Hàng trăm cán bộ dân phòng, Công an xã hy sinh, bị thương trong đấu tranh chống tội phạm chưa được hưởng chính sách:

Vết thương nhức buốt và câu trả lời lạnh lùng ở Kiên Giang

Thứ Hai, 28/05/2012, 10:55
Bị chém gần đứt lìa cánh tay khi đấu tranh với tội phạm, thương tật 51%, song 4 năm trôi qua, đồng chí Lê Minh Đông, Công an thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, Kiên Giang vẫn chưa được công nhận là thương binh.
>> Máu Công an xã vẫn đổ vì bình yên cuộc sống

Lý do mà Sở Lao động Thương binh - Xã hội tỉnh đưa ra là, “ở thời điểm xảy ra sự việc, người gây án chưa là tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự”. “Rào cản” người phạm tội phải là tội phạm hình sự từ trước khi gây án với người thi hành công vụ đã ngăn cản việc công nhận là người có công. Tiếc rằng, đến thời điểm hiện tại, sự vô lý ấy vẫn đang tồn tại.

Bị chém trọng thương khi ngăn chặn một vụ ẩu đả

Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc, lúc 20h30 ngày 4/1/2008, đồng chí Bùi Xuân Giang, trực ban Công an thị trấn An Thới nhận được tin báo của quần chúng, tại ấp 6 xảy ra vụ ẩu đả. Ngay lập tức, đồng chí Giang báo cáo lãnh đạo phân công đồng chí Lê Minh Đông, Võ Thế Anh (Công an viên) cùng hai đồng chí Phan Văn Tứ, Lê Đăng Ca (cán bộ Công an huyện tăng cường xuống địa bàn An Thới) đến hiện trường.

Khi lực lượng Công an có mặt, tên Nguyễn Văn Măng Em và Danh Đoàn  bỏ chạy. Đồng chí Ca, Thế Anh nắm xe của Măng Em lôi lại nhưng không được. Măng Em cho xe bỏ chạy, đồng chí Tứ và Đông liền dùng xe môtô đuổi theo. Phát hiện Công an đuổi theo, Măng Em chạy xe vào vườn đào, bỏ xe rồi cùng tên Đoàn bỏ trốn. Khi phát hiện thấy xe môtô của Măng Em để lại, đồng chí Tứ giao đồng chí Đông dắt xe của Măng Em về. Lúc này, Măng Em đang núp gần đó nghe thấy nên chạy vào quán Sony lấy 1 con dao Thái Lan cán gỗ, 1 dao loại lớn. Hắn phát hiện đồng chí Đông đang dắt xe của mình nên nhào tới, giơ dao chém mạnh từ trên xuống người đồng chí Đông. Đồng chí Đông giơ tay đỡ nên nhát dao gây thương tích nặng ở tay.

Kết quả giám định pháp y cho thấy, vết thương ở cổ tay mà tên Măng Em gây ra là: cổ tay trái đứt toàn bộ gân gấp, đứt toàn bộ thần kinh giữa, đứt thần kinh trụ, động mạch quay trụ, gãy xương thuyền. Đã được phẫu thuật kết hợp xương, khâu bao khớp, khâu nối gân gấp, khâu nối thần kinh giữa – thần kinh trụ. Hiện tại, đồng chí Đông bị liệt thần kinh giữa, liệt thần kinh trụ, mất cảm giác từ cổ tay đến hết bàn tay, hạn chế chức năng vận động cổ tay và bàn tay mức độ nhiều. Sức khỏe bị giảm do thương tích 51%.

Lãnh đạo Báo CAND thăm và tặng quà Công an viên dũng cảm Lê Minh Đông.

Kẻ gây án bị phạt tù, người bị thương không được hưởng chế độ

Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang trong phiên xét xử ngày 22/9/2008 đã tuyên phạt Nguyễn Văn Măng Em, 25 tuổi, trú tại ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc 7 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích. Như vậy, kẻ phạm tội đã bị pháp luật trừng trị thích đáng.

