Viết tiếp những trang sử vàng

Thứ Tư, 19/08/2015, 08:57
70 năm trôi qua, lịch sử đã bước sang những trang mới, nhưng những chiến công như huyền thoại của lực lượng CAND đã góp phần quan trọng vào đài hoa chiến thắng của toàn dân tộc và mãi là những biểu tượng của khát vọng, nhân văn.

Để tri ân chiến công của các thế hệ CAND trong hành trình lịch sử cách mạng, Bộ Công an đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình “Người giữ lửa” tại hai điểm cầu Hà Nội và Tây Ninh vào tối qua, 18/8, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND (19/8/1945 – 19/8/2015).

Tham dự chương trình đặc biệt này có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đồng chí Trần Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Thượng tướng Bùi Quang Bền, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành và địa phương; các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Công an; đông đảo nhân dân Thủ đô và Tây Ninh vv…

Tuổi trẻ Công an nhân dân nguyện viết tiếp trang sử vàng truyền thống. Ảnh: Trần Ngọc.

Những chiến công lịch sử của lực lượng CAND suốt 70 năm qua đã được tái hiện rõ nét, như những trang sử vàng được lần giở từ hiện tại trở về quá khứ, qua hành trình phá những vụ án điển hình của lực lượng Công an. Cùng với các phóng sự tư liệu được thực hiện với quy mô hoành tráng tại Tuyên Quang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh, là hình ảnh chân thực về các chiến sĩ Công an hăng say hoàn thành nhiệm vụ, được tái hiện chân thực, sinh động qua lời kể của các nhân chứng lịch sử, giúp khán giả hiểu hơn những gian truân, vất vả mà các chiến sĩ Công an ngày đêm đối mặt, với quyết tâm bảo vệ bình yên cho nhân dân và đất nước.

Cuộc trò chuyện với Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã hé mở cho khán giả hiểu hơn về cuộc đấu trí của lực lượng Công an qua các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang dư luận trong thời gian vừa qua, như vụ thảm án ở Bình Phước, Nghệ An, vụ án Lê Văn Luyện giết hại cả gia đình ở Bắc Giang, những vụ án buôn ma túy, vũ khí xuyên quốc gia...

Với sự tận tụy và sáng tạo, cương quyết và khôn khéo, những người chỉ huy đã phân tích và đưa ra những nhận định chính xác, xác định đúng hướng đi của vụ án. Nhờ thế, vụ án ở Bình Phước chỉ sau 72 giờ đã được phá, vụ án ở Yên Bái sau hơn 60 giờ, vụ án ở Nghệ An được phá sau hơn nửa tháng, bắt đúng người đúng tội và đảm bảo an toàn cho lực lượng Công an, hóa giải những bất an, lo lắng của nhân dân.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát giao lưu với khán giả trong chương trình.

Trong bối cảnh tâm lý tội phạm ngày càng phức tạp và khó lường như vừa qua, bên cạnh những biện pháp nghiệp vụ, thì dựa vào dân để phá án và ngăn chặn tội ác là điều rất quan trọng. Đó cũng là chia sẻ của Trung tướng, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân trong chương trình.

Không chỉ phải căng mình trong những vụ án, lực lượng Công an còn phải đối diện với những nguy hiểm và đầy hy sinh khác, đó là quản lý, giáo dục phạm nhân là tội phạm nguy hiểm. Có thể thấy rõ điều này qua câu chuyện của Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh, bác sỹ công tác tại Trại giam Thủ Đức (Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an), đã bị nhiễm HIV trong một lần cấp cứu cho phạm nhân có HIV, rồi vô tình truyền cho vợ. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh vẫn gương mẫu sống và cảm hóa tội phạm.

Một chiến công lớn của lực lượng Công an là đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO. Trong đó, thành công chính là đã thuyết phục, cảm hóa được những thủ lĩnh FULRO trở về với con đường lương thiện, đóng góp cho cộng đồng Tây Nguyên, mà câu chuyện của Đại tá Nguyễn Đức Hiệp, Phó Giám đốc Công an Lâm Đồng là minh chứng sinh động. Bởi không chỉ là cuộc đấu trí cam go, mà cao hơn cả là sự thấu hiểu lòng dân, coi người dân như người thân, để tiếp cận, cảm hóa bằng sự cảm thông, tin cậy.

Những nhân chứng lịch sử cũng đưa khán giả trở về Hòn Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), thăm lại những dấu tích từng làm nên chiến công vang dội của lực lượng Công an trong lịch sử 70 năm qua. Đó là chuyên án CM12. Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau - người trực tiếp tham gia phá vụ án, ngăn chặn nhóm phản động lưu vong Lê Quốc Túy xâm nhập, chống phá nhà nước Việt Nam, khẳng định: Thành công của chuyên án là kết quả của sự kết hợp của tình quân dân, cũng như cách đối diện đầy nhân bản với những kẻ lầm đường.

Trong chiến tranh chống Mỹ, lực lượng an ninh đã đóng vai trò quan trọng trong xây dựng mạng lưới cơ sở từ nhân dân, hoạt động trong lòng địch. Chính họ đã thực hiện chiến lược thuyết phục Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, tránh cho Sài Gòn một cuộc đổ máu, thương vong. Điều này đã được Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Huỳnh Huề, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị An ninh (Tổng cục An ninh), Cụm phó Cụm điệp báo A10 - An ninh T4, ông Lê Văn Lên và nhóm chiến sĩ Tiểu đoàn Vinh Quang, kể lại.

Trong từng giai đoạn, họ đều hết sức khôn khéo, mưu trí để giành chiến thắng. Các mũi trinh sát tinh nhuệ quả cảm mở các các chiến dịch diệt ác ôn, gây hoang mang lo lắng cho hàng ngũ địch.

Những chiến công đó là sự tiếp nối từ truyền thống của các thế hệ chiến sĩ Công an đi trước, như Tổ điệp báo A13, các chiến sỹ Anh hùng liệt sĩ Công an Bùi Thị Cúc, Nguyễn Thị Lợi, Võ Thị Sáu, Hoàng Đạo… trong nhiều chuyên án lớn. Giở lại những trang sử vẻ vang của lực lượng Công an, không thể không nhắc đến vụ án ở phố Ôn Như Hầu, Hà Nội đã góp phần quan trọng bảo vệ nền độc lập còn non trẻ của cách mạng Việt Nam.

Trong chương trình đặc biệt này, Đại tướng Trần Đại Quang đã ghi nhận những bài học từ lịch sử vẻ vang 70 năm qua để lực lượng Công an kế thừa, phát huy, đáp ứng những yêu cầu của thời đại: Trong lịch sử hào hùng 70 năm qua của lực lượng CAND đã khẳng định, nhân dân luôn là điểm tựa cho Công an giành thắng lợi trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Lực lượng CAND phải quán triệt phương châm lấy nguồn vui, hạnh phúc của nhân dân làm nguồn vui, hạnh phúc của chính mình. Nhân dân chính là cội nguồn sức mạnh để bảo vệ ANTQ, ở đâu có nhân dân giúp đỡ thì nhiệm vụ của lực lượng Công an được hoàn thành.

“Người giữ lửa” là bài ca về sự hy sinh của lực lượng Công an vẫn đang được viết tiếp, để gìn giữ bình yên, hạnh phúc cho đất nước, cho nhân dân. Song hành cùng lịch sử đất nước qua các cuộc kháng chiến, lực lượng Công an vẫn đang tiếp tục gánh vác trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ yên bình cho Tổ quốc bằng niềm tự hào về truyền thống và tinh thần “Vì nhân dân quên mình” đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Dạ Miên
.
.