Vào chiến trường cùng cha

Chủ Nhật, 06/06/2010, 10:04
Có một gia đình đã gắn bó với lực lượng Công an qua nhiều thế hệ. Từ khi đất nước dồn sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thì đồng chí Phạm Văn Lưu, cán bộ Công an tỉnh Hà Nam đã xung phong lên đường vào Nam chiến đấu và anh dũng hy sinh. Tiếp bước người cha thân yêu, con gái cả là Phạm Thị Thúy Mỳ đã tình nguyện vào chiến đấu, công tác tại Ban An ninh khu V giữa thời điểm khốc liệt nhất.

Vượt qua tất cả mọi khó khăn gian khổ, chị đã cùng chồng chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Trở về quê hương khi đất nước đã thanh bình, nhớ lời cha dặn trước lúc hy sinh, chị hướng các em đi theo con đường cha đã chọn. Hai em và các con chị đã tiếp nối truyền thống gia đình, tình nguyện cống hiến suốt đời cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Nhớ lời bố dặn lúc lên đường đi chiến đấu

Tôi đến thăm gia đình chị Phạm Thị Thúy Mỳ, nguyên giáo viên Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Công an (T36). Căn nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ ở Làng Cót, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) ẩn mình dưới tán cây xà cừ mát mẻ, là chốn tụ hội của đại gia đình chị những ngày nghỉ cuối tuần. Cả hai vợ chồng chị đã nghỉ hưu nhưng họ luôn nhớ về một thời mà có lẽ bất cứ ai đã trải qua, nhớ lại là trào nước mắt. Với chị Mỳ thì những tháng năm ấy còn là thực hiện lời hứa với người cha thân yêu trước lúc hy sinh. Chị đã kể cho tôi nghe về cha mình, liệt sĩ Phạm Văn Lưu…

Theo lời chị thì ông là một cán bộ Công an đã từng hoạt động cách mạng từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm 1949, năm 1960 chuyển công tác về Bộ Công an ở Hà Nội. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ mất sớm, hai anh trai lâm bệnh lần lượt qua đời, ông Phạm Văn Lưu đã xin chuyển về Công an tỉnh Hà Nam. Giữa thời điểm ấy, đất nước đang bước vào giai đoạn chống Mỹ quyết liệt, phong trào cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam được phát động. Gạt lại phía sau tất cả nỗi khó khăn riêng tư, đồng chí Phạm Văn Lưu xung phong vào chi viện chiến trường miền Nam.

Nhìn vào mắt người vợ trẻ, Phạm Văn Lưu dặn dò: "Em ở nhà thay anh nuôi dạy các con khôn lớn… hẹn ngày trở lại". Rồi ông xoa đầu 5 đứa con nhỏ (bé nhất chưa đầy 1 tuổi). Đám em nhỏ chưa hiểu gì nên cứ rối rít hỏi: "Bố đi đâu?". Chỉ có cô con gái cả thì hiểu và đầy lo lắng, bố ra đi lần này chưa biết khi nào trở lại. Cô hứa với bố sẽ giúp mẹ chăm sóc các em, bố cứ yên tâm ra đi.

Một ngày hè tháng 5/1964, chiếc xe đầy lá ngụy trang cùng những chiếc vẫy tay từ biệt của bố cứ xa dần trong tiếng nấc nghẹn ngào của mẹ… Thư bố gửi về qua Vụ Tổ chức cán bộ lâu lắm mới tới được gia đình. Qua thư, mẹ con chị biết bố đã vào tới Công an Thừa Thiên - Huế. Khi bố đi vắng thì mẹ lam lũ tảo tần gấp bội, Mỳ thay mẹ hàng ngày chăm bẵm các em. Cứ lúc nào các em bướng bỉnh là Mỳ lại mang thư bố ra đọc cho chúng nghe. Bây giờ chị vẫn nhớ lời dặn dò như đã khắc vào con tim: "Các con nghe lời mẹ cố gắng học hành chăm ngoan, lớn lên đi theo con đường bố đã chọn, trở thành những chiến sĩ Công an như bố nhé…".

