Vì bình yên mỗi chuyến bay

Thứ Hai, 09/12/2013, 09:23
Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục An ninh II, công tác đảm bảo an ninh hàng không dân dụng, đặc biệt là an ninh nội bộ đã được Cục An ninh kinh tế Tổng hợp phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài ngành giữ vững, ngăn chặn được các nguy cơ mất an toàn từ trong nội bộ, cũng như các yếu tố bên ngoài gây nguy hại đối với an ninh, an toàn hàng không.

“Mấu chốt của sự thành công vẫn là yếu tố con người, có an toàn thì mới có thể yên tâm sản xuất, kinh doanh…”, chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Tổng cục An ninh II bộc bạch.

Chập choạng tối tại trụ sở Phòng An ninh giao thông, đơn vị được lãnh đạo Tổng cục và Cục An ninh kinh tế tổng hợp giao nhiệm vụ quản lý an toàn an ninh hàng không dân dụng, vẫn sáng đèn. Ngoài các trinh sát trực tiếp bố trí tại địa bàn, các cảng hàng không trên địa bàn cả nước, những cán bộ còn lại vẫn đang miệt mài xử lý thông tin, là hình ảnh thường ngày của đơn vị. Không khí làm việc khẩn trương ở một đơn vị chiến đấu cũng khiến cái lạnh của  ngày đông được xua đi. Tình trạng lợi dụng đường hàng không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật gia tăng, đồng nghĩa với áp lực công việc của cán bộ trong đơn vị cũng căng thẳng hơn. 24/24h, điện thoại của cán bộ Phòng An ninh giao thông lúc nào cũng mở, nhận lệnh là họ lập tức lên đường, bất kể thời gian.

Có một kỷ niệm đấu tranh vụ án chẳng dễ quên. Lần ấy, đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh thông tin liên quan đến sai phạm tại một công ty liên doanh. Yêu cầu đặt ra là trong thời gian ngắn nhất phải có kết luận, làm yên dư luận. Để đáp ứng yêu cầu, một tổ công tác được cử vào miền Nam. Do yêu cầu về thời gian, anh em chỉ kịp thông báo qua điện thoại cho gia đình rồi vội vã lên đường.

Ban ngày thì xác minh thông tin, đêm đến họ chụm đầu tổng hợp tài liệu, báo cáo ra Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo. Trong quá trình làm nhiệm vụ, tổ công tác phát hiện đối tượng chính trong vụ án có ý định bỏ trốn ra nước ngoài, trong trường hợp này nếu không ngăn chặn kịp thời vụ án sẽ rất khó khăn… Suốt những ngày đó, việc ăn uống, sinh hoạt thất thường, vì mỗi người một việc, nên mọi người tùy nghi di tản, phải tự lo cho mình, có khi khẩu phần ăn chính chỉ là mỳ tôm. Sau gần một tuần vất vả, họ đã có thông tin, chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng trong vụ án. Cũng đúng vào dịp đó, đơn vị ứng tiền nên anh em quyết định tổ chức một bữa cơm thịnh sọan hơn thường ngày nhưng hôm đó, họ chưa kịp ngồi vào mâm thì có thông tin đối tượng nghi vấn xuất hiện tại sân bay… Khi họ hoàn thành nhiệm vụ, ngăn chặn được hành vi xuất cảnh của đối tượng này thì trời đã gần sáng, lúc này tất cả mới nhớ đến cái đói cồn cào và mâm cơm bỏ dở nhưng ai nấy đều cảm thấy phấn chấn.

Đại tá Nguyễn Đình Thuận cùng cán bộ, chiến sỹ Cục An ninh kinh tế tổng hợp kiểm tra an ninh, an toàn hàng không tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Ngày 14/7/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/ 2010/NĐ-CP về An ninh hàng không dân dụng, quy định rõ các nội dung về các biện pháp đảm bảo An ninh hàng không dân dụng. Tiếp đó, ngày 3/8, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1360 Q/Đ-TTg thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban An ninh hàng không quốc gia trong đó Bộ Công an là một thành viên. Từ đây, tổ chức của lực lượng làm công tác an ninh hàng không được hình thành từ trung ương đến địa phương. Với 20 cảng hàng không trong đó có 45 đường bay quốc tế, và đường bay nội địa, cảng hàng không có vị trí chiến lược về an ninh quốc gia cũng như an ninh quốc phòng.

