Xóa tan lời đồn nhảm ở bản Ma Sang

Thứ Ba, 10/11/2015, 10:32
Bản Ma Sang, theo tay anh Phạm Văn Hùng (Phó trưởng phòng 3 – Cục An ninh Tây Bắc), một người anh khả kính với đám lính trẻ trong đơn vị, toàn thấy những đỉnh núi tít xa mờ, mây mù phủ kín, lên đên bản cũng mất nửa ngày đường.

Đó là những ngày đầu mùa hè hơn một năm về trước, Thiếu úy Mai Văn Lạc (SN 1991), được điều động về Cục An ninh Tây Bắc. Sinh ra và lớn lên tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, là một trong những địa bàn vùng sâu, đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, năm 2014, Lạc tốt nghiệp Học viện ANND với tấm bằng khá, chuyên ngành nghiệp vụ trinh sát chống gián điệp. Được về gần quê hương công tác, Lạc khấp khởi bao niềm vui nhưng cũng có nhiều bỡ ngỡ…

Chuyến công tác đầu tiên của tân Thiếu úy là xuống bản Ma Sang (xã Pa Tân, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), nơi người dân đang hết sức hoang mang, lo lắng vì kẻ xấu tung tin thất thiệt rằng: “Việt Nam và Trung Quốc sắp đánh nhau, người Mông nếu không bỏ trốn thì sẽ chết hết”. Dân bản đua nhau bỏ nhà bỏ ruộng, đi mua muối và lương thực trốn lên rừng sâu, sống trong các hang đá. 

Bản Ma Sang, theo tay anh Phạm Văn Hùng (Phó trưởng phòng 3 – Cục An ninh Tây Bắc), một người anh khả kính với đám lính trẻ trong đơn vị, toàn thấy những đỉnh núi tít xa mờ, mây mù phủ kín, lên đên bản cũng mất nửa ngày đường. Cái xe máy cũ nát tỏ ra mệt mỏi, nó “ho” lên từng cơn và phào ra khói đen khói trắng, lừ đừ bò lên con dốc cheo leo. Càng đi càng hun hút. Bỗng giật mình, có những chỗ, tảng đá to bằng gian nhà lạnh lùng nằm giữa đường, phía trên thấy lắc rắc những viên sỏi đang lăn từ trên ta-luy dương xuống; phía dưới là ta-luy âm sâu hun hút, rồi tới vực sâu… 

Thiếu úy Mai Văn Lạc cùng các đồng nghiệp nghiên cứu tài liệu trước khi triển khai công tác xuống địa bàn.

“Ngồi sau cứ ôm cho chắc, đường đi bản là toàn như này, nhưng cứ yên tâm, tay lái anh là cực siêu” – anh Hùng tếu táo lên giây cót tinh thần cho đàn em… Rồi anh Hùng kể: Bản Ma Sang cheo leo trên sườn núi, cả bản có hơn 20 nóc nhà, toàn là người Mông. Vài vị cao niên trong bản nói: “Quân bên kia biên giới sắp tràn sang mà chẳng thấy cán bộ người Kinh đến giúp người Mông? Giờ người Mông phải tự cứu lấy mình. Chờ sau khi thu hoạch hết nương ngô, cả bản sẽ bán hết để lấy tiền và trốn đi đến vùng đất của người Mông, khi đó Vua Mông sẽ từ trên trời xuống và cho người Mông một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc”.

Mấy lần đoàn công tác vận động, tuyên truyền đến nhưng đều không được vào bản, nên không thể tổ chức vận động bà con. Và chuyến công tác này cũng vậy, vào được trong bản là rất khó, vì một cây to chắn ngang đường, từ bụi cây, hai thanh niên nhảy ra, tay lăm lăm cầm dao mèo, hất cằm, quát: “Chúng mày là ai? Đến đây làm gì?”. “Chúng tôi là cán bộ, đến đây để giúp đỡ dân bản mình”! Đáp lại câu trả lời chân thành ấy, họ quát lên: “Chúng mày là người Kinh thì về đi, dân bản này không ai muốn gặp cán bộ đâu”... Thì ra, luận điệu của kẻ xấu đã lung lạc, đã làm người dân tin theo.