Thế rồi, những lá thư cứ thưa dần, linh tính đã mách bảo rằng có chuyện chẳng lành đã xảy đến với bố. Những lá thư Mỳ viết cho bố vẫn tới đơn vị nhưng các cô, các chú đều viết thư về bảo rằng, bố công tác xa đơn vị nên không có điều kiện viết thư về. Mỳ lặng lẽ khóc thầm, giấu biệt mẹ và các em.

Mãi tới sau này, chị được các cô các chú kể lại, bố chị đã hy sinh tháng 12/1965 tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền. Hôm ấy, bố chị xuống cơ sở hoạt động điệp báo, bị địch phát hiện, đã bắn trả đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh. Trên bàn làm việc vẫn còn lá thư viết dở chưa kịp gửi về cho vợ con. Ngày hôm sau, địch bắc loa rao rằng đã bắn chết một Việt Cộng "to". Bà con biết tin nên đã tìm thi thể liệt sĩ Phạm Văn Lưu đưa đi an táng chu đáo. Sau này, chị đã tìm cách đưa hài cốt bố về an táng tại quê nhà xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Vợ chồng chị Phạm Thị Thúy Mỳ - anh Nguyễn Ngọc Tân.

Tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc

Phạm Thị Thúy Mỳ được tuyển vào lực lượng Công an năm 1965, công tác ở tổ cơ yếu Công an tỉnh Hà Nam. Giấu nhẹm chuyện bố đã hy sinh, chị lặng lẽ viết đơn bằng máu gửi lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam, tình nguyện được lên đường vào Nam chiến đấu. Trước quyết tâm của chị, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam đã đồng ý để chị lên đường. Mỳ náo nức lo chuẩn bị hành trang cho chuyến đi, dẫu biết rằng khó khăn gian khổ đang chờ ở phía trước. Tiếp đó là những ngày luyện tập gian khổ, đeo gạch hành quân chạy bộ đến phồng rộp, sưng tấy cả đôi chân vốn chưa quen vất vả. Ngày lên đường đã đến, chị tạm biệt những người thân yêu, vào chiến trường khu V nóng bỏng. Với chiếc mũ tai bèo, bộ quần áo bà ba, chân đi dép cao su, vai đeo ba lô nặng trĩu tư trang và tài liệu mật mã, súng đạn… hăm hở cùng đồng đội ra trận trong niềm lưu luyến và hẹn ngày chiến thắng trở về.

Những ngày ở chiến trường là những năm tháng không thể nào quên. Ban ngày trèo đèo lội suối, qua những cánh rừng dày đặc côn trùng, những cánh rừng nham nhở do chất độc hóa học Mỹ phá hoại. Đêm mắc võng trên đỉnh Trường Sơn càng da diết nhớ gia đình, quê hương và bạn bè. Sức vóc con gái yếu mềm, chị Mỳ đã bị những cơn sốt rét rừng quật ngã phải nằm lại dọc đường điều trị 1 tháng. Đi giữa mùa mưa Trường Sơn trùng điệp, tự hái rau rừng ăn để lấy sức mà đi. 4 tháng vật lộn với mưa rừng, nắng gắt, trèo đèo lội suối và bom đạn Trường Sơn, cuối cùng chị đã cùng đồng đội vào tới Ban An ninh khu V. Nơi làm việc là dưới mái tăng, trên cánh võng, dưới hầm sâu, bàn làm việc là những chiếc ba lô con cóc.

"Một chiều, tôi đang lên cơn sốt thì nhận được bức điện hỏa tốc của Bộ gửi tới. Tôi vội quấn chiếc màn vào người cho đỡ rét và lấy tài liệu ra dịch ngay, xong việc là gục trên bàn làm việc. Dù có vất vả nhưng tin chiến thắng như liều thuốc bổ khiến chúng tôi quên đi mọi mệt mỏi…", chị Mỳ bộc bạch.

Chị kể tiếp, cho dù nhiều lúc bữa ăn chỉ là rau rừng lót dạ, có khi phải ra rẫy của đồng bào để mót những củ mì còn sót lại về ăn. Có đồng chí từ ngày ở miền Bắc vào đến lúc hy sinh chưa được hạt cơm nào vào bụng. Có những khi 6 tháng phải làm việc trên cây vì mùa nước nổi… Sức khỏe giảm sút ghê gớm, chị đã bị bệnh chướng bụng, mọi người bảo là chị "có bầu", chị cứ khóc hoài vì "oan".

