Trinh sát hình sự của bản vùng cao

Thứ Sáu, 15/05/2009, 15:16
Thượng tá Nguyễn Viết Thoại, Trưởng phòng PC14, Công an tỉnh Yên Bái tâm sự: "Muốn làm được án thì người lính hình sự phải quản lý chắc địa bàn, có được niềm tin của dân. Cán bộ phải trở thành người con của bản, lo cái lo của họ và buồn vui trước những cái buồn của họ".

Chuyện không có trong hồ sơ vụ án

Vụ án mạng xảy ra ở chân núi Pàng Đu, địa bàn giáp ranh hai xã Làng Nhì và Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đồi núi hiểm trở, đây cũng là nơi các đối tượng khai thác lâm sản trái phép mang về cất giấu, dựng lán trông coi thuê lâm sản...

Từ trung tâm xã đến hiện trường vụ án mạng, Trung tá Bùi Lê Minh, Phó phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC14), Công an tỉnh Yên Bái cùng cán bộ Đội Trọng án chỉ có cách duy nhất là đi bộ men theo đường rừng. "Hành quân" từ lúc trời tờ mờ sáng nhưng đến giữa trưa, tổ công tác mới có mặt ở lưng chừng núi, đói thì ăn lương khô, khát thì tìm khe nước chảy mà uống. Dẫn đường tổ công tác là một cán bộ Công an huyện, thông thuộc bản ngữ. Qua những đoạn dốc thẳng đứng, giữa cái hoang sơ, tươi mát của núi rừng nhưng mồ hôi ai cũng rịn ra, ướt đẫm lưng áo.

Đang ở lưng chừng núi, anh em trinh sát nhận được tin (do một người dân bản xứ vượt núi mang tới): Mẹ của Thượng úy Nguyễn Doãn Hạnh, cán bộ đơn vị đã qua đời... Thì ra, biết điện thoại không liên lạc được, chỉ huy Phòng PC14 đã có sáng kiến là thông báo đến Công an huyện rồi nhờ người mang tin báo tới cho đồng chí Hạnh. Lúc nghe tin này, tổ công tác ai cũng nặng lòng, họ cảm thấy như mất đi chính người thân trong gia đình. Giữa muôn vàn khó khăn nhưng chẳng ai bảo ai, họ đều dốc lòng vào công việc với mong muốn sớm làm sáng tỏ vụ án, để trở về chia sẻ nỗi buồn với người đồng đội của mình.

Vụ án được làm sáng tỏ. Vì nghi cho anh Đinh Văn Kiên, trú tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn trộm cắp tài sản, Hờ A Da, trú tại xã Làng Nhì; Trần Văn Cường; Nguyễn Thanh Bình, SN 1968; Nguyễn Trung Tiến, SN 1978; Đồng Văn Đại, SN 1982, trú tại tỉnh Yên Bái đã đang tâm gây ra cái chết thương tâm cho anh Kiên...

Cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Yên Bái trong một buổi họp án.

Tận mắt chứng kiến một ngày thường nhật của lính hình sự Yên Bái, tôi mới thấu hiểu được cái nhọc nhằn, gian nan của người lính hình sự ở các tỉnh miền núi. Hơn 30 cán bộ, chiến sỹ của đơn vị phụ trách địa bàn rộng lớn với 9 huyện, thị mà ở đó có những địa danh mỗi khi nhắc đến ai cũng cảm nhận được sự gian lao như Mù Căng Chải, Trạm Tấu...

Bây giờ, vào trung tâm các xã đã có đường nhựa, song muốn tới bản thì vẫn phải đi bộ. Anh em phải đối mặt với những khó khăn về địa lý, về phong tục tập quán rồi là sự bất đồng về ngôn ngữ. Một vụ trọng án xảy ra, cán bộ trong đơn vị đi mải miết cả tuần chẳng về nhà. Những lúc ấy, cuộc sống hằng ngày của họ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của bà con vùng cao.

