Trưởng thành trên mảnh đất Anh hùng
Đi về với nhân dân
Mường Nhé mới chớm hè nhưng đã như một chảo lửa bởi những cơn gió phơn Tây
… Tôi không nhớ chính xác thuật ngữ “tăng cường”, “3 cùng” và bây giờ là “4 cùng” có từ bao giờ nhưng ở Điện Biên bắt đầu từ năm 2000, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã bắt đầu thực hiện chủ trương này trong Kế hoạch số 22/KH-CAT. Người đề xuất và có công lớn trong việc đưa “3 cùng" vào cuộc sống chính là Thiếu tướng Đậu Quang Chín, Giám đốc Công an tỉnh (2000 – 2008). Lúc bấy giờ vì yêu cầu nghiệp vụ nên không phải ai cũng biết đây còn là một giải pháp nhằm đối phó với âm mưu và hoạt động thành lập “Vương quốc Mông” của các đối tượng thù địch và tay chân phỉ Vàng Pao đang manh nha xuất hiện ở Mường Nhé.
Trên đỉnh đồi A1. |
Nhớ về “cái thuở ban đầu” ấy, Thiếu tướng Đậu Quang Chín chia sẻ: “Ở góc độ Công an, chúng tôi nhận thấy chính vì không gần dân nên không phát huy được tai mắt của quần chúng, công tác nắm tình hình hạn chế. Chính vì vậy, chỉ có tăng cường xuống cơ sở, 3 cùng với nhân dân thì mới giải quyết thấu đáo được việc này, quan trọng hơn chỉ có đi về với nhân dân; gần dân mới hiểu được những vất vả, khó khăn của quần chúng, hiểu dân, chia sẻ với dân để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”.
Và bắt đầu từ năm 2000 đến nay, Công an tỉnh Điện Biên đã tăng cường hơn 16.000 lượt cán bộ xuống những bản, những xã khó khăn, hiểm yếu, tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp về an ninh trật tự. Sau khi được chia tách, từ năm 2004, Công an tỉnh Lai Châu mỗi năm 2 đợt cũng tăng cường gần 9.000 lượt cán bộ chiến sĩ xuống cơ sở. Cán bộ “đi về với nhân dân” không chỉ làm nhiệm vụ điều tra cơ bản, nắm tình hình, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ mà họ còn tham gia củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giúp dân sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tham gia các lớp dạy chữ, xóa mù, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con…
Lập công nơi rừng thẳm núi cao
Con đường từ Mường Nhé vào bản Huổi Khon, xã Nậm Kè giờ được mở rộng, trải cấp phối thừa sức cho ôtô chạy một lèo vào trung tâm. Cũng vào cữ này 3 năm trước, nghe theo lời dụ dỗ của bọn người xấu bụng, nhiều người dân một số địa phương nhẹ dạ, cả tin đã kéo đến tụ tập ở Huổi Khon để chờ được máy bay đón đi đến… “miền đất hứa”. Nhưng “miền đất hứa” là cái “bánh vẽ”, chỉ thấy đói, khát, trẻ em không hợp thổ nhưỡng, khí hậu ốm đau, suy kiệt nên sau khi được tuyên tuyền, vận động người dân đã tỉnh ngộ và tự giác trở về nhà.
Sau “cơn giông” trời lại sáng, được Nhà nước quan tâm, hệ thống trường, trạm được đầu tư khang trang, điện lưới quốc gia cũng đã được kéo vào Huổi Khon. Trưởng bản Huổi Khon Sùng A Kỷ bảo: “Ánh sáng của Chính phủ về rồi. 94 hộ dân, gần 600 nhân khẩu ở đây đã có điện thắp sáng, nhiều nhà mua được tivi, máy xay xát...”. Chúng tôi gặp tổ công tác của Công an tỉnh Lai Châu do Đại tá Vũ Văn Hiền, Trưởng phòng PA88 dẫn đầu đang ở Huổi Khon. Được biết, Công an 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu đang chuẩn bị sơ kết đợt phối hợp giải quyết tình trạng di cư tự do vào Mường Nhé. Cùng với đấu tranh kiểm soát ma tuý, việc phối hợp ngăn chặn âm mưu và hoạt động thành lập “Vương quốc Mông” là một mẫu mực trong phối hợp, hiệp đồng giữa Công an 2 tỉnh. “Chỉ tính trong năm 2011, hơn 2.000 dân ở các huyện Sìn Hồ, Mường Tè… đã di cư đến vùng ngã ba biên giới của tỉnh Điện Biên, Công an 2 tỉnh đã tăng cường hơn 300 lượt cán bộ xuống địa bàn tuyên truyền vận động, hầu hết số dân di cư đã tự nguyện quay về quê cũ làm ăn. Đây là một thành công lớn, để lại nhiều bài học quý trong công tác dân vận” - Thiếu tướng Trần Duân, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đúc kết.
