Xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi tham nhũng trong lực lượng Công an
Sáu năm qua, các lực lượng Công an đã xác minh, kết luận và giải quyết hàng ngàn đơn tố cáo liên quan đến tham nhũng thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ 92%).
Công an các cấp đã xử lý kỷ luật hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an có hành vi tham nhũng, dấu hiệu tham nhũng, trong đó có những trường hợp sai phạm nghiêm trọng phải tước danh hiệu CAND và đề nghị xử lý hình sự, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thanh tra Bộ Công an và các đơn vị chức năng đã chủ động tham mưu cho Bộ Công an ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong lực lượng Công an, nhất là các văn bản về cơ chế, chính sách, quản lý cán bộ, quản lý tài chính, tài sản, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.
Qua đợt triển khai này, đã có hàng vạn tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, dũng cảm hi sinh quên mình vì nhiệm vụ, trong đó có gần một trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ Công an liêm khiết, không nhận hối lộ đã được biểu dương, khen thưởng.
Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an luôn coi trọng và yêu cầu đẩy mạnh phòng ngừa tham nhũng, từng bước chuẩn hóa quy trình, quy chế về công tác cán bộ, kê khai tài sản, thực hiện cải cách chế độ tiền lương, góp phần ổn định đời sống cán bộ, chiến sĩ.
Bộ Công an cũng đã đề xuất Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ công tác ở những lĩnh vực đặc thù, nhất là lực lượng trực tiếp chiến đấu ở Công an cơ sở. Công tác cải cách hành chính gắn với yêu cầu phòng chống tham nhũng được tập trung chỉ đạo và đạt được kết quả tích cực, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm.
Bộ Công an đã kiên quyết bãi bỏ, sửa đổi những thủ tục hành chính không cần thiết, công khai các quy định về trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết để dân biết và thực hiện giám sát, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và phòng ngừa tham nhũng.
Với mục tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% thủ tục hành chính, Bộ Công an đã hoàn thành việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong công tác kiểm tra, thanh tra và giải quyết tố cáo về tham nhũng đã được tăng cường, tập trung kiểm tra, thanh tra vào những lĩnh vực có điều kiện thực hiện hành vi tham nhũng và kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, tồn tại, đồng thời phát hiện và xử lý một số cán bộ, chiến sĩ sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng trong lực lượng Công an thời gian tới, theo Thiếu tướng Ma Văn Kỳ, cần đề cao và gắn vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo, chỉ huy, Thủ trưởng Công an các cấp đối với việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong Công an các đơn vị, địa phương; gắn việc tự phê bình, phê bình, kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) với việc kiểm điểm, đánh giá thực trạng tình hình và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng tại đơn vị, địa phương mình.
Ngoài ra, phân cấp rõ nhiệm vụ, quyền hạn cho Công an các đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ các mặt công tác, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ do mình quản lý, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng ở đơn vị phụ trách theo quy định.
Một biện pháp mạnh nữa cần thực hiện là thông báo công khai danh tính những người thực hiện hành vi tham nhũng và sai phạm của đơn vị, địa phương để giáo dục, phòng ngừa và răn đe…