Thượng tá Nguyễn Viết Thoại, Trưởng phòng PC14, Công an tỉnh Yên Bái tâm sự với chúng tôi: "Muốn làm được án thì người lính hình sự phải quản lý chắc địa bàn, có được niềm tin của dân. Cán bộ phải trở thành người con của bản, lo cái lo của họ và buồn vui trước những cái buồn của họ".

Anh em PC14 lần mò học tiếng của người Mông, người Thái qua các già làng, trưởng bản. Những buổi gặp gỡ, họ vận động nhân dân không trồng cây thuốc phiện, giáo dục một số thanh niên có biểu hiện hư hỏng trở thành người tốt. "Mưa dầm thấm lâu", tình cảm chân thành của họ cũng khiến bà con hiểu ra, giúp đỡ anh em trong quá trình làm án.

Anh Thoại nhấn mạnh: Ở vùng cao, nếu không được sự giúp đỡ của dân thì chẳng làm được việc gì. Giữa rừng già hay có khi ở bản vùng cao nằm ở lưng chừng núi thì có tiền cũng chẳng mua được cơm mà ăn...

Phía sau luôn có một hậu phương vững chắc

Những người lính hình sự Yên Bái trong công việc vốn can đảm, mưu trí là thế nhưng cũng đầy lòng nhân ái. Họ chạnh lòng trước số phận hay cảnh đời đáng thương của một nhân vật trong vụ án. Trong điều kiện vật chất còn khó khăn, họ đã dùng tiền quyên góp của anh em trong Đội giúp đỡ cho nạn nhân. Đó là lần các anh triệt phá đường dây mua bán phụ nữ ra nước ngoài.

Khi đọc lá đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị B., một người mẹ mất con, trú tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, các trinh sát không khỏi chạnh lòng. Những lời lẽ khẩn cầu của người mẹ, đang ngày ngày mong ngóng đứa con lưu lạc đã thôi thúc các anh vào cuộc. Sau khi vụ án khám phá thành công, họ đã góp tiền để giúp đỡ cho các nạn nhân được trở về đoàn tụ cùng gia đình...

Lính hình sự vốn nguy hiểm nhưng ở địa bàn miền núi như Yên Bái còn gian truân, vất vả gấp bội phần. Mỗi đội nghiệp vụ lại có những vất vả riêng. Nếu Đội Trọng án, hễ nhận lệnh là vội vã lên đường, có những chuyến đi hàng tuần chẳng về nhà thì Đội Truy nã là những ngày dài lăn lộn theo dấu vết của những tên tội phạm luôn tìm cách giấu mình. Đội Địa bàn là thời gian lăn lộn ở các bản vùng cao, nắm tình hình...

Bảng báo cáo thành tích của Phòng PC14, Công an tỉnh Yên Bái rất cô đọng, quân số 31 người, trong năm qua hoạt động theo dõi, quản lý đối tượng được thực hiện hiệu quả, quản lý tốt các đối tượng hình sự, đơn vị đã hoàn thành các chỉ tiêu, yêu cầu công tác đề ra... Tham gia triệt phá 11 chuyên án, bắt giữ 9 đối tượng có lệnh truy nã, vận động 1 đối tượng ra đầu thú. Chỉ ngần ấy thôi, cũng nói lên chiến công thầm lặng của họ.

Những chuyên án nối tiếp chuyên án... ngày ngày, các trinh sát PC14 Công an tỉnh Yên Bái vẫn âm thầm làm nhiệm vụ. Bởi phía sau họ luôn có một hậu phương vững chắc. Trong những thành tích của lính hình sự Yên Bái có sự đóng góp thầm lặng của những người vợ, người mẹ. Họ luôn là điểm tựa để các anh yên tâm cống hiến, góp sức mình giữ gìn ANTT trên địa bàn

Xuân Mai
.
.