CBCS Công an tỉnh Lai Châu thực hiện 3 cùng với nhân dân. |
Năm 2002 huyện Mường Nhé được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Mường Tè và một phần của huyện Mường Chà. Ít ai biết rằng, hơn 70% trong tổng số 61.000 dân trong huyện là bà con di cư tự do. Hệ lụy này kéo theo sự gia tăng dân số cơ học, phá rừng vô tội vạ, an ninh, trật tự cực kì phức tạp, nhất là sự xuất hiện của một số đối tượng câu kết với đám tay chân của phỉ bên kia biên giới âm mưu hoạt động phá hoại, đòi thành lập “Vương quốc Mông”. Từ năm 2008 đến nay, Công an huyện Mường Nhé và các tổ công tác tăng cường đã làm được một việc tưởng như không thể đó là tham mưu cho UBND tỉnh “cắm đất”, chia bản, từng bước xây dựng hệ thống chính quyền cơ sở hơn 40 bản lớn, nhỏ; rà soát tuyển dụng hơn 200 công chức xã, phát hiện, bồi dưỡng và đề nghị kết nạp Đảng cho hơn 170 quần chúng ưu tú, xóa 33 bản “trắng đảng viên”; làm thủ tục cấp phát hộ khẩu cho 12.000 hộ dân, CMND cho hơn 23.000 người…
Nhờ chủ trương tăng cường cán bộ xuống cơ sở, thực hiện 3 cùng với nhân dân, phát huy được sức mạnh của quần chúng mà lực lượng Công an được bà con các dân tộc trên địa bàn ủng hộ, giúp đỡ. Chỉ tính 5 năm trở lại đây, quần chúng đã cung cấp hơn 10.000 nguồn tin liên quan đến an ninh trật tự, giúp điều tra khám phá 85 - 90% các vụ thường án, 100% các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Qua tai mắt của nhân dân, lực lượng Công an Điện Biên đã khám phá 4.542 vụ, với 6.774 đối tượng; Công an Lai Châu khám phá 3.011 vụ, bắt giữ 5.120 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 1.100kg thuốc phiện, 201,3kg heroin. Đặc biệt qua vận động, nhân dân 2 tỉnh đã giao nộp hơn 42.400 khẩu súng tự chế…
Điện Biên và Lai Châu có 17 huyện, thị xã và thành phố nhưng chỉ cần đến Mường Nhé người ta có thể hiểu và “thấm” đủ những gì cán bộ Công an Điện Biên và Lai Châu đã và đang làm cho sự bình yên của vùng đất này. Và cũng chỉ lên đây, mục kích những gì lực lượng Công an đang nỗ lực tôi mới hiểu câu đúc kết của Đại tá Nguyễn Xuân Kiêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên khi nói về bí quyết để đơn vị này lập công xuất sắc, đó là sức mạnh của lòng dân biên giới. Chính vì làm được nhiều việc vì dân, cho dân mà bà con các dân tộc đã đùm bọc, giúp đỡ lực lượng Công an tỉnh Điện Biên và Công an tỉnh Lai Châu hoàn thành sứ mệnh cao cả, vẻ vang đó là giữ cho vùng biên viễn này mãi mãi bình yên…
Phát huy truyền thống, CBCS Công an tỉnh Điện Biên đã lập công xuất sắc, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận tặng thưởng: Danh hiệu Anh hùng LLVTND (năm 2010), Huân chương Hồ Chí Minh (lần 2); 9 năm được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc; Công an tỉnh Lai Châu được tặng thưởng: 1 Huân chương Quân công hạng Nhì; 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 1 năm được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì ANTQ”… |