Chặng đường vẻ vang 35 năm Tổng cục Chính trị CAND:

Từ Văn phòng Sở Liêm phóng đến sự ra đời Tổng cục XDLL CAND

Thứ Sáu, 10/06/2016, 09:16
Ngày 18-6-1981, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ký Quyết định số 13/QĐ-BNV quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND). Đây là mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của công tác xây dựng lực lượng CAND. Nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập, từ số báo này, Báo CAND điểm lại những dấu mốc quan trọng trong chặng đường vẻ vang của Tổng cục Chính trị CAND.

Ngay từ khi ra đời, lực lượng CAND luôn được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, chăm lo, xây dựng, không ngừng trưởng thành về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng vũ trang cách mạng, nòng cốt bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân.

Ngày 11-3-1948 trong Thư gửi Công an Khu XII, Bác Hồ đã nêu 6 nội dung về “Tư cách người Công an cách mệnh”, đặt nền tảng tư tưởng cho công tác xây dựng lực lượng CAND và là chuẩn mực nhân cách cho mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phấn đấu noi theo.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an vừa chiến đấu và xây dựng đã từng bước trưởng thành, đập tan những âm mưu của thực dân, đế quốc câu kết với phản động tay sai hòng lật đổ Chính phủ ta, bảo vệ những thành quả cách mạng đã giành được.

Trong mỗi chiến công, mỗi bước trưởng thành của lực lượng CAND đều có sự đóng góp to lớn, tích cực của công tác xây dựng lực lượng CAND. Từ khi mới thành lập, đã có một bộ phận thuộc Văn phòng của Sở Liêm phóng và Nha Công an Trung ương làm nhiệm vụ tuyên truyền cho Công an viên biết yêu nghề nghiệp, tuyên truyền để quần chúng nhân dân hiểu biết, quý trọng giúp đỡ Công an, nghiên cứu tổ chức về những vấn đề liên quan đến công tác Công an; tổ chức quản lý, kiểm tra công tác huấn luyện của lực lượng Công an.

Theo sự phát triển của lực lượng trong từng thời kỳ, các tổ chức chuyên trách đảm nhận chuyên sâu từng lĩnh vực công tác xây dựng lực lượng CAND lần lượt ra đời như: Trường Huấn luyện Công an, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Tuyên huấn, Vụ Đào tạo cán bộ, Cục Bảo vệ lực lượng, các trường CAND…

Năm 1981, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới; Đảng, Nhà nước có chủ trương tăng cường công tác Công an về mọi mặt, trong đó có công tác xây dựng lực lượng CAND. Vì vậy, ngày 12-6-1981 Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 250/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và ngày 18-6-1981, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 13/QĐ-BNV quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND).

Đây là mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của công tác xây dựng lực lượng CAND. Từ đây, Bộ Nội vụ có một cơ quan chuyên trách tham mưu cho Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ về công tác Đảng, công tác xây dựng lực lượng và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

35 năm qua, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Tổng cục Chính trị CAND luôn bám sát yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ, đã kịp thời giúp Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước về đường lối, phương châm, biện pháp xây dựng lực lượng CAND phù hợp.

Trong những năm đầu từ (1981 - 1986), Tổng cục đã tập trung giúp lãnh đạo Bộ chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy Công an các cấp theo hướng thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, bớt trung gian, tăng cường cho lực lượng cơ sở; đẩy mạnh phong trào học tập, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy CAND.

Giai đoạn (1986 - 1991), đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, Tổng cục đã chủ động tham mưu đổi mới toàn diện các mặt công tác Công an theo Nghị quyết Đại hội VI của Đảng; trọng tâm là đổi mới công tác xây dựng lực lượng CAND theo đường lối đổi mới của Đảng, tham mưu thực hiện Nghị định số 11/HĐBT ngày 31-1-1989 của Hội đồng Bộ trưởng về sửa đổi, bổ sung tổ chức của Bộ Nội vụ.

Tăng cường các biện pháp giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cách mạng, kiên định lập trường quan điểm giai cấp công nhân trong toàn lực lượng...(còn nữa)

CAND
.
.