Ứng trực Tết với Cảnh sát 114 Hà Nội

Thứ Năm, 06/02/2014, 10:05
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội trang bị thêm 4 đầu máy để tiếp nhận thông tin của quần chúng. Ứng trực suốt 9 ngày Tết, giải quyết hàng nghìn cuộc gọi đến, nhưng theo Trung tá Lê Xuân Hậu thì khi tiếp nhận các cuộc gọi, cán bộ nghe điện thoại đều phải sàng lọc, phân loại ngay tin nào là báo cháy thật, tin nào là hoang báo.

Thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp là điều kiện thuận lợi cho cháy nổ và các sự cố cháy xảy ra. Thế nhưng, do làm tốt công tác tuyên truyền, ý thức phòng cháy của người dân Thủ đô đã nâng cao rõ rệt, Tết Nguyên đán 2014 Hà Nội không xảy ra vụ cháy nghiêm trọng nào, không gây thiệt mạng về người, giảm rõ rệt so với Tết Nguyên đán 2013. Đây là một thành công lớn của Hà Nội, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng Phòng cháy và chữa cháy Thủ đô trong công tác tuyên truyền, phòng chống cháy nổ.

Có mặt ở Trung tâm thông tin chỉ huy, Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội vào mùng 5 Tết chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc ở đây quả là tất bật, hối hả như thường ngày. Bốn đầu số điện thoại 114 chuông reo liên tục, các chiến sĩ ứng trực không rời vị trí. Trung tá Lê Xuân Hậu, Trưởng Trung tâm thông tin chỉ huy cho biết, từ 28 Tết, mỗi ngày Trung tâm có 2 kíp trực (mỗi kíp 7 CBCS và chỉ huy) đều ứng trực 24/24h để nhận tất cả các cuộc gọi báo cháy của người dân.

Trong đêm 30 Tết, đã đảm bảo an toàn về PCCC tại 29 điểm bắn pháo hoa, không xảy ra bất cứ sự cố nào. Theo Đại úy Nguyễn Thành Minh, Phó trưởng Trung tâm thông tin chỉ huy thì rất may mắn, trong đêm giao thừa, Hà Nội không xảy ra sự cố cháy. So với mọi năm thì đây là một tín hiệu đáng mừng. Đặc biệt, Tết Nguyên đán năm nay Hà Nội không xảy ra vụ cháy nào nghiêm trọng, chủ yếu là các vụ cháy nhỏ do người dân bất cẩn khi dùng điện, gas, thắp hương, đốt vàng mã.

Ứng trực 24/24 giờ ở Trung tâm thông tin chỉ huy để tiếp nhận thông tin báo cháy.

“Nhưng so với năm ngoái, các vụ cháy do đốt hương, thờ cúng đã giảm rõ rệt. Đêm 30 Tết năm ngoái xảy ra vài vụ cháy ở đền, chùa nhưng năm nay không có” - Trung tá Lê Xuân Hậu cho biết. Theo thống kê của Trung tâm thông tin chỉ huy thì trong 4 ngày Tết có hơn 20 sự cố cháy do chập điện và bất cẩn do thắp hương. Ngay sáng mùng 1 Tết, tại Trung tâm thông tin chỉ huy đã nhận được cuộc gọi tại nhà dân ở số 9 đường Việt Kiều Châu Âu, khu đô thị mới Mỗ Lao, Hà Đông. Hai xe chữa cháy của Phòng Cảnh sát PCCC Hà Đông được điều động đến tổ chức chữa cháy và dập lửa. Thiệt hại là cháy bàn thờ và đồ thờ cúng. Nguyên nhân là do nhà dân thắp hương gây cháy.

Thắp hương, đốt nến rồi khóa cửa đi chơi Tết gây cháy, khói trong nhà bốc ra nghi ngút, hàng xóm cuống cuồng gọi điện tới 114 là chuyện xảy ra nhiều trong ngày Tết. Đây là lỗi do bất cẩn của gia chủ và nhiều gia đình đã gặp phải. Đặc biệt, ở một số đền chùa dù đã cấm thắp hương nhưng người dân vẫn không thực hiện nên đã xảy ra sự cố cháy. Vụ cháy do bất cẩn xảy ra ngày mùng 3 Tết ở một nhà dân tại đường Tân Mai, quận Hoàng Mai là một ví dụ. Chủ nhà thắp hương rồi đi chúc Tết, chưa kịp quay về thì đã xảy ra cháy. Phòng Cảnh sát PCCC quận Hoàng Mai phải điều 2 xe tới dập lửa. May mắn đám cháy nhỏ, chỉ thiệt hại bàn thờ và đệm. Hoặc có gia đình ở phố Đội Cấn đốt vàng mã trên tầng 5 của nhà gây cháy, phải điều động 3 xe chữa cháy tới dập lửa…

