Trả lại cho đời những con người hoàn lương

Thứ Ba, 10/04/2012, 10:53
Trong 5 năm (2007-2012), Trại giam Tống Lê Chân đã trả lại cho xã hội 2.465 con người hoàn lương. Để có được thành quả ấy không chỉ công lao mà là cả tâm huyết của cán bộ chiến sỹ của trại.

Những người lần đầu đến Trại giam Tống Lê Chân đóng ở xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước), đều trầm trồ, thán phục khi đứng trước nhà làm việc, ăn ở của cán bộ, chiến sĩ cũng như nơi ở, sinh hoạt của phạm nhân được xây dựng đồng bộ, hiện đại, khang trang, văn minh và sạch đẹp.

Để có được cơ ngơi đó, cán bộ, chiến sỹ đã và đang công tác ở đây phải vượt qua “một thời gian nan, khó khăn, thiếu thốn”. Nhà cửa là những cây rừng, tranh, tre, nứa, lá rừng đan lại để giam giữ phạm nhân (năm 1980 có 5.000 phạm nhân) và làm nơi sinh hoạt, làm việc của cán bộ, chiến sỹ.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều bom mìn của Mỹ - ngụy để lại, chất độc hóa học tàn phá môi trường hoang tàn, không có dân cư, giao thông đi lại chủ yếu là đường mòn; 6 tháng mùa khô thì nắng bụi, thiếu nước sinh hoạt; 6 tháng mùa mưa thì lầy lội. Khó khăn, vất vả, thiếu thốn là vậy, song được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp và sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, chính quyền và nhân dân địa phương; cùng với sự đồng cam cộng khổ, quyết tâm phấn đấu không mệt mỏi của cán bộ, chiến sỹ đã đưa đơn vị từng bước phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Các phạm nhân đang tập văn nghệ.

Phạm nhân thụ án ở trại phần lớn phạm các tội: cướp, cướp giật, trộm cắp, giết người; trong đó gần 1/2 có tiền án (có phạm nhân 6 tiền án), số lượng phạm nhân có HIV/AIDS chiếm 10%, nhiều phạm nhân mù chữ... do đó công tác quản lý, giáo dục gặp rất nhiều khó khăn (nhất là số có HIV giai đoạn cuối bất cần đời, không chịu cải tạo). Quy chế trại giam thì phải thực hiện nghiêm là chuyện không thể bàn cãi, nhưng cán bộ, chiến sỹ Trại Tống Lê Chân khuất phục các phạm nhân cứng đầu bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đầy tính nhân đạo và nhân văn. 

Không chỉ xây mới, sửa chữa khang trang sạch sẽ, mà mỗi buồng ở của phạm nhân đều được trang bị truyền hình kỹ thuật số; các phân trại đều có hệ thống loa đài, thư viện đọc sách, hội trường học tập của phạm nhân được đầu tư khang trang và hằng ngày tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho phạm nhân. Hằng năm tổ chức khám chữa bệnh cho phạm nhân, kịp thời chuyển điều trị tuyến trên hàng trăm lượt phạm nhân bị bệnh nặng. Từ năm 2007 đến nay không để phạm nhân nào suy kiệt, tử vong không bình thường trong trại. Đặc biệt số phạm nhân có HIV/AIDS, bị bệnh lao phổi, viêm gan B được động viên thường xuyên và hằng tháng có chế độ bồi dưỡng vật chất. Chính từ sự quan tâm, giúp đỡ, giáo dục đó, từng bước cảm hóa, giáo dục những người phạm tội, tạo cho họ yên tâm, tin tưởng vào chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, thi đua học tập, cải tạo, mong muốn được sớm trở về gia đình và hòa nhập cộng đồng.

 Đầu tháng 10/2010, trại đã đưa hệ thống xử lý nước sạch 150m3/ngày của phân trại 3 vào sử dụng, với kinh phí xây dựng hơn 1 tỷ đồng. Trước đó (năm 2007), đã xây dựng 2 hệ thống xử lý nước sạch (hết 2 tỷ đồng) cung cấp nước sinh hoạt, ăn uống cho phạm nhân phân trại 1 và phân trại 2 đảm bảo vệ sinh, để phạm nhân có sức khỏe yên tâm cải tạo. 

Ngoài tiêu chuẩn quy định, hằng tháng trại còn cho phạm nhân ăn thêm mỗi người trị giá 40.000 đồng và hỗ trợ một phần vật chất khi phạm nhân ra trại. Những phạm nhân “đạt thành tích xuất sắc trong cải tạo” được khen thưởng bằng hiện vật là 50.000 đồng đưa vào sổ lưu ký.

Đại tá Trần Đình Tâm, Giám thị Trại Tống Lê Chân cho biết: “Đây không chỉ có giá trị về vật chất, giúp cho phạm nhân có thêm sức khỏe, mà còn là nguồn động viên, khích lệ để phạm nhân an tâm cải tạo, chấp hành tốt quy chế trại giam sớm được trở về với gia đình và cộng đồng”. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình thương, tấm lòng bao dung, độ lượng của cán bộ, chiến sỹ Trại Tống Lê Chân dành cho những người lầm lỗi đang tìm lại những gì đã mất. 

Trong 5 năm (2007-2012), có 7.765 phạm nhân cải tạo tiến bộ được xét giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn (có 2.465 phạm nhân được đặc xá, giảm hết án). Cùng thời gian, trại tổ chức các lớp học văn hóa xóa mù chữ cho 530 phạm nhân, tổ chức dạy nghề (chế biến nông sản, xây dựng, mộc, đan lát…) cho hàng ngàn phạm nhân. Khi được trở lại với cộng đồng, có tay nghề, họ tìm được việc làm ổn định, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội

Công Trường
.
.