Trong khi kẻ gây án đã thi hành quá nửa bản án thì việc đề nghị giải quyết chính sách thương binh của đồng chí Đông vẫn giậm chân tại chỗ. Không chỉ cá nhân đồng chí Đông mà UBND thị trấn An Thới đã nhiều lần gửi hồ sơ đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang giải quyết chế động thương binh cho đồng chí Đông. Công an huyện Phú Quốc, Công an tỉnh Kiên Giang cũng nhiều lần đề nghị cơ quan thực hiện chính sách giải quyết chế độ cho đồng chí Đông.

Mới đây, Công an tỉnh Kiên Giang cũng gửi hồ sơ của đồng chí Đông đến Cục Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Thượng tá Nguyễn Viết Phú, Trưởng phòng 3, Cục Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cho biết, “số lượng Công an xã bị thương, hy sinh chưa được giải quyết chế độ rất lớn. Ngành LĐ-TB&XH nhiều địa phương có thể, có cách hiểu chưa đúng hoặc áp dụng máy móc quy định thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng nên không xét nhận thương binh, liệt sỹ”.

Trong Văn bản số 1549/LĐTBXH–NCC ngày 17/12/2008, Sở LĐ TB&XH tỉnh Kiên Giang nêu: “Sau khi nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu với quy định tại Khoản 4, Điều 11, Mục 6, Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/6/2006 về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì: “Dũng cảm đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự”, trường hợp ông Đông không thuộc đối tượng xét công nhận thương binh; ở thời điểm xảy ra sự việc, người gây án chưa là tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự”. Nhiều người cho rằng, cách hiểu và vận dụng quy định trong Nghị định 54/2006/NĐ-CP của Sở LĐ-TB&XH Kiên Giang là quá máy móc. Trong khi đấu tranh với tội phạm, người thi hành công vụ với tinh thần kiên quyết ngăn chặn tội ác mà bị thương thì có nhất thiết phải “sách vở” trong giải quyết chế độ cho họ hay không?

Trong tờ trình ngày 5/1/2009, Chủ tịch UBND thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc nêu: “Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm thì lấy việc phòng làm chính chứ không thể để cho tội phạm xảy ra rồi mới bắt giữ đối tượng gây án. Hành vi của tên Nguyễn Văn Măng Em và Danh Đoàn, sau khi uống rượu xong, do mâu thuẫn với nhóm thanh niên ở ấp 6 nên cầm cây, gậy rượt đuổi đánh nhóm thanh niên này. Nhóm thanh niên này phải chạy vào nhà một người dân gần đó và chủ nhà đóng cửa che chở nhưng chúng vẫn ném đá, gậy gộc vào nhà, gây náo loạn đường phố. Nếu đồng chí Đông và các đồng chí khác không đến ngăn chặn, bắt giữ kịp thời thì sự việc gì có thể xảy ra? Và hậu quả sẽ ra sao? Vì vậy, việc Sở LĐTB&XH nêu, “lý do ở thời điểm xảy ra sự việc, người gây án chưa là tội phạm trong Bộ luật Hình sự” nên không cấp giấy chứng nhận thương binh cho đồng chí Đông, chúng tôi cho rằng không phù hợp với quan điểm “lấy phòng ngừa làm chính” trong đấu tranh phòng chống tội phạm”. Tiếc rằng, những lý lẽ đầy thuyết phục của cấp ủy, chính quyền thị trấn An Thới, của đồng chí Đông và cơ quan Công an các cấp đến nay chưa được xem xét.

Sau khi bị thương, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng song lại không được hưởng chế độ khiến đồng chí Đông rất thiệt thòi. Hiện nay, anh xin đi làm ngư phủ tàu đánh cá. Tuy nhiên, do tay bị thương tích nên anh không làm được nhiều công việc khi đi biển. Cuộc sống đã khó khăn, nay lại khó khăn hơn... Tiếc rằng, thực tế trường hợp xứng đáng được hưởng chế độ chính sách như anh Đông lại không hiếm. Trường hợp Trưởng Công an xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì bị đối tượng phạm tội tạt a xít, gây thương tích nặng là một ví dụ...

“Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an xã và Công an viên bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ hoặc vì lý do thi hành công vụ được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng”. (Nghị định 73/2009/NĐ–CP ngày 7/9/2009 của Chính phủ).

Cao Hồng - Việt Hà
.
.