Tổng cục An ninh I – Bộ Công an: Quán triệt Luật Phòng chống khủng bố

Thứ Sáu, 13/06/2014, 09:55
“Kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, hoạt động khủng bố và tài trợ khủng bố. Việc ban hành Luật Phòng, chống khủng bố là yêu cầu khách quan, cấp bách, xuất phát từ yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới” – là ý kiến thống nhất đánh giá của các đại biểu dự Hội nghị Quán triệt Luật Phòng chống khủng bố của Tổng cục An ninh I – Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội, sáng 13/6.

Đấu tranh phòng chống khủng bố hiện là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia. Xây dựng Luật Phòng chống khủng bố nhằm góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và đáp ứng tình hình thực tế trong nước và quốc tế.

Ngày 12/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phòng, chống khủng bố. Để quán triệt Luật Phòng, chống khủng bố, ngày 7/10/2013, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCA về việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống khủng bố