Triển lãm Safety & Rescue Fire Vietnam - Secutech Vietnam 2016

Trải nghiệm kỹ năng chữa cháy, thoát nạn

Thứ Ba, 20/09/2016, 08:24
Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về kỹ thuật, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thiết bị an ninh, an toàn, bảo vệ tại Việt Nam năm 2016, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, TS Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH  về một số vấn đề liên quan đến công tác PCCC và CNCH.


Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về kỹ thuật, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thiết bị an ninh, an toàn, bảo vệ tại Việt Nam năm 2016 (Safety & Rescue Fire Vietnam - Secutech Vietnam 2016) - một trong những hoạt động quan trọng để chào mừng 55 năm Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và 15 năm Ngày toàn dân PCCC do Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH); Công ty cổ phần Hội chợ triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR) và Công ty Messe Frankfurt New Era Business Media phối hợp tổ chức, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, TS Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH  về một số vấn đề liên quan đến công tác PCCC và CNCH.

Phóng viên (PV): Thiếu tướng có thể chia sẻ một số vấn đề về CNCH trong công tác PCCC của nước ta những năm qua?

Thiếu tướng, TS. Đoàn Việt Mạnh: Trong những năm qua, đặc biệt là kể từ khi  triển khai Quyết định số 44 của Thủ tướng Chính phủ (từ năm 2012), lực lượng Cảnh sát PCCC đã thực hiện CNCH được 1.558 vụ, sự cố, tai nạn, trong đó 465 vụ cháy, nổ (chiếm 29,85%), 646 vụ dưới nước (chiếm 41,46%), 113 vụ tai nạn giao thông (chiếm 7,25%), 47 vụ sập đổ công trình (chiếm 3,02%), 79 vụ trên cao, trong hang hầm, giếng sâu (chiếm 5,07%), 208 vụ sự cố, tai nạn khác (chiếm 13,35%), tổ chức hướng dẫn thoát nạn hàng chục nghìn người; cứu được 1.410 người, tìm kiếm 580 xác nạn nhân bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cùng các chuyên gia trao đổi về thiết bị PCCC.

Qua đó khẳng định được vị trí nòng cốt và khả năng xử lý giải quyết đạt hiệu quả tốt các vụ sự cố, tai nạn xảy ra với các tình huống phức tạp  như vụ CNCH 49 người bị nạn trong vụ lật xe khách tại Lào Cai; chữa cháy, CNCH chung cư cao tầng tại Khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội năm 2015 (cứu và hướng dẫn thoát nạn được 408 người); cứu cháu bé bị rơi xuống giếng sâu tại Bình Dương năm 2015... được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

PV: Cục trưởng đánh giá như thế nào về tình hình triển khai áp dụng những quy định pháp luật cũng như điều kiện bảo đảm PCCC tại các tòa cao ốc và các trụ sở cơ quan… ở các thành phố lớn hiện nay?

Thiếu tướng, TS. Đoàn Việt Mạnh: Cuộc sống hằng ngày của của chúng ta gắn liền với những công trình xây dựng, ví dụ như nhà ở, văn phòng làm việc, nhà máy, trường học, nhà ga, khu mua sắm,…

Do vậy, những quy định đảm bảo an toàn sinh mạng cho con người thực chất là những quy định đề ra đối với các công trình xây dựng. Trước hết điều này có thể thấy rõ trong nội dung của các luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy.

Trong những Luật này đều đưa ra các quy định cơ bản đối với công tác thiết kế, thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, ngoài ra cũng có các quy định liên quan đến những yếu tố chính có thể gây ra các nguy cơ cháy hoặc tính nguy hiểm cháy trong từng loại nhà hoặc công trình, ví dụ như nhà ở, bệnh viện, nhà ga, nhà sản xuất…

Theo đó, vấn đề về đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ đã được đặt ra ngay từ đầu và là một trong số các nguyên tắc cơ bản của hoạt động đầu tư xây dựng.

