Xung phong vào tuyến lửa chi viện chiến trường miền Nam

Thứ Hai, 27/04/2020, 08:26
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng với Đại tá Phạm Đức Hạnh, những ký ức về thời thanh niên sôi nổi, hăng hái xung phong lên đường vượt tuyến lửa Trường Sơn chi viện chiến trường miền Nam chiến đấu chống Mỹ cứu nước dường như vẫn vẹn nguyên...


Xung phong xin ra trận

Đại tá Phạm Đức Hạnh nhớ lại, cuối năm 1965, sau khi đơn vị được học tập quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (Khoá III), Nghị quyết đặc biệt này xác định: “Mỹ đã đẩy cuộc chiến tranh đặc biệt của chúng ở miền Nam tới mức độ cao, bao gồm một số yếu tố của chiến tranh cục bộ và chiến tranh đã vượt ra khỏi miền Nam lan đến miền Bắc, dưới hình thức ném bom, bắn phá bằng không quân và hải quân... Nhiệm vụ của miền Bắc là phải kịp thời chuyển hướng tư tưởng, xây dựng kinh tế và tăng cường quốc phòng, ra sức chi viện cho miền Nam...”.

Sau đợt học tập Nghị quyết ấy, toàn đơn vị Công an Vũ trang Hà Tây nói chung và Đội 13 Công an Vũ trang nơi ông làm công tác bảo vệ đài phát tín Đại Mỗ nói riêng đã dấy lên phong trào làm đơn tình nguyện xung phong vào chiến trường miền Nam (đi B) để trực tiếp cầm súng chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Đầu năm 1966, ông và 2 đồng chí trong đơn vị vinh dự được Bộ Tư lệnh Công an Vũ trang chọn, gọi tập trung học tập 6 tháng trước khi đi B. Ngày ấy, ông vừa tròn 20 tuổi.
Đại tá Phạm Đức Hạnh chia sẻ kỷ niệm vượt tuyến lửa Trường Sơn chi viện chiến trường miền Nam.

Ông Hạnh kể, trước khi đi, ông được đơn vị cho về nghỉ phép 20 ngày. Trong những ngày nghỉ phép ở quê nhà, ông cố gắng đi cày bừa và làm công việc của hợp tác xã nông nghiệp để có thêm công điểm giúp đỡ bố mẹ. Dù rất thương bố mẹ và các em, nhưng ông vẫn cứ nóng lòng chờ ngày ra mặt trận, ông tâm niệm ra đi không hẹn ngày về. Khoảng đầu tháng 5-1966, ông và 16 đồng chí từ Công an các tỉnh được triệu tập về học tập tại Trường Công an Trung ương (Trường C500 nay là Học viện An ninh nhân dân) chuẩn bị chi viện cho chiến trường miền Nam.

17 học viên, đa số đều trẻ và chưa vợ. Lúc đó, để tránh bị giặc Mỹ bắn phá, trường C500 sơ tán về khu vực xã Minh Khai (huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là TP Hà Nội), bên cạnh sông Đáy. Tại đây, ông và các học viên được học kĩ thuật nghiệp vụ cơ yếu. Trong 6 tháng học tập, ban ngày học nghiệp vụ, buổi tối thì hành quân dã ngoại, rèn luyện thể lực. Mỗi người một ba lô con cóc chứa toàn gạch chỉ, vừa hành quân vừa tán chuyện vui, nhất là lúc nghỉ giải lao, tiếng cười như pháo ran. Mỗi ngày tập luyện, hành quân đi bộ hàng chục cây số, quay trở về phòng nghỉ ngơi cũng đã gần 11h đêm.

Ông Hạnh nhớ lại: “Trong chúng tôi, người đeo gạch khỏe nhất là anh Tơn (quê Hải Phòng) được 30 viên. Bây giờ nghĩ lại thấy gian khổ, nhưng ngày ấy ai cũng coi là chuyện bình thường.  Chủ nhật nghỉ học, mọi người rủ nhau ra sông Đáy luyện bơi, tập bắn súng ngắn.

Thời gian ở đây, đã có vài người hẹn hò, yêu thương con gái xã Minh Khai. Mối tình còn đeo đẳng vài năm sau đó cho tới khi anh ở chiến trường và em ở hậu phương. Thế rồi những lá thư tình dần nhạt nhoà theo tháng năm bởi chiến tranh chia cắt. Sau này chẳng ai thành đôi lứa, nhưng họ vẫn thầm yêu nhau...”.

