Y tế CAND luôn là địa chỉ tin cậy

Thứ Bảy, 27/02/2010, 10:13
Có lệnh là lên đường, họ không phải là những trinh sát hình sự hay Cảnh sát phòng chống ma tuý nhưng nhiệm vụ của họ cũng rất quan trọng - cứu người, chữa bệnh. Đó chính là những y, bác sỹ trong lực lượng CAND đang ngày đêm có mặt tại mọi vùng miền của Tổ quốc thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CAND; cho can, phạm nhân và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Từng bước nâng cao chất lượng  khám, chữa bệnh

Trong chuyến công tác những ngày đầu năm Canh Dần 2010 đến một số đơn vị bệnh viện, cơ sở y tế địa phương trong lực lượng CAND, điều cảm nhận đầu tiên của nhóm PV chính là sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, thái độ phục vụ chu đáo, chuyên môn kỹ thuật có những bước tiến đáng khích lệ.

Bệnh viện Y học cổ truyền được Bộ Y tế đánh giá là một trong những bệnh viện tốp đầu về công tác khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sỹ CAND. Hệ thống bệnh viện CAND được đầu tư, nâng cấp, thực sự có những bước tiến bộ mới, nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị đã được áp dụng thành công ở các Bệnh viện 19-8, Bệnh viện 30-4 như: Nong động mạch vành, mổ nội soi, ghép tạng và đặc biệt, đến nay, y, bác sỹ CAND đã thực hiện 5 ca ghép thận thành công. Các kỹ thuật mới trong lâm sàng từng bước được ứng dụng, bởi vậy, công tác điều trị và khám bệnh tại các bệnh viện, bệnh xá Công an năm 2009 vừa qua đạt được những kết quả khả quan. Số người đến khám tại bệnh viện thuộc Bộ Công an là 610.478 lượt bệnh nhân, tăng 139,6% so với năm 2008; đối với y tế cơ sở, số người khám và điều trị là 11.348 lượt, tăng 156,3%.

Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng biên tập Báo CAND tặng hoa chúc mừng Đại tá, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Tiến Dẫn, Cục trưởng Cục Y tế.

Ngoài chăm sóc sức khỏe ban đầu, tổ chức khám bệnh cho cán bộ, chiến sỹ và can, phạm nhân, trại viên, học sinh, lực lượng y tế CAND còn tổ chức khám sức khỏe tuyển sinh, tuyển dụng cho hàng vạn lượt học sinh thi vào các trường CAND, công dân phục vụ có thời hạn trong CAND theo đúng quy định… Công tác nghỉ dưỡng, điều dưỡng cũng được quan tâm, đẩy mạnh.

Nhóm PV còn nhớ hình ảnh xúc động trong chuyến công tác xã hội - từ thiện của đoàn công tác gồm 10 y, bác sỹ thuộc Bệnh viện 198 và Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an đến khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho 500 người dân thuộc hai xã Xa Lông và Mường Mươn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên vào tháng 5/2009. Khi cầm cơ số thuốc được phát, bà Lò Thị Sy, 77 tuổi, bản Púng Giắt, xã Mường Mươn được các y, bác sỹ khám bệnh rất kỹ, lại còn cho già thuốc, nói về cách vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe nên rất vui. Ông Hồ Giống Hờ, 48 tuổi, cựu chiến binh xã Xa Lông cũng bày tỏ sự cảm ơn khi được các y, bác sỹ khám bệnh, lại còn được phát thuốc miễn phí.

Mô hình quân - dân y kết hợp, vì sức khỏe y tế cộng đồng cũng được lực lượng y tế CAND quan tâm, thực hiện trong suốt nhiều năm qua.

Ngoài ra, y tế CAND đã làm tốt công tác y tế dự phòng và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; công tác nghiệp vụ dược và đảm bảo trang thiết bị y tế; công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, pháp chế...

