Trại giam Thanh Lâm: 30 năm tình đất, tình người

Thứ Tư, 01/04/2009, 17:32
Tạm biệt Trại giam Thanh Lâm, tôi chợt nhớ đến lá thư của ông Phan Văn Bảng, ở xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định: "Tôi biết đến Trại giam Thanh Lâm qua các phương tiện thông tin đại chúng nên mong muốn con mình được cải tạo tại đây…".

Lần đầu tiên, tôi đến Thanh Lâm vào đúng dịp Tết ông Công, ông Táo để tham dự buổi lễ công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước (17/1/2009). Không khí náo nức làm tan đi cái lạnh cắt da, cắt thịt ở miền sơn cước phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Lần thứ hai trở lại nhằm tiết Thanh minh, cây cỏ như xanh hơn, mượt mà hơn. Và đây cũng là lúc Thanh Lâm kỷ niệm lần sinh nhật thứ 30 (20/3/1979 - 20/3/2009) và đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Phạm nhân trại Thanh Lâm học nghề mộc...

Đi giữa bạt ngàn màu xanh của vải thiều, luồng, xà cừ, dổi, lát…, bất chợt tôi nhớ đến "đặc sản" ruồi vàng, bọ chó, gió Lào… mà nhiều người ám chỉ sự khắc nghiệt của Thanh Lâm khi xưa. Quả thực, khi "mở đất", 52 cán bộ, chiến sỹ, những người được Cục Quản lý trại giam giao nhiệm vụ xây dựng Khu sản xuất Thanh Lâm đã từng được ruồi vàng, bọ chó nơi rừng thiêng nước độc này "đón chào". Những chiến sỹ đến từ mọi miền quê của Tổ quốc bắt tay vào việc phát quang cây cối, chặt gỗ dựng nhà. Họ xây dựng khu hành chính, khu nhà ở cho phạm nhân, khai hoang để có đất sản xuất nông nghiệp…

Mục đích của khu sản xuất Thanh Lâm lúc này là quản lý số đối tượng mãn hạn tù được tha ở các trại giam đến cư trú bắt buộc, đối tượng hình sự tập trung cải tạo, gián điệp, biệt kích... Với diện tích được giao lúc đầu là 2.758ha, chủ yếu là rừng rậm, đất trống, đồi núi trọc, để biến rừng thành nhà, thành cơm áo, những chiến sỹ Cảnh sát Trại giam vượt qua biết bao gian nan. Chi bộ Đảng đầu tiên chỉ có 8 đảng viên, họ là nòng cốt để xây dựng bộ máy tổ chức, hành chính.

Nếu bây giờ, Trại giam Thanh Lâm có hàng trăm ha đất sản xuất, 163ha rừng trồng, chăm sóc bảo vệ 1.700ha rừng nguyên sinh thì khi mới ra đời, để có hơn 30ha đất sản xuất nông nghiệp, những chiến sỹ đi mở đất đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức. Trong cái nóng hầm hập của gió Lào và nắng. Trong cái rét run nhưng toát mồ hôi hột do bệnh sốt rét hành hạ, họ đã không ngã gục.

Đại tá Nguyễn Xuân Phòng, Giám thị trại giam hôm nay và là 1 trong 8 đảng viên của Chi bộ Đảng đầu tiên khi thành lập Khu sản xuất Thanh Lâm vẫn còn nguyên vẹn xúc cảm của những ngày đầu đặt chân đến vùng đất này. Ông Giám thị tóc đã bạc trắng nhưng vóc dáng khỏe mạnh đã không giấu giếm khi cho biết, lần đầu bước chân vào đây, ông không thể nghĩ mình lại gắn bó với miền sơn cước này lâu như vậy. Nhưng ở rồi thì không thể dứt, tình đất, tình người mà. Chẳng thế mà nhà thơ Chế Lan Viên từng viết "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở".

Thật khó tin, khi cách đây 30 năm vùng đất cách thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) 100km, cách trung tâm huyện lỵ Như Xuân 30km, nơi mà vào mùa mưa, hoàn toàn bị cô lập với xung quanh lại trở thành nơi cải tạo và nuôi dưỡng hàng chục nghìn con người lầm lỗi. Để rồi có người khi trở về không quên những ngày ở Thanh Lâm và có cả những người ở lại đây dựng nghiệp.

Ông Lương Xuân Thủy, quê ở tỉnh Thái Bình và ông Bun Thanh, người ở tỉnh Luông Pha Băng, nước bạn Lào là điển hình. Ông Thủy đã lấy vợ, sinh hai con, một trai, một gái trong chính ngôi nhà mà cán bộ, chiến sỹ Trại giam Thanh Lâm đã chung tay dựng lên. Còn ông Bun Thanh khi đi làm nghề mộc cho người dân trong vùng đã được con gái một gia đình "ưng mắt'. Nửa năm sau, họ lập gia đình. Hiện nay, ông Bun Thành đã là một chủ trang trại với nguồn thu nhập từ rừng, vườn, chuồng.