Trong chiến trường ác liệt, chị đã có một mối tình đẹp như mơ. Anh Nguyễn Ngọc Tân, quê ở Đông Hưng (Thái Bình) vừa là đồng chí, vừa là người yêu, là sức mạnh giúp chị vượt qua tất cả. Anh Tân kể rằng, là chiến sĩ ở bộ phận cơ yếu Ban An ninh khu V nên thường sống trong rừng. Đã 3 lần suýt chết, có lần suốt 7 ngày 7 đêm nằm trên núi để chờ giặc rút mới trở về đơn vị. Tới ngày đất nước thống nhất, hai anh chị đưa nhau về Thái Bình ra mắt họ hàng thì nhiều người phản đối, vì "cô dâu" nước da xanh như tàu lá, người gầy như cây sậy làm sao có tương lai. Nhưng tình yêu từ trong máu lửa là sợi dây thít chặt họ với nhau không gì tách được.

Bây giờ kể chuyện tình yêu, cả hai anh chị đều cười như… nắc nẻ. Về miền Bắc, họ về công tác ở Cục Cơ yếu (Bộ Công an). Ngày cưới cũng chỉ báo hỉ với mọi người, tuần trăng mật là những ngày xa cách mỗi người mỗi nơi. Chỉ chờ xem, nếu ai đi trực vắng để còn có chỗ ngủ nhờ, nói chi tới giường hạnh phúc. Vì thế hai vợ chồng ít khi được gặp nhau. Để được sống bên nhau dù là một nơi ở tạm, họ xin chuyển về Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ ở Chèm (huyện Từ Liêm), xin được gian phòng lợp giấy dầu thủng lỗ chỗ nhìn thấy cả… ánh trăng. Anh Tân phải đi xin rơm rạ lợp lên mái giấy dầu cho bớt nóng.

Có thể nói rằng, vật chất thiếu thốn nhưng vẫn chẳng thấm tháp gì với nỗi lo lắng thường trực của đôi vợ chồng trẻ. Làm sao sinh được những đứa con lành lặn, cầu mong chất độc da cam những năm tháng sống trong rừng trước đó đừng tới ngưỡng cửa nhà họ. 2 lần chị sinh nở là hai lần thai bị chết lưu trong bụng, nỗi thất vọng âu lo cứ phủ đầy gian nhà nhỏ. Đến lần thứ 3 thì sinh được cô con gái đầu lòng yếu ớt, lần thứ 4 đã sinh được một cậu con trai khỏe mạnh bình thường. Niềm vui vỡ òa. Cả gia đình sống hạnh phúc bên nhau, chị là giáo viên, anh là Trưởng phòng Hậu cần Trường T36. Nhưng những cơn sốt rét rừng đến giờ vẫn còn đeo đẳng họ.

Những người cháu cùng chung trận tuyến

Khi bố đã hy sinh, những ngày ở chiến trường chị Mỳ vẫn không quên nhiệm vụ, thay bố thường xuyên viết thư về động viên mẹ và khuyên các em chăm chỉ học hành, lớn lên phấn đấu đi theo con đường của bố. Lần lượt hai em chị đều làm đơn tình nguyện vào lực lượng Công an. Em trai Phạm Xuân Thủy là cán bộ Công an thị xã Phủ Lý (Hà Nam). Em gái Phạm Thị Miến công tác ở Trại giam Phú Lương, sau này chuyển về Công an tỉnh Hà Nam. Hai con của anh chị Mỳ, Tân, ngay từ nhỏ đã được nghe kể về sự hy sinh của ông ngoại, những năm tháng ở chiến trường khu V của cha mẹ nên hiểu được sự cống hiến của ông cha với lực lượng CAND. Các con anh chị sau khi tốt nghiệp các trường đại học đã tình nguyện vào làm việc trong lực lượng Công an. Bây giờ con gái Nguyễn Thúy Hằng công tác ở E18, con rể là giáo viên Trường T36; con trai thứ 2 công tác ở Tổng cục 5. Cả đại gia đình chị Phạm Thị Thúy Mỳ đã thực hiện lời dặn dò của bố chị trước lúc hy sinh, "Lớp cha trước lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành".

Quý Kim
.
.