Đảm bảo an ninh tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Hải Phòng hiện có 1 khu kinh tế, 19 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp với 405 dự án đầu tư. Thời gian qua, tình hình an ninh trật tự (ANTT) trong các khu công nghiệp (KCN) diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và chính sách thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, cụm công nghiệp. Trước tình hình trên, Phòng An ninh Tiền tệ Đầu tư, Công an TP Hải Phòng tham mưu cho các đơn vị chức năng và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài triển khai các giải pháp đảm bảo ANTT.
Đại tá Nguyễn Mạnh Vũ, Trưởng Phòng An ninh Tiền tệ Đầu tư, Công an TP Hải Phòng cho biết: Năm 2014, đơn vị lựa chọn khẩu hiệu, phương châm hành động “Tuyên truyền phổ biến Hiến pháp, chính sách pháp luật cho cán bộ công nhân viên và người nước ngoài đang làm việc trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng”. Để thu hút được các dự án FDI lớn, thành phố Hải Phòng phải đảm bảo môi trường an ninh chính trị. Thời gian qua, Phòng tham mưu cho Công an thành phố lập các tổ công tác tại các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng như: Nomura, Đình Vũ, Tràng Duệ, VSIP.
Phòng An ninh Tiền tệ Đầu tư (Công an TP Hải Phòng) triển khai kế hoạch đảm bảo ANTT tại các doanh nghiệp FDI. |
Lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trong đó, có thể kể đến một số nguyên nhân như: bất đồng ngôn ngữ giữa người nước ngoài với người lao động Việt Nam, cách hiểu pháp luật ở mỗi nước khác nhau… dẫn đến việc giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các KCN, khu kinh tế diễn ra chậm, phát sinh những vấn đề phức tạp về ANTT. Đây là lĩnh vực nhạy cảm, đặc thù, để tiếp cận cơ sở, cán bộ chiến sỹ (CBCS) phải có nghiệp vụ sắc bén, trình độ chuyên ngành và trình độ ngoại ngữ trong giao tiếp với người nước ngoài.
Để đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới, đơn vị mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ và mời các chuyên gia đến trao đổi nghiệp vụ. Các chuyên gia và CBCS thảo luận tìm các biện pháp vận dụng lý thuyết vào công việc của đơn vị; duy trì tổ chức sinh hoạt CLB nghiệp vụ… Nhiều kiến thức chuyên ngành, các tình huống xử lý cụ thể được thảo luận sôi nổi góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng của CBCS trong đơn vị.
Trong năm 2014, đơn vị phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế, các doanh nghiệp FDI tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chính sách kinh tế, đầu tư tại 50 doanh nghiệp với trên 40.000 cán bộ công nhân viên và người nước ngoài. Đơn vị tổ chức 5 hội nghị phổ biến chính sách pháp luật và phát động cán bộ công nhân viên Việt Nam và người nước ngoài tham gia tố giác tội phạm.
Đồng thời, kết hợp tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật tại các cuộc giao ban tình hình ANTT hàng tháng tại các dự án. Đơn vị thường xuyên làm việc, giao lưu, tiếp xúc với lãnh đạo doanh nghiệp và người nước ngoài, người lao động là người nước ngoài để tham mưu hướng dẫn việc chấp hành pháp luật Việt Nam; thông báo tình hình ANTT chung của các khu công nghiệp và những việc làm tiêu biểu của các doanh nghiệp FDI khác trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Việt Nam và thực hiện chế độ chính sách với người lao động Việt Nam để từng bước doanh nghiệp nghiên cứu, rút kinh nghiệm việc thực hiện tại doanh nghiệp. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nước ngoài, những khó khăn khúc mắc trong thời gian đầu tư dự án và làm việc tại Hải Phòng.
Điển hình, tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương -981 trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, lợi dụng tình hình trên, nhiều đối tượng kích động công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, yêu cầu phải cho công nhân nghỉ, tham gia biểu tình phản đối. Trước tình hình trên, Phòng An ninh Tiền tệ Đầu tư tham mưu, hướng dẫn, huy động lực lượng, phối hợp bảo vệ an toàn tuyệt đối cho người và doanh nghiệp nước ngoài làm việc tại Hải Phòng, không để xảy ra phá hoại tài sản, máy móc, ngừng việc tập thể, đình công, lãn công. Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương an toàn nhất trong việc đảm bảo ANTT tại các doanh nghiệp FDI.
Mới đây, Phòng An ninh Tiền tệ Đầu tư đề xuất, tham mưu cho Giám đốc Công an thành phố, UBND TP Hải Phòng tổ chức hội nghị “Triển khai công tác đảm bảo ANTT tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp lớn tại Hải Phòng” được các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đánh giá cao. TP Hải Phòng là địa phương đầu tiên trên toàn quốc tổ chức được hội nghị này.
Từ những việc làm trên, các nhà đầu tư, lao động nước ngoài hiểu rõ hơn chức năng nhiệm vụ của lực lượng Công an. Đồng thời, tạo được lòng tin, uy tín và mối quan hệ công tác giữa lực lượng Công an đối với người nước ngoài. Qua đó, cải thiện mối quan hệ lao động giữa người nước ngoài và lao động Việt Nam, hạn chế những búc xúc trong khi bất đồng ngôn ngữ. Nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật Việt Nam của người nước ngoài làm việc tại các KCN. Những thắc mắc, kiến nghị với cơ quan chức năng không phù hợp với pháp luật và quy định hiện hành của Việt Nam giảm đáng kể.
Qua phát động phong trào tố giác tội phạm, đơn vị tiếp nhận 23 tin tố giác tội phạm qua hộp thư điện tử. Từ những thông tin do người lao động cung cấp, đơn vị điều tra, làm rõ 1 vụ tiêu cực trong tuyển dụng lao động, phát hiện và ngăn chặn 3 vụ có dấu hiệu tiêu cực trong tuyển dụng lao động tại một số khu công nghiệp như: Tràng Duệ, LG, VISIP; phát hiện và ngăn chặn 1 đường dây có dấu hiệu tiêu cực trong tuyển dụng vào các doanh nghiệp Nhật Bản; làm rõ 1 đối tượng kích động cầm đầu đình công, ngăn chặn không để xảy ra đình công tại 2 doanh nghiệp FDI… Những chiến công thầm lặng nói trên góp phần cải tạo môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư vào thành phố.