Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Thứ Hai, 03/12/2012, 19:14
“Bản thân tôi đã chiến đấu ở chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và được trao trả đợt I tại bờ sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Gần 39 năm trôi qua, tôi chưa làm được chế độ thương tật. Đến tháng 11/2012, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn tôi đến Công an tỉnh để tìm lại hồ sơ của cá nhân. Nhờ Ban Giám đốc Công an tỉnh và cán bộ, chiến sỹ Phòng Lưu trữ hồ sơ đã nhiệt tình giúp đỡ, nhất là Thiếu tá Nguyễn Thị Hạ Long, tôi đã làm hồ sơ duyệt ở xã, huyện và tỉnh để hưởng chế độ thương tật thương binh… ”.

Những dòng chữ nắn nót này được trích trong bức thư của ông Trần Hữu Lộc, 70 tuổi, ở xóm 18, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh gửi Giám đốc Công an Hà Tĩnh và tập thể Phòng Hồ sơ nghiệp vụ. Ông Lộc là người đã tham gia chiến trường B từ năm 1964, tại đơn vị C2 D189 E8, trực tiếp chiến đấu trên 25 trận với quân càn đổ bộ của đế quốc Mỹ...

Trong hồ sơ lưu trữ ghi rõ, năm 1966, ông là xạ thủ đại liên, ở đơn vị C4 E95 F352 chiến đấu tại các chiến trường Tây Nguyên và đồng bằng Phú Yên.

Ảnh ông Trần Hữu Lộc lưu trữ trong hồ sơ và lá thư của ông Lộc gửi Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 11/11/1966 tại Sông Cao, tỉnh Phú Yên, trong lúc chống càn với địch, đơn vị ông bị bao vây. Địch đã dùng hỏa lực, cắt đội hình của tiểu đội, đánh phá ác liệt làm nhiều đồng chí bị thương. Riêng bản thân ông bị thương nặng ở chân và má. Sau đó, ông và nhiều đồng chí khác bị Lữ đoàn dù 101 Mỹ bắt và giam cầm tại nhà lao ở Pleiku.

Từ năm 1967 ông bị chuyển vào nhà tù Côn Đảo đến năm 1973. 39 năm sau ngày được trao trả, ông trở về quê hương, xây dựng cuộc sống. Từ đó đến nay những ký ức về những năm tháng oai hùng, máu lửa trong ông vẫn nhớ như in nhưng chưa một lần ông làm hồ sơ để hưởng chế độ thương tật. Và, cứ thế những trang hồ sơ bị địch bắt nằm im ỉm theo thời gian.

Tháng 11/2012, được các cơ quan chức năng hướng dẫn đến Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh Hà Tĩnh để tra cứu. Ông đã được lãnh đạo, tập thể cán bộ, chiến sỹ Công an hướng dẫn tận tình để làm hồ sơ, mà trực tiếp là Thiếu tá Nguyễn Thị Hạ Long, Đội phó Đội Hồ sơ nghiệp vụ An ninh. Đến nay hồ sơ của ông Trần Hữu Lộc đã được duyệt và chờ quyết định của Quân khu IV.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Long cho biết: “Bản thân rất cảm kích trước tấm lòng và dòng thư đầy tình cảm của bác Lộc, nhưng đó là nhiệm vụ của chúng tôi. Bất kỳ ai có nguyện vọng đến tra cứu hồ sơ chúng tôi đều nhiệt tình, chu đáo. Mặc dù bác Lộc ở xa, đến cơ quan đã ngoài giờ làm việc, nhưng chúng tôi luôn nêu cao trách nhiệm trước công việc, trước yêu cầu nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nhưng niềm vui của chúng tôi là từ những trang hồ sơ tưởng chừng như vô tri, vô giác nay đã trở về với chủ nhân của nó - những người đã cống hiến tuổi trẻ, máu xương vì độc lập, tự do của dân tộc, để các bác, các anh được hưởng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước”.

Và, không riêng gì lá thư chan chứa tình cảm của ông Trần Hữu Lộc dành cho Thiếu tá Nguyễn Thị Hạ Long, mà trong thời gian qua, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh Hà Tĩnh và cá nhân Thiếu tá Long đã nỗ lực, phấn đấu, đạt được nhiều thành tích trong công tác.

Thiếu tá Nguyễn Thị Hạ Long tra cứu hồ sơ.

Năm 2012, Thiếu tá Long được Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh - Bộ Công an tặng Giấy khen vì đạt nhiều thành tích trong phong trào thi đua kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống của lực lượng Hồ sơ CAND, được tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ suy tôn là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

Thượng tá Lưu Thị Kim Quế, Phó trưởng Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ đang lưu giữ nhiều hồ sơ liên quan đến nhiều cá nhân bị địch bắt trong những năm kháng chiến.

Cũng từ trường hợp của bác Trần Hữu Lộc ở Hương Sơn, các tổ chức, cá nhân liên quan sớm liên hệ với Công an tỉnh tra cứu, làm căn cứ để hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước…

Xuân Lý
.
.