Vẫn còn sự máy móc trong vận dụng chính sách người có công
>> Nhiều bất hợp lý về chế độ đối với Công an xã
Là cán bộ làm việc ở cơ quan cấp Bộ, Đại tá Lương Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, Bộ Công an có 30 năm gắn bó với công tác Công an xã (CAX). Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với ông xung quanh chế độ lương, phụ cấp cũng như việc thực hiện chính sách người có công đối với lực lượng CAX.
Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết vai trò của lực lượng CAX trong việc giữ gìn ANTT?
Đại tá Lương Ngọc Dương: Vai trò quan trọng của lực lượng CAX được Nhà nước công nhận, điều này thể hiện rất rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Công an xã là lực lượng rất gần dân; trực tiếp xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ; tham gia vận động người dân chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; trực tiếp nắm tình hình ANTT tại cơ sở; tham gia từ đầu đến cuối vụ án khi xảy ra ở địa bàn mình; thực hiện công tác tuần tra kiểm soát trên địa bàn dân cư; quản lý nhà nước về ANTT; tham gia hầu hết các tổ chức, đoàn thể, phong trào ở cấp xã... Tóm lại, CAX là lực lượng xây dựng nền an ninh nhân dân ở cơ sở.
PV: Vậy thì việc kiện toàn bộ máy CAX đang thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá Lương Ngọc Dương: Năm 2008, Pháp lệnh CAX ra đời. Đây là cơ sở quan trọng để củng cố kiện toàn lực lượng này về mọi mặt, từng bước đáp ứng yêu cầu bảo vệ ANTT ở cơ sở. Toàn quốc hiện có 9.056 Ban CAX. Ngoài Trưởng Công an, các Ban CAX còn có Phó Trưởng CAX, Công an viên thường trực, Công an viên cơ sở. Việc đào tạo, bồi dưỡng CAX cũng thường xuyên được thực hiện. Bên cạnh đó, việc bố trí trụ sở, trang thiết bị hỗ trợ... cũng được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Năm 2011, Chính phủ cấp 381 tỷ đồng trang bị trang phục CAX cho lực lượng CAX trên toàn quốc.
PV: CAX đang được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp ra sao, đề nghị đồng chí cho biết cụ thể?
Đại tá Lương Ngọc Dương: Hiện nay, Trưởng CAX đang hưởng lương theo ngạch công chức với hệ số 1,86. Phó Trưởng CAX (trừ các địa phương bố trí kiêm nhiệm được hưởng lương công chức cấp xã) hưởng phụ cấp từ 0,7 – 1,0 theo mức lương tối thiểu. Phụ cấp của Công an viên tùy từng địa phương quy định, có địa phương có mức phụ cấp thấp nhất là 0,35 (Lai Châu), cao nhất là 1,63 (Vĩnh Phúc).
PV: Với mức 0,35, mỗi tháng Công an viên nhận được “tiền công” chưa đầy 400.000 đ?
Đại tá Lương Ngọc Dương: Đúng thế. Lương tối thiểu từ tháng 5/2012 là 1.050.000đ, khi nhân với 0,35 sẽ bằng 367.000đ. Còn đối với địa phương có mức phụ cấp cao nhất như tỉnh Vĩnh Phúc thì mỗi tháng, Công an viên sẽ nhận khoảng 1.700.000đ.
Đại tá Lương Ngọc Dương trả lời phỏng vấn Báo CAND. |
PV: Thưa đồng chí, tại sao mỗi địa phương lại có mức chi trả phụ cấp khác và vênh nhau như vậy?
Đại tá Lương Ngọc Dương: Việc chi trả phụ cấp cho CAX do các địa phương thực hiện, Chính phủ hỗ trợ 2/3. Căn cứ vào khả năng của mình, các địa phương có mức chi trả phụ cấp khác nhau. Hiện nay, Ban chỉ đạo TW xây dựng đề án chính sách, chế độ xã/phường/thị trấn, cán bộ công tác địa phương khó khăn, chúng tôi tham mưu lãnh đạo Bộ Công an đề xuất chế độ phụ cấp cho CAX.
Bên cạnh đó, Chính phủ hiện chỉ đạo Bộ Nội vụ sửa đổi Nghị định 92/CP, nên chúng tôi cũng tham mưu lãnh đạo Bộ Công an kiến nghị, đưa Phó Trưởng Công an xã được hưởng chính sách như công chức hoặc là công chức kiêm nhiệm như các tỉnh Nam Định, Thái Bình... đang áp dụng. Nâng mức phụ cấp Công an viên, không khống chế trần mà khống chế sàn bằng mức lương tối thiểu là mức phụ cấp cho CAX, chúng tôi thấy hợp lý và đang đề xuất áp dụng.