Trong những năm qua, cùng với các đơn vị nghiệp vụ trong Bộ Công an và Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục An ninh kinh tế tổng hợp đã tham mưu cho các cơ quan, doanh nghiệp làm tốt công tác đảm bảo an ninh nội bộ. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa từ trong nội bộ, bảo vệ cán bộ của ngành Hàng không, vô tình hay cố  ý bị các đối tượng lợi dụng.

Từ việc làm tốt công tác bảo vệ an ninh nội bộ, ngày 27/3/ 2013, Cục An ninh kinh tế tổng hợp phát hiện một trường hợp đang có lệnh truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã làm giả lý lịch để xin vào cơ quan doanh nghiệp nhằm trốn tránh truy tìm của cơ quan bảo vệ pháp luật. Vụ việc này được phát hiện tại Công ty liên doanh sản xuất bữa ăn trên máy bay Tân Sơn Nhất. Đối tượng là N.V.T. (40 tuổi, quê quán tại Củ Chi) bị Công an TP Hồ Chí Minh truy nã về tội lừa đảo. Lợi dụng mối quan hệ với cán bộ Công an xã nơi cư trú, T. đã làm giả lý lịch, hồ sơ để chui vào công ty trên làm việc. 

Không dừng lại ở đó, đơn vị còn phối hợp, tham mưu cho các cơ quan doanh nghiệp ngành Hàng không giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến tin nặc danh, sử dụng mạng xã hội Facebook gây hoang mang dư luận. Bên cạnh đó, đã phối hợp tốt với ngành Hàng không dân dụng xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, đối ngoại và góp phần quan trọng phát triển ngành Hàng không dân dụng; bảo vệ tài sản của Nhà nước trong lĩnh vực hàng không, rà soát phát hiện các sơ hở trong cơ chế, chính sách hoạt động của các doanh nghiệp trên lĩnh vực kinh tế cũng như phát hiện các sai phạm liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh hàng không.

Trong những năm qua, lực lượng Công an đã phát hiện 63/72 vụ, bắt 104 đối tượng… Từ phong trào quần chúng tố giác tội phạm, người dân đã cung cấp cho cơ quan Công an nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến tội phạm. Ngoài các đường dây vận chuyển ma túy, các vụ nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng giấy tờ giả để đi nước thứ 3 là tin về đường dây vận chuyển trái phép số lượng lớn súng hơi thể thao từ nước ngoài vào Việt Nam cùng vũ khí và công cụ hỗ trợ.

Điển hình trong số đó phải kể đến đường dây vận chuyển vũ khí, công cụ hỗ trợ từ 6 tỉnh biên giới theo đường bộ vào nội địa và vận chuyển theo đường hàng không vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Qua công tác quản lý nghiệp vụ, Cục An ninh kinh tế tổng hợp phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ có thông tin đã tổ chức theo dõi phát hiện đối tượng trong nội địa là Nguyễn Thành T. đã vi phạm quy định về vận chuyển qua đường hàng không. T. thường liên hệ với một số đối tượng để vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc và có dấu hiệu liên quan đến cán bộ làm trong lĩnh vực hàng không. Vụ án này, sau đó Cục An ninh kinh tế tổng hợp phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an các địa phương có biên giới giáp với Trung Quốc, đã khám phá thành công.

Có thể nói, để có những chuyến bay an toàn - từ những chuyến bay phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm và làm việc tại các nước trên thế giới và các chuyến bay phục vụ cho hàng triệu lượt khách đi lại hằng năm đều mang dấu ấn và sự đóng góp của lực lượng Công an, trong đó có Cục An ninh kinh tế tổng hợp

Văn Lâm
.
.