Khu sản xuất Thanh Lâm chuyển đổi thành trại giam từ năm 1989 với quy mô giam giữ từ 800-1.000 phạm nhân. Hiện nay, theo Quyết định số 242/2002/QĐ-BCA ngày 1/2/2002, Trại giam Thanh Lâm có 6 phân trại, quy mô giam giữ là 5.000 phạm nhân. Khi chúng tôi đến, trại đang xây mới Phân trại số 6 và cải tạo, nâng cấp các phân trại giai đoạn hai nhằm đáp ứng quy mô giam giữ mà Bộ Công an đã phê duyệt.

Dẫn chúng tôi đi tham quan dãy nhà giam giữ đang hoàn thiện tại khu trung tâm chỉ huy, đồng chí Giám thị cho biết, đây là mô hình xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại lần đầu áp dụng trong trại giam. Quả thực, khi vào trong, chúng tôi mới thấy hết tính hữu dụng trong việc thiết kế. Nó vừa đảm bảo an toàn trong giam giữ, vừa tiện dụng trong sinh hoạt. Thay vì bệ xi măng lạnh lẽo, hai bên được lát gạch hoa. Ở giữa là khoảng không gian chung, phía trên là dãy quạt trần, quạt thông gió. Vị trí trung tâm là chỗ đặt tivi, vệ sinh khép kín. Mỗi tầng đều có nhà ăn riêng.

Cảm hóa, cải tạo và giáo dục 2.839 phạm nhân là nhiệm vụ trọng tâm của trại. Để làm được điều này, ngoài xây dựng hạ tầng, cán bộ, chiến sỹ còn thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của ban giám thị. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chấp hành tốt điều lệnh CAND… thường xuyên được 100% cán bộ, chiến sỹ thực hiện nghiêm túc.

Tôi đến Phân trại C3, nơi cách xa trung tâm chỉ huy 15km, đường đi toàn đèo dốc, suối sâu và nhìn thấy đồng chí quản giáo trẻ tên là Thắng trong bộ quân phục Cảnh sát phẳng phiu mặc dù anh đang làm nhiệm vụ của ông chủ mô hình VRC (vườn, rừng, chuồng). Ngoài diện tích trồng sắn, Thắng còn quản lý khu chăn nuôi lợn, gà.

Khách đến đúng lúc Thắng đang xăng xái cùng hai phạm nhân quê ở Phú Thọ chuẩn bị cho lợn ăn. Tôi cười hỏi, khi đăng ký thi vào trường Công an, có bao giờ anh nghĩ mình lại gắn liền với công việc nhà nông không, thì đồng chí Cảnh sát trẻ chỉ cười.

Tôi cũng đến thăm lớp học xoá mù, một lớp học thật đặc biệt bởi học sinh có người đã ở tuổi 50, trẻ nhất cũng 16 tuổi. Đứng lớp cũng là phạm nhân, nguyên thầy giáo cấp hai Bùi Văn Bình. Khi nghe cả lớp đồng thanh đọc U, Ư, có cái gì đó thật cảm động. Để những phạm nhân này khi trở về dễ dàng hòa nhập với cộng đồng, những chiến sỹ làm công tác giáo dục đã rất nhọc công tra cứu hồ sơ, thẩm định và thành lập lớp.

Nhờ những lớp học đặc biệt này, nhiều phạm nhân khi trở về đã tự tin hơn khi hòa nhập với cộng đồng nhờ đọc thông, viết thạo. Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao cũng là liều thuốc tinh thần để phạm nhân yên tâm cải tạo. Những đêm văn công về mà chúng tôi có dịp gặp khi đến đây vào dịp đặc xá có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Và tăng gia sản xuất.

Học đi đôi với hành, chính vì thế việc đào tạo nghề, bố trí công việc phù hợp cho phạm nhân là mối quan tâm hàng đầu của Ban Giám thị. Hiện nay, 2.839 phạm nhân đều được bố trí công việc tùy vào sức khỏe, tay nghề. Điển hình phải kể đến các xưởng sản xuất gia công làm bóng, xưởng mộc… Tìm kiếm những phạm nhân có tay nghề để dạy nghề, truyền nghề cho các phạm nhân khác là cách đào tạo nghề có hiệu quả. Phạm nhân Lê Văn Thắng, quê ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, Tổ trưởng tổ mộc, người vừa được đặc xá trong dịp Tết Kỷ Sửu là một ví dụ.

Tạm biệt Trại giam Thanh Lâm, tôi chợt nhớ đến lá thư của ông Phan Văn Bảng, ở xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông Bảng viết: "Tôi có con trai là Phan Văn Bách, SN 1978, phạm tội tàng trữ chất ma túy trái phép, bị TAND tỉnh xử phạt 7 năm tù giam. Tôi biết đến Trại giam Thanh Lâm qua các phương tiện thông tin đại chúng nên mong muốn con mình được cải tạo tại đây…".

Sự tin tưởng của người dân có con đang cải tạo trong trại là món quà vô giá đối với cán bộ, chiến sỹ Trại giam Thanh Lâm, các anh thật xứng đáng với phần thưởng cao quý - Huân chương Chiến công hạng Nhất do Nhà nước trao tặng

Cao Hồng
.
.