PV: Ngoài lương, phụ cấp, vấn đề bảo hiểm (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội) đối với lực lượng CAX đang được thực hiện như thế nào ạ?
Đại tá Lương Ngọc Dương: Ngoài Trưởng CAX là công chức cấp xã được tham gia đóng bảo hiểm xã hội theo quy định, Phó Trưởng CAX và Công an viên không có chế độ đóng bảo hiểm. Nếu muốn tham gia, họ chỉ có thể tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, hiện nay cũng có một số địa phương có điều kiện hỗ trợ kinh phí để CAX đóng bảo hiểm xã hội.
PV: Không được đóng bảo hiểm xã hội, lại làm công việc nguy hiểm, thường xuyên đối diện với rủi ro, vậy việc thực hiện chế độ chính sách đối với CAX khi bị thương, hy sinh trong đấu tranh chống tội phạm được thực hiện ra sao?
Đại tá Lương Ngọc Dương: Từ năm 1999 đến nay, toàn quốc có 61 trường hợp CAX hy sinh; hơn 400 CAX bị thương trong khi đấu tranh chống tội phạm. Thế nhưng, mới có 22 trường hợp được truy tặng liệt sỹ, 59 trường hợp được công nhận là thương binh. Rõ ràng, có sự thờ ơ, chậm trễ và máy móc trong việc thực hiện chế độ chính sách người có công đối với lực lượng CAX. Đây là phạm trù thuộc trách nhiệm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
PV: Đồng chí có thể chỉ rõ những bất cập nảy sinh trong việc vận dụng chính sách pháp luật về người có công không?
Đại tá Lương Ngọc Dương: Các văn bản pháp luật quy định chưa rõ, nên khi thực hiện không thống nhất. Cụ thể, tại Khoản 4, Điều 11, Mục 6, Nghị định 54/2006/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nêu: “Dũng cảm đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự”, các cơ quan chức năng nhiều địa phương khi áp dụng để thực hiện chính sách thương binh, liệt sỹ cho CAX lại nhận thức rằng, ở thời điểm xảy ra sự việc, người gây án chưa kết án là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự nên không được hưởng chính sách người có công.
PV: Theo đồng chí, phải hiểu quy định này như thế nào?
Đại tá Lương Ngọc Dương: Thực hiện chính sách đãi ngộ đối với người có công phải chặt chẽ là đương nhiên. Pháp lệnh CAX quy định: Trưởng, phó CAX, Công an viên nếu bị thương, hy sinh thì được hưởng chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh này cũng quy định: Hy sinh khi đấu tranh chống tội phạm được công nhận liệt sỹ. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, hồ sơ đề nghị truy tặng liệt sỹ, công nhận thương binh lại bị từ chối làm chế độ vì ngành Lao động - Thương binh và Xã hội dẫn Khoản 4, Điều 11, Mục 6, Nghị định 54/2006/NĐ-CP và còn chỉ rõ: “Ở thời điểm xảy ra sự việc, người gây án chưa là tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự” (Văn bản số 1549/LĐTBXH–NCC ngày 17/12/2008, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang). Theo tôi, cách hiểu này là quá máy móc.
PV: Làm thế nào để tháo gỡ vấn đề này, thưa đồng chí?
Đại tá Lương Ngọc Dương: Trong thời bình, lực lượng CAND trong đó có CAX với nhiệm vụ giữ gìn ANTT luôn luôn phải đối diện với hiểm nguy, đôi khi là mất cả tính mạng. Thế nên, việc thực hiện chính sách ưu đãi với những người bị thương, hy sinh là việc đương nhiên. Thế nhưng tôi thấy một số người đang làm công tác này khi vận dụng chính sách còn máy móc, không có tinh thần trách nhiệm cao. Tôi cho rằng, ngoài việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, việc điều chỉnh quy định nêu trên cũng cần thực hiện ngay nhằm tháo gỡ những “hiểu nhầm” trong khi áp dụng. Tôi hy vọng rằng, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của ngành chức năng, những đồng chí CAX đã đổ máu, hy sinh khi đấu tranh chống tội phạm sẽ được đãi ngộ xứng đáng.
PV: Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
Căn cứ để công nhận thương binh, truy tặng liệt sỹ là: Biên bản xảy ra sự việc; bản án. Không được nhầm lẫn giữa đấu tranh chống tội phạm với thi hành công vụ. Tôi cho rằng, trước khi gây án với người thi hành công vụ, đối tượng phải có hành vi cấu thành tội phạm hình sự (như có hành động xâm hại tính mạng, tài sản người khác) và được nêu rõ trong bản án. Còn những bản án chỉ đề cập đến hành vi vi phạm tội phạm hình sự của đối tượng khi chống người thi hành công vụ không được coi là căn cứ để làm chế độ đãi ngộ người có công. (Theo ông Nguyễn Duy Kiên, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). |