Háo hức lên đường vào tuyến lửa

Ông Hạnh cho biết, theo kế hoạch, sau kết thúc 6 tháng khóa học nghiệp vụ thì trung tuần tháng 11-1966, toàn bộ học viên lớp B14 của ông sẽ được đi chiến trường. Nhưng sau đó chia thành 2 đoàn, 9 đồng chí đi chi viện chiến trường Trị Thiên – Huế được khởi hành giữa tháng 11-1966 đúng như kế hoạch, còn đoàn đi chi viện cho Ban An ninh các khu và Trung ương Cục miền Nam gồm 8 người trong đó có ông xuất phát sau. Đúng 13h chiều 1-1-1967 (Tết Dương lịch), đoàn 8 cán bộ Công an chi viện miền Nam trong đó có ông bắt đầu rời trường C500  trên 2 chiếc xe GAT 69 lên đường tiến vào Nam.

 Ông Hạnh vẫn nhớ như in, hôm ấy trời mưa phùn và rất lạnh. Trước lúc lên đường ông có dịp tranh thủ gặp cậu em trai Phạm Đức Kiểm để dặn dò, cho em quần áo, đồng hồ và những vật dụng không tiện đem theo. Kể đến đây, mắt ông Hạnh chợt rơm rớm, bởi ông không ngờ đó là lần cuối cùng ông gặp em trai. Cuối năm 1967, Phạm Đức Kiểm cũng xung phong ra trận và hy sinh năm 1970, lúc ấy em trai ông vừa tròn 20 tuổi. Đúng 30 năm sau ngày Phạm Đức Kiểm ra trận, ông mới tìm được mộ của em trai mình tại nghĩa trang huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Rời Thủ đô, xe ôtô chở đoàn 8 cán bộ Công an chi viện miền Nam chạy một mạch suốt đêm, khoảng 5h sáng thì vào đến huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Đoàn dừng chân, nghỉ nhờ ở một nhà dân. Giường không đủ, họ phải trải những chiếc nong của gia đình nhà chủ để ngủ. Sau đó, đoàn tiếp tục hành quân vào đất Quảng Bình, đến suối Cẩm Ly thì xe ôtô bị ngập nước rồi chết máy.

Trời rét căm căm, tất cả anh em hò nhau ngâm mình dưới nước, gò lưng đẩy được xe lên bờ, rồi từ đó bắt đầu hành quân đi bộ vào Nam. Cả đoàn đi lạc, loanh quanh mất 3 ngày ở khu vực đất Quảng Bình, rồi cuối cùng cũng tìm được đến trạm đón tiếp các đoàn đi Ông Cụ (mật danh của chiến trường B2).

Ông Hạnh chia sẻ, vượt Trường Sơn là một kỷ niệm không bao giờ quên của những người lính, và giờ đây với ông vẫn còn đó đầy ắp những kỷ niệm. Ông Hạnh cho biết, cả đoàn phải hành quân ròng rã suốt 4-6 tháng trời mới đến được các căn cứ cần đến. Người vào đến Cứ gần nhất cũng phải mất gần 4 tháng. Đoàn có 8 người thế mà 7 người phải nằm rải rác dọc đường để chữa sốt rét.

Suốt mấy tháng trời gian khổ cõng tài liệu cơ mật lội suối, luồn rừng, vượt Trường Sơn dưới làn bom đạn Mỹ, cuối cùng các thành viên đoàn đều vào đến Cứ an toàn, cả về người và tài liệu cơ yếu. Đến khoảng cuối năm 1967, 17 thành viên trong lớp đã liên lạc được với nhau bằng đường cơ yếu chiến trường. Mọi người chúc nhau sức khoẻ, công tác tốt, kiên cường trên trận tuyến chống Mỹ, cứu nước và hẹn ngày gặp lại...

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, may mắn thay tất cả 17 con người trong lớp B14 ngày ấy đều sống sót trở về, họ tỏa đi các nơi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đảm bảo ANTT tại các miền đất nước. Đến bây giờ đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, 17 con người năm ấy, giờ mỗi người, mỗi cảnh, nhưng họ vẫn nghĩ và luôn nhớ về nhau.

Kể đến đây, bất chợt ông Hạnh khẽ trầm ngâm: Ai cũng có một thời tuổi trẻ, tuổi trẻ của thế hệ những người như ông - những cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước là thế đó. Họ nhiệt huyết nghe theo tiếng gọi của và Tổ quốc, của Đảng và Bác Hồ, sục sôi khí thế xung phong lên đường chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Tâm Phạm
.
.