Y tế Công an phục vụ công tác chiến đấu và phòng chống tội phạm

Đã quen với công tác trực chiến đấu, chỉ sau khi nhận lệnh của Ban Giám đốc và Phòng Hậu cần, ít phút sau, bác sỹ Đoàn Thị Tuấn, Trưởng ban Y tế, Bệnh xá trưởng Công an tỉnh Hòa Bình cùng y sỹ Trần Thị Hoa vội vã lên đường. Họ mang theo 3 cơ số thuốc chiến đấu, vượt qua hàng chục kilômét đường rừng, có mặt tại xã Hang Kia, huyện Mai Châu (Hòa Bình). Nơi đây, các lực lượng của Công an tỉnh Hòa Bình đang truy bắt đối tượng có lệnh truy nã Vàng A Khua, 54 tuổi, trú tại xã Hang Kia. Khi xảy ra biến động, bác sỹ Tuấn và y sỹ Hoa vội triển khai ngay công việc, tổ chức cấp cứu tại bãi đỗ xe của đoàn công tác, gần nhà đối tượng. Khoảng 15h30', trong cuộc chiến đấu chống tội phạm ma túy, một số đồng chí trong tổ công tác đã bị thương. Tay thoăn thoắt, thoáng chốc, công tác sơ cấp cứu, băng ép, ga rô cầm máu, giảm đau… đã được các y, bác sỹ thực hiện với những người bị thương, sau đó, vận chuyển thương binh về tuyến sau điều trị kịp thời…

Còn nhớ, năm 2009, đại dịch cúm A/H1N1 đã "tấn công" vào Trường Văn hóa I, thị xã Sông Công (Thái Nguyên) ngay thềm năm học mới, biến nơi đây thành "ổ dịch". Những ngày đầu mới phát hiện dịch, từ giáo viên đến học sinh không khỏi lo lắng. Những giờ phút cam go đó, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo phòng, chống đại dịch cúm ở người của Bộ Công an, Tổng cục XDLL - CAND và Công an địa phương, đoàn y, bác sỹ Bệnh viện 19-8 đã kịp thời có mặt; cùng với sự chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên và y tế sở tại, sự cố gắng của y, bác sỹ CAND, dịch đã được dập tắt hoàn toàn mà không xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Đại tá Nguyễn Tiến Dẫn, Cục trưởng Cục Y tế trao đổi với PV, nhấn mạnh, công tác y tế CAND phục vụ chiến đấu và phòng chống tội phạm là đặc thù riêng của lực lượng y tế vũ trang và có vai trò quan trọng, góp phần giữ tính mạng, sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ CAND khi họ có bệnh, giúp họ sớm bình ổn sức khỏe, yên tâm trở lại công tác. "Lương y như từ mẫu", y đức, tinh thần trách nhiệm của mỗi y, bác sỹ trong lực lượng CAND từng ngày, từng giờ trong sự nghiệp cứu người, chữa bệnh luôn tỏa sáng, là địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân trong và ngoài ngành Công an.

Ngày 25/2, Đoàn công tác do Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng Biên tập Báo CAND dẫn đầu, thay mặt Ban Biên tập và những người làm Báo CAND đã đến thăm, chúc mừng các đơn vị: Phòng Y tế khối cơ quan Bộ Công an; Cục Y tế- Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật; Bệnh viện 19-8; Bệnh viện Y học cổ truyền; Trung tâm Giám định pháp y - Viện Khoa học Hình sự.

Nhân dịp đầu xuân mới Canh Dần 2010 và nhân kỷ niệm 55 Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, đồng chí Phó Tổng Biên tập Đặng Văn Lân đã chúc mừng các thầy thuốc, cán bộ và nhân viên y tế CAND nói chung, các đơn vị nêu trên nói riêng, luôn dồi dào sức khỏe, công tác tiến bộ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sỹ Công an và nhân dân…

A.Hiếu - T.Loan
.
.