Theo Trung tâm thông tin chỉ huy, từ ngày 28/1 đến 4/2, Trung tâm đã tiếp nhận 2.478 cuộc gọi đến máy 114, trong đó có 141 cuộc gọi báo cháy. Trong 9 ngày Tết, Hà Nội xảy ra 33 vụ, trong đó có 10 vụ cháy, 23 sự cố cháy, 2 người bị thương nhẹ. Trung bình mỗi ngày tại trung tâm tiếp nhận từ 400 đến 700 cuộc điện thoại gọi đến báo cháy và cứu hộ cứu nạn. Trung tá Lê Xuân Hậu cho biết, nhiều gia đình ngày Tết rất chủ quan dẫn tới cháy. Nguyên nhân gây cháy nhiều nhất trong mấy ngày Tết vẫn là do sự cố điện, sơ xuất do dùng gas, lửa và thắp hương thờ cúng. Có gia đình kho cá quên không tắt bếp gas và ra ngoài dẫn đến cháy nồi cá vào ngày mùng 1 Tết. Có nhiều gia đình sơ suất khi dùng lửa gây cháy, có nhà cháy nguyên cả khu bếp ăn.

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Sở Cảnh sát PCCC trang bị thêm 4 đầu máy để tiếp nhận thông tin của quần chúng. Ứng trực suốt 9 ngày Tết, giải quyết hàng nghìn cuộc gọi đến, nhưng theo Trung tá Lê Xuân Hậu thì khi tiếp nhận các cuộc gọi, cán bộ nghe điện thoại đều phải sàng lọc, phân loại ngay tin nào là báo cháy thật, tin nào là hoang báo. Trong mấy ngày Tết, các cuộc gọi “trêu” Cảnh sát 114 nhiều hơn là gọi báo cháy. Có những số điện thoại gọi liên tục vào máy 114, khi cán bộ trực “alô” là đầu bên kia dập máy ngay.

Tìm hiểu ra các anh mới biết, đó là trẻ nhỏ gọi trêu đùa, bố mẹ các cháu không biết và xin lỗi rối rít. Không chỉ chữa cháy trong những ngày Tết mà lực lượng PCCC còn kiêm luôn việc cứu hộ. Ngày mùng 3 Tết, khi nhận được tin có 9 người bị kẹt trong thang máy tại số nhà 74 ngõ 349 Minh Khai, Trung tâm thông tin chỉ huy đã điều động Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiểm xuất 1 xe cứu hộ đến hiện trường. Do quá tải nên thang máy bị hỏng, 9 người bên trong đều hoảng loạn, họ chỉ nhớ được số 114 và bấm máy. Lực lượng chữa cháy phải dùng xà beng mới bậy được cửa thang máy để đưa 9 người ra an toàn.

Câu chuyên của chúng tôi với Thượng sỹ Phạm Quốc Anh, trưởng ca trực thường xuyên bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại báo cháy gọi đến 114. Chia sẻ với chúng tôi, Thượng sỹ Phạm Quốc Anh cho biết, gần 4 năm vào ngành, đây là cái Tết đầu tiên anh đón giao thừa cùng với bố mẹ tại gia đình. Công việc trong ngày Tết đòi hỏi mỗi CBCS phải ứng trực điện thoại 24/24 giờ, bao quát toàn bộ thông tin của các vụ cháy và các vụ cứu hộ cứu nạn trên địa bàn. Chỉ cần chậm một vài phút, cũng có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc…

Theo khuyến cáo của Trung tá Lê Xuân Hậu thì Hà Nội đang bước vào lễ hội, người dân khi đến đền chùa tuyệt đối không mang hương vào trong đốt, khi hóa vàng phải ở nơi riêng biệt; không ra khỏi nhà khi hương chưa tắt; khóa bình gas khi không sử dụng bếp… để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản

Hằng Mai
.
.