Lặng thầm những chiến công
Bài cuối: LẶNG THẦM NHỮNG CHIẾN CÔNG
Đêm về khuya, tiếng trở mình của Thượng úy Nguyễn Thị Ngọc Phương… khiến người chồng, cũng là một đồng đội trằn trọc, thao thức. Như một thước phim được tua thật chậm, toàn bộ hành trình của đối tượng mồn một hiện ra trong trí nhớ của người nữ trinh sát ngoại tuyến. Tại sao lại xảy ra tình huống trớ trêu như vậy, phải chăng đối tượng có sự phòng ngừa từ trước?
Chị lục tung trí nhớ, cố tìm ra những điểm sơ hở nhưng không có. Với lính ngoại tuyến, đây có lẽ là “bệnh nghề nghiệp”. Chị cũng như các đồng đội luôn day dứt, trước một công việc còn chưa hoàn tất.
Có chồng là một cán bộ Công an nên Thượng úy Nguyễn Thị Ngọc Phương luôn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của chồng... Song mỗi lần chị lên đường làm nhiệm vụ, là anh và những người thân lại một lần lo lắng, dõi theo cho đến khi chị bình an trở về. Công việc của các chị cũng chẳng khác gì một nam giới, trong quá trình làm nhiệm vụ cũng phải hóa thân vào các vai diễn cùng đồng đội góp phần làm nên những chiến công....
Chỉ cái tên thôi, có lẽ phần nào nói lên tính chất công việc của một đơn vị đặc thù trong lực lượng Công an nhân dân nói chung, Tổng cục An ninh nói riêng. Công việc của họ phần lớn ở ngoài đường. Và trong khi hầu hết mọi người ở trong nhà vào những ngày giông bão thì các trinh sát ngoại tuyến gồm cả nữ và nam vẫn rong ruổi ở trên đường, bám tuyến, địa bàn, bủa vây từng đối tượng.
Cán bộ chiến sỹ Cục Ngoại tuyến dâng hương tại nghĩa trang liệt sỹ. |
Với cán bộ nam công việc đã vất vả, với cán bộ nữ còn đòi hỏi sự hy sinh rất nhiều. Bình thường công việc vẫn là ca kíp, không thể đưa, đón con hoặc dạy học... Cá biệt, có những trường hợp phải gửi con dài dài hoặc “nhập khẩu” ở nhà ông bà. Rồi kế đó là những pha cùng đồng đội lên đường, có khi ngồi hàng trăm kilômét đường dài băng theo các đối tượng, bất kể mưa giông hay ngày nắng như đổ lửa..., khi mọi người ở trong nhà thì họ lại lao ra ngoài đường.
Đối mặt với họ có đủ các thành phần từ tội phạm hình sự, kinh tế đến ma túy; những kẻ gây trọng án và cả tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia với những nguy hiểm luôn rình rập. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị phải thực hiện nhiều phần việc. Ngoài lái xe còn phải thực hiện việc ghi âm, ghi hình, sử dụng tai nghe và bộ đàm..., tất cả đều phải xử lý cùng một lúc.
Nếu may mắn thì được ngồi sau xe môtô của một trinh sát nam nhưng cũng phải tự mình lo liệu mọi việc vì người lái xe lúc đó còn phải có nhiệm vụ của mình. Cho nên những gian nan của chị em làm công tác trinh sát không kể xiết bằng lời... Những khi con ốm đau cũng chẳng mấy khi được nghỉ. Nếu thuận lợi thì được trực ở đơn vị còn hầu hết đều phải bám mặt đường, bám đối tượng.
Vì sự say mê, yêu nghề trinh sát, họ lao vào công việc. Trong những vai diễn trên sân khấu thực, họ luôn làm tròn nhiệm vụ của mình, góp phần vào sự thành công của các vụ án. Nước da sạm đen vì nắng gió, bụi đường và những sự cố đáng tiếc do tai nạn nghề nghiệp gây ra. Nếu không có một bản lĩnh vững vàng thì sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ.
Thượng tá Trần Hữu Tuấn cũng chia sẻ những kỷ niệm riêng nhưng qua đó cũng khắc họa được sự vất vả của lực lượng ngoại tuyến. Ngày lập gia đình, theo quy định cán bộ của đơn vị sẽ được nghỉ một tuần để hưởng tuần trăng mật. Nhưng đến ngày thứ 3, anh nhận được yêu cầu của lãnh đạo đơn vị phải lên đường làm nhiệm vụ ở biên giới. Chuyến đi đó, chẳng ngờ kéo dài đằng đẵng suốt 6 tháng biền biệt ở đường biên...
Mỗi thành tích, chiến công là mồ hôi và công sức của biết bao con người. Thượng tá Trần Hữu Tuấn kể cho chúng tôi về một kỷ niệm mà anh còn nhớ mãi: Khoảng năm 2012, dọc tuyến sông Lô chạy qua các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc xảy ra hàng chục vụ phạm pháp hình sự gây trật tự trị an trên địa bàn. Nguyên nhân của sự việc này, bắt nguồn từ việc khai thác cát, sỏi, trên dọc tuyến sông Lô, Trong đó, chỉ có một số đơn vị được cấp phép.
Địa bàn phức tạp nhất là khu vực giáp ranh giữa huyện Phù Ninh (Phú Thọ) và huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). Tại khu vực này, có thời điểm các đối tượng dùng hung khí, súng tự chế, vũ khí quân dụng... đe dọa các các tàu khảo sát, khai thác cát; cướp hoặc hủy hoại tài sản của những cá nhân, đơn vị khác đang khảo sát, khai thác cát ở khu vực...
Địa bàn họ phải tiếp cận lần đó là khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Tuyên Quang, trên bến dưới thuyền. 24/24h, các trinh sát ngoại tuyến thay phiên nhau nắm bắt tình hình. Địa bàn này vốn phức tạp, khi thấy một số đối tượng lạ dặt dẹo ở khu vực, không ít kẻ anh chị sợ anh em là người nơi khác đến hoành hành ở địa bàn, có đối tượng tìm cách gây sự, kẻ khác thì dọa nạt… để dằn mặt.
Trong những tình huống nghiệp vụ ấy, anh em trinh sát đều khéo léo làm tròn vai diễn của mình. Một trong những khó khăn của lực lượng trinh sát là xác định đối tượng Trịnh Xuân Giang, kẻ cầm điều hành toàn bộ hoạt động trên. Trong những ngày ấy, cùng với các đơn vị nghiệp vụ, các trinh sát ngoại tuyến phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, cùng với việc nắm bắt thông tin còn phải giữ bí mật.
Quá trình theo dõi đã xác định đối tượng Giang thường xuất hiện tại nhà của một đối tượng tên là Mế... Những tài liệu do lực lượng ngoại tuyến cung cấp đã giúp các đơn vị nghiệp vụ phá án thành công, góp phần trả lại bình yên trên tuyến sông Lô.
Vất vả là vậy, nhưng các chiến sĩ trinh sát ngoại tuyến vẫn gắn bó với nghề. Những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ đã góp phần vào những chiến công của lực lượng CAND.