Đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước

Thứ Năm, 18/02/2016, 07:38
Ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các Sở Cảnh sát và Sở Liêm phóng thành “Việt Nam Công an vụ”, trong đó có một bộ phận thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tuần tra kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường, bến xe, bến phà, bến cảng… Có thể coi đó chính là lực lượng CSGT bao gồm CSGT đường bộ, đường sắt, đường thủy sau này.

Từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các tổ chức tiền thân của CSGT được lập thành các Đội Công an chỉ đường, Đội Công an kiểm tra xe tải thuộc Ban Trật tự do Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo, Đội tuần tra kiểm soát trên sông... có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm soát giao thông nhằm phòng gian, trừ gián, bắt tội phạm để bảo vệ cách mạng và nhân dân.

Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, các tổ chức tiền thân của CSGT đã góp phần tích cực cùng các lực lượng Công an, Quân đội, Du kích địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đến ngày thắng lợi.

CSGT tuần tra trên đường phố Hà Nội thập niên 1970 của thế kỷ trước.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, cán bộ, chiến sỹ CSGT kiên cường bám trụ trên từng tuyến đường, cây cầu, bến phà và những trọng điểm địch đánh phá ác liệt để chỉ huy, hướng dẫn, điều hòa giao thông, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt, cứu người, tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Trên tuyến đường sắt, đế quốc Mỹ đã ném bom hơn 10 ngàn lần xuống 3.700 tuyến trọng điểm. Vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ, cán bộ chiến sỹ CSGT chỉ huy hướng dẫn điều hoà giao thông; phối hợp cùng thanh niên xung phong, dân quân hoả tuyến, công nhân cầu, phà và quần chúng nhân dân sửa chữa đường, bắc cầu, phá bom nổ chậm, mở đường thông tuyến cho xe, tàu, thuyền qua lại an toàn.

Lực lượng CSGT  đã tham gia cùng các lực lượng của ngành GTVT, thanh niên xung phong phá thế “độc tuyến, độc vận” của địch, qua đó thể hiện rõ khả năng sức mạnh tiềm tàng và tinh thần sáng tạo, chiến đấu vô cùng dũng cảm, bất chấp gian khổ hy sinh của quân và dân ta vì miền Nam ruột thịt  đã tham gia mặt trận bảo đảm giao thông vận tải, lập nên nhiều chiến công và kỳ tích vĩ đại.

Đất nước thống nhất, lực lượng CSGT lại bước vào trận tuyến mới “Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phục vụ khôi phục và phát triển kinh tế” không kém phần khó khăn phức tạp và quyết liệt. Phát huy truyền thống anh hùng của những năm tháng đánh Mỹ, lực lượng CSGT đã khắc phục khó khăn, gian khổ vượt lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong trận tuyến ấy, máu của nhiều cán bộ, chiến sỹ CSGT vẫn đổ trên những tuyến đường.

Sau Đại hội VI của Đảng, nền kinh tế của đất nước phát triển theo đường lối đổi mới, giao thông vận tải phát triển cũng kéo theo những diễn biến phức tạp về TTATGT.  Ngày 11-3-1997, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra quyết định tách Cục CSGT thành: Cục CSGT đường bộ - đường sắt  và Cục CSGT đường thuỷ.

Trong giai đoạn này, lực lượng CSGT đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Bộ Công an, Chính phủ chỉ đạo và triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT, nhất là những vấn đề nổi cộm và bức xúc trong từng thời kỳ, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm TTATGT, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Vai trò nòng cốt, xung kích của lực lượng CSGT trong việc thực hiện các Chỉ thị của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Chính phủ về đảm bảo TTATGT đã được khẳng định: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác thanh tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT được coi là 2 biện pháp quan trọng nhất để lập lại TTATGT.

Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đã có nhiều tiến bộ, lòng đường vỉa hè, luồng chạy tàu thuyền thông thoáng hơn. Đồng thời phát huy vai trò xung kích, chủ động phối hợp với các ngành, các cấp trong việc huy động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT. Trong công tác TTKS, lực lượng CSGT đã thực hiện công khai minh bạch và đổi mới phương thức hoạt động trong công tác TTKS và XLVP TTATGT, kết hợp phương thức tuần tra cơ động với kiểm soát tại 1 điểm, đồng thời mở các đợt cao điểm với hình thức chỉ huy tập trung thống nhất; áp dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào công tác TTKS đem lại hiệu quả cao. Bố trí lực lượng, phương tiện khép kín địa bàn trên các tuyến đường thủy trọng điểm, cửa sông, ven biển đảm bảo TTATGT và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên đường thủy.

Trong 20 năm (1987-2007), lực lượng CSGT đã lập biên bản gần 33 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, bắt giữ hơn 18 ngàn tên tội phạm và trên 95 ngàn vụ buôn lậu và gian lận thương mại. Điểm nổi bật trong giai đoạn này là thực hiện thành công chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi môtô xe máy, được đánh giá là một trong 10 sự kiện nổi bật.

Thực hiện đường lối đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, lực lượng CSGT đã chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đề xuất với Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ những chủ trương, quyết sách có ý nghĩa chiến lược về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và trật tự xã hội; chủ động triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chức năng, các cấp, các ngành, sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân để thực hiện  mục tiêu giảm số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông và giữ vững trật tự xã hội trong mọi tình huống.

Dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, cụ thể của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Bộ Công an, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của lực lượng CSGT, Cảnh sát đường thủy đã đạt nhiều kết quả tích cực, tai nạn và ùn tắc giao thông bước đầu đã được kiềm chế.

Từ năm 2008 đến nay, TNGT đã liên tục được kiềm chế và giảm về số người chết, số người bị thương. Trong 3 năm liên tiếp, tai nạn giao thông đã được giảm trên cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương, số người chết đã giảm dưới 10 ngàn người, ùn tắc giao thông được khắc phục. Đặc biệt năm 2014 đã giảm dưới 9 ngàn người chết. Kết quả đó được đánh giá rất cao trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và của Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm kiện toàn bộ máy tổ chức chỉ đạo tập trung, tăng cường sức chiến đấu của lực lượng CSGT, ngày 29-12-2014, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 7836/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục CSGT trên cơ sở hợp nhất giữa Cục CSGT đường bộ, đường sắt và Cục CSGT đường thủy. Việc hợp nhất đã ghi dấu mốc quan trọng trong bước đường xây dựng và phát triển của lực lượng CSGT.

Với những thành tích đạt được, lực lượng CSGT được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân” cho 16 tập thể, 11 cá nhân, và hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được trao tặng Huân chương Quân công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huân chương Lao động và Huân chương Chiến công các hạng. Phát huy truyền thống 70 năm qua, lực lượng Cảnh sát giao thông quyết tâm đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; phấn đấu xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CSGT  Việt Nam “Thân thiện, trách nhiệm, nhân văn”.

Q.Nhật – T.Thuỷ
.
.