cấp và quản lý CMND theo mẫu mới trên dây chuyền công nghệ hiện đại.

Đến nay, đơn vị lắp xong thiết bị, đường truyền số liệu, đưa vào sử dụng việc sản xuất, cấp và quản lý CMND; thực hiện cấp CMND 12 số tại Công an các quận, huyện.

Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong cấp, quản lý dữ liệu đăng ký CMND, tạo thuận lợi trong công tác tra cứu, xác minh trường hợp trùng số CMND, thực hiện các thủ tục cấp mới, cấp đổi, cấp lại CMND, rút ngắn thời gian cấp CMND tạo thuận lợi cho người dân.

Công an TP Hải Phòng là đơn vị được Bộ Công an chọn thí điểm triển khai thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống quản lý dân cư” sử dụng tín dụng ưu đãi của Chính phủ Hunggary.

Chúng tôi gặp anh Trịnh Thành Công, Công ty TNHH Asap quốc tế (chuyên về xuất nhập khẩu) khi anh đến đăng ký thủ tục thay con dấu mới. Anh cho biết đã nhận được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ nhận hồ sơ.

Trao đổi với PV, Trung tá Ngô Huy Diên, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết: Sau 4 ngày nộp hồ sơ, người dân nhận được con dấu, giấy chứng nhận và các giấy phép theo yêu cầu.

Chặt chẽ về nghiệp vụ, thông thoáng về thủ tục

103 TTHC liên quan đến ANTT hiện đang được các phòng nghiệp vụ và Công an các quận, huyện thuộc Công an TP Hải Phòng thực hiện giải quyết.

Ngoài Cổng thông tin điện tử Công an thành phố, còn có 88 Trạm tra cứu thông tin về TTHC tại các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, phường để người dân khai báo, tìm hiểu và giám sát việc giải quyết TTHC của cán bộ Công an.

Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đúng các quy định về giải quyết TTHC từ khâu tiếp nhận hồ sơ, phiếu hẹn đến ký nhận vào sổ trả kết quả TTHC đảm bảo công khai, minh bạch TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị.

CATP chấn chỉnh công tác tiếp dân, bố trí ở nơi thuận tiện đặt hộp thư góp ý, số điện thoại “nóng” để lãnh đạo đơn vị trực tiếp tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân.

Trưởng Công an các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Giám đốc CATP về việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nội dung về tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thực hiện các quy định TTHC tại đơn vị.

Công an TP Hải Phòng triển khai trang bị, lắp đặt camera giám sát tại một số đơn vị để đảm bảo tính minh bạch hóa các TTHC, phòng ngừa sai phạm và tiêu cực trong công tác giải quyết TTHC.

Đại tá Nguyễn Trọng Phượng, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng cho chúng tôi biết, Công an TP xác định nhiệm vụ trọng tâm của chương trình đẩy mạnh CCHC trong lực lượng Công an Hải Phòng là cải cách thể chế và cải cách TTHC đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ về nghiệp vụ, thông thoáng trong giải quyết thủ tục cho tổ chức, cá nhân.

Xây dựng đội ngũ cán bộ Công an trong sạch, vững mạnh, vì nhân dân phục vụ. Hiện đại hóa hành chính, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin.

Công tác CCHC theo hướng giải quyết TTHC nhanh gọn, giảm thời gian và chi phí cho cá nhân và tổ chức; đảm bảo quy định của pháp luật các yêu cầu về nghiệp vụ nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ANTT; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Công an các đơn vị, địa phương rà soát các quy định, TTHC và cải tiến các quy trình công tác nhằm rút ngắn trình tự, thời gian giải quyết các TTHC; nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, đảm bảo thời gian, giải quyết nhanh chóng các yêu cầu về TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Năm 2015, Công an TP Hải Phòng chọn chủ đề “Đoàn kết, kiên cường, kỷ cương, hiệu quả”.

Đơn vị quản lý xuất nhập cảnh (XNC) thực hiện cơ chế “một cửa” trong tiếp nhận, giải quyết các TTHC; việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu cho công dân, áp dụng hệ thống lấy số thứ tự, xếp hàng và giao giấy hẹn tự động bằng máy tính, đảm bảo chính xác, công bằng, nhanh gọn, thuận tiện, hạn chế tiêu cực.

Bộ phận “một cửa” của Phòng Quản lý XNC chia thành các khu vực: tiếp nhận hồ sơ cấp hộ chiếu, thu lệ phí, trả giấy biên nhận...

Cán bộ chiến sỹ tiếp nhận hồ sơ, tra cứu thông tin, chuyển dữ liệu về Cục Quản lý XNC.

Để trả hộ chiếu đúng hẹn, cán bộ phải làm thêm giờ và ngày thứ 7. Đợt cao điểm, đơn vị tiếp nhận khoảng 200 hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu/ngày.

Theo quy định, sau 8 ngày kể từ khi đăng ký, công dân được cấp hộ chiếu.

Đơn vị còn làm các thủ tục như: nhập cảnh, thị thực cho người nước ngoài, tạm trú, gia hạn tạm trú trong thời gian từ 3-5 ngày, giải quyết trong ngày.

(Theo Đại tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Quản lý XNC, Công an TP Hải Phòng)

Đăng Hùng
.
.