Anh Hùng cố gắng giải thích, cán bộ người Kinh là người tốt, đến đây để giúp dân bản… Mấy người kia đáp lại: “Dân bản không muốn gặp cán bộ nữa, Chờ Súa (một đối tượng xấu trú cùng bản, có hoạt động đòi thành lập “Vương quốc của người Mông” – PV) bảo người Kinh là xấu, đến đây để hại dân bản. Nếu muốn vào bản thì phải để lại đồ đạc, điện thoại để làm tin, để không thể liên lạc với người khác mà hại dân bản”.

Chao ôi, cái bản này thật quá nhỏ bé, một con gà gáy cả bản nghe, một kẻ (mà lại là kẻ xấu) nói cả bản nghe và cả bản tin. Phải làm sao để dân bản tin mình, nghe mình đây? Thật sự khó. Lại thấy con dao sắc lẹm trên tay hai thanh niên và khuôn mặt đằng đằng sát khí… Bao lý thuyết học trong trường, trước thực tế này khiến tân Thiếu úy Mai Văn Lạc không khỏi “choáng”!

Thế là chuyến công tác đầu tiên lên bản chỉ có tay không và duy nhất bộ quần áo mặc trên người. Nhưng phải như thế thì họ mới tin mình. Hai anh em, với thái độ chân thành, bằng lý lẽ và tình cảm, đã tuyên truyền, giải thích để bà con tin sẽ không có đánh nhau, dân bản cứ yên tâm sinh sống, không phải bỏ nhà đi đâu cả. Họ đâu dễ tin ngay. Nhưng cứ theo anh Hùng, giúp đỡ, trò chuyện với bà con bên bếp lửa đêm đêm, trên rẫy ngô. Dần dà, bà con tin rằng người Mông, người Kinh là anh em một nhà…

Mọi việc có chiều hướng thuận lợi. Thế nhưng, bám bản chỉ với một bộ quần áo mà không liên lạc, không tắm, không đánh răng… Đêm thì rất khó ngủ vì ngứa ngáy, vì bọ chó. Khổ thế mà khi trong trường cứ tưởng rằng làm dân vận đơn giản, chỉ cần “4 cùng” là được. Ừ thì 4 cùng nhưng cũng phải được tắm, được đánh răng chứ. Người Mông trên bản ít tắm và không đánh răng, ăn thì chan cơm bằng nước suối. Chẳng lẽ mình cũng phải không tắm, không đánh răng và chan nước suối vào cơm hay sao. Đến khi nào mới được về đây?… Đã nhiều lần những câu hỏi ấy cứ hiện đi hiện lại trong đầu chàng lính mới tò te vừa ra trường.

Vài ngày sau, Chờ Súa mang túi ba lô và đồ đạc đến trả. Trong túi đồ không thấy có gì, cán bộ ở đây mấy ngày cũng không thấy làm gì hại cho bản, dân bản tin cán bộ là người tốt, đến giúp đỡ dân bản. Vậy là đã thành công, anh Hùng liên lạc ngay với tỉnh, đề nghị bố trí một đoàn công tác của huyện, tỉnh đến để tổ chức họp bản, vận động, tuyên truyền vào ngay ngày hôm sau.

Hoàn thành “điệp vụ khó khăn”, trên đường về, hai anh em phấp phới niềm vui khó tả. Bỗng chiếc xe rồ lên khục khặc tiếng nổ rồi khựng lại bên con suối trong vắt. Hai anh em ùa xuống dòng suối tắm thỏa thích như “truy lĩnh” bao ngày không tắm không gội; tắm để gột sạch những lo lắng, sợ sệt và để thêm yêu những con suối, bản làng nơi đại ngàn Tây Bắc.

Vũ Ban
.
.