Xem lính chữa cháy đua tài

Chủ Nhật, 02/08/2015, 23:20
Trong 13 môn thi của Đại hội Khỏe “Vì An ninh Tổ quốc” lần thứ VII này, có một môn thi thuộc loại “đặc thù nghề nghiệp” của lực lượng CAND là: thi đấu thể thao kỹ thuật nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).


Quảng trường sân vận động Mỹ Đình ngày thường rộng thênh thang vậy mà sáng 1/8 bỗng như chật hẹp khi có tới mấy chục chiếc xe cứu hỏa đỏ chói đỗ ngay hàng thẳng lối cùng hàng trăm chiến sĩ chữa cháy và cả nghìn khán giả.

Nhiều người dân không giấu được sự tò mò khi thấy hàng trăm người lính chữa cháy nai nịt gọn gàng thi tài cùng các loại thiết bị chuyên dụng. Ngạc nhiên, bởi với phần đông mọi người vẫn chỉ biết lính chữa cháy qua hình ảnh họ ngồi trên những chiếc xe đặc chủng màu đỏ rú còi ưu tiên lao trên đường, chứ chưa mấy người được tận mắt xem công việc khi đến hiện trường, những người lính chữa cháy sẽ phải làm gì.    

Sau lễ khai mạc, 306 VĐV tiêu biểu, xuất sắc đến từ 18 đội tuyển đã thực hiện 3 phần thi thể thao nghiệp vụ chữa cháy gồm: “chạy 100m vượt chướng ngại vật, CNCH”; “chạy tiếp sức 4x100m cứu người, chữa cháy” và “đội hình máy bơm chữa cháy phun nước tiêu điểm”. Đây là những môn thể thao nghiệp vụ được mô phỏng từ động tác, kỹ năng cơ bản trong chữa cháy và cứu nạn.

Nội dung thi chạy tiếp sức 4 x100m cứu người và chữa cháy.

Ở phần thi chạy 100m vượt chướng ngại vật, CNCH, nhìn những người lính chữa cháy thoăn thoắt thực hiện các động tác bò qua lồng thép, phá cửa sắt… mới thấy trong những tình huống khẩn cấp đòi hỏi người chiến sĩ phải có sức khỏe tốt, kỹ năng sử dụng các thiết bị, phương tiện thành thạo và phải nắm các kỹ, chiến thuật để đảm bảo an toàn cho mình và nhanh chóng đưa người bị nạn ra nơi an toàn. 

Nhưng ấn tượng nhất là nội dung thi chạy tiếp sức 4x100m cứu người và chữa cháy. Nội dung thi này yêu cầu các thành viên phải có tính phối hợp, làm việc theo nhóm. Rất nhiều khán giả khi xem phần thi này đã bị ấn tượng mạnh khi nhìn các VĐV-chiến sĩ tay cầm lăng chạy 25m và phải vượt qua 3 rào chắn. 

Sau khi vượt qua 3 rào chắn lại tiếp tục chạy 37m và vượt qua bức tường cao 2m. Sau khi nhận lăng từ VĐV thứ nhất, VĐV thứ hai lại tiếp tục chạy 25m rồi sử dụng thiết bị phá dỡ cầm tay phá cửa rồi hai tay xách hai can nước dung tích 20 lít trong mỗi can chứa 15 lít nước và bước qua 10 chiếc lốp xe tải. Đi hết qua dãy lốp xe này mới đặt hai can nước này xuống rồi tăng tốc chạy tiếp trao lăng cho VĐV thứ 3. VĐV số 3 tiếp tục chạy rồi lao mình qua đường ống để chạy tới người bị nạn để cõng tới nơi an toàn và trao lăng cho VĐV số 4. VĐV số 4 mặc trang phục chống nóng sau khi nhận lăng phải chạy vượt qua 5 cọc lửa, sau đó chạy 20m đặt lăng xuống, sử dụng bình chữa cháy dập tắt lửa trong khay xăng. Sau khi đám cháy được dập tắt mới đặt bình bọt xuống chạy về đích. 

Nhìn những VĐV dù mặc trang phục chống nóng như chiếc áo bạt lùng thùng nhưng vẫn hết sức nhanh nhẹn, khéo léo chạy mà không làm đổ cọc lửa và nhanh chóng dập tắt đám lửa xăng đang cháy mới thấy để có thể thành thục trong từng động tác, mỗi người lính chữa cháy đã phải rèn luyện rất vất vả...

Trò chuyện với phóng viên Báo CAND sau phần thi của mình, Hạ sĩ Nguyễn Văn Định, Phòng Cảnh sát PCCC số 3, Cảnh sát PC&CC TP Cần Thơ kể rằng, trước ngày dù gặp một chút vẫn đề sức khỏe nhưng anh  quyết tâm phải cố gắng hết sức, không để mọi việc phân tâm. Kết quả của sự cố gắng ấy là Định đã giành giải nhất nội dung thi chạy 100m vượt chướng ngại vật, CNCH với thời gian 31 giây 36.

Là một thành viên trong đội đoạt giải nhì môn chạy tiếp sức 4x100m cứu người và chữa cháy, Trung sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thuộc Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Lào Cai, cho biết, ở Lào Cai ít xảy ra cháy nhà dân nhưng cháy rừng thì nhiều, điều đó thể hiện mỗi người lính cứu hỏa phải biết vận dụng sức khỏe, sức bền linh hoạt trong mọi địa hình tham gia chữa cháy. “Khi vượt qua bức tường rào 2m, suýt chút nữa em vấp ngã, tuy nhiên với kinh nghiệm tập luyện đúc rút được, em đã lấy lại thăng bằng tăng tốc chạy hết tuyến của mình để trao lăng cho đồng đội để đồng đội sớm có mặt ở hiện trường và tổ chức chữa cháy”, Trung sỹ Tuấn kể lại.

Minh Hiền – Trần Xuân
.
.