Nguyên tắc này được quy định có tính hệ thống trong tất cả các giai đoạn khác nhau của quá trình triển khai hoạt động đầu tư xây dựng (ví dụ như các giai đoạn lập quy hoạch, lập dự án, thẩm định, phê duyệt dự án hoặc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng). Với từng nhóm dự án, cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy đã có sự phân cấp rõ ràng về mặt tổ chức để thực hiện các công tác chuyên môn.

Trong các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư của cả hai lĩnh vực PCCC và xây dựng cũng đều có những quy định cụ thể hơn liên quan trực tiếp đến công tác đảm bảo an toàn cháy cho nhà và công trình hoặc gián tiếp tạo cơ sở phục vụ cho công tác quản lý triển khai những quy định về đảm bảo an toàn cháy…

Như vậy có thể thấy, các quy định cơ bản của pháp luật liên quan đến đảm bảo an toàn cháy cho nhà và công trình xét theo góc độ là sản phẩm của hoạt động đầu tư xây dựng là tương đối đầy đủ và có tính hệ thống cho dù đây là một khía cạnh có tính chất giao thoa, đan xen giữa hai lĩnh vực quản lý nhà nước (PCCC và xây dựng).

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan nên việc triển khai áp dụng những quy định pháp luật như nêu trên vào những hoạt động đầu tư xây dựng trong thực tế vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc cần phải được nghiên cứu và tháo gỡ dần trong thời gian tới.

PV: Triển lãm Safety & Rescue Fire Vietnam - Secutech Vietnam 2016 có điểm gì mới giúp cho người dân chủ động tham gia công tác phòng ngừa cháy nổ hoặc an ninh an toàn cho các tòa nhà cao tầng, thưa Cục trưởng?

Thiếu tướng, TS Đoàn Việt Mạnh: Với quy mô 450 gian hàng, 250 đơn vị là các cơ quan, tổ chức, nhà sản xuất, cung cấp chuyên nghiệp hàng đầu về kỹ thuật, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, thiết bị an ninh, an toàn, bảo vệ đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Áo, Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Khu gian hàng của Tập đoàn UL, Hồng Kông, Indonesia, Italia, Malaysia, Nga, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc,  Đài Loan, Việt Nam,… triển lãm này là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực an ninh, an toàn, PCCC, CNCH, tổ chức tại Việt Nam.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH giải cứu một nạn nhân trong vụ sập nhà.

Triển lãm sẽ là nền tảng không thể thiếu giúp kết nối các nhà cung cấp trong và ngoài nước, phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm bảo mật giám sát, an ninh, an toàn, PCCC, CNCH với công nghệ tiên tiến nhất; là nơi thiết lập quan hệ mới, tìm kiếm và học hỏi, là sân chơi để các đơn vị trong ngành giới thiệu sản phẩm, kết nối nhà sản xuất, phân phối với người sử dụng; tăng cường trao đổi kinh nghiệm thực hành, thảo luận chuyên sâu về những nghiên cứu ứng dụng và ý tưởng mới từ chuyên gia hàng đầu của ngành an ninh, an toàn và PCCC, CNCH. 

PV:  Được biết, tại triển lãm này mọi người không chỉ được tham quan mà còn được trải nghiệm thực tế về kỹ năng thoát nạn, CNCH trong các tình huống khác nhau. Cục trưởng có thể chia sẻ thêm về kỹ năng rất cần thiết này?

Thiếu tướng, TS. Đoàn Việt Mạnh: Đúng vậy, tại triển lãm, để người dân có thể trải nghiệm thực tế về kỹ năng chữa cháy cũng như kỹ năng thoát nạn, CNCH trong các tình huống khác nhau.

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Trường Đại học PCCC, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội sẽ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, trải nghiệm về kỹ năng thoát nạn từ trên cao, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu và các kỹ năng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nói chung và kỹ năng xử lý sự cố trên phương tiện giao thông cơ giới… cho người dân, học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân viên và khách đến tham quan triển lãm.

PV: Cảm ơn Thiếu tướng đã dành cho Báo CAND cuộc trao đổi này!

Minh Hiền (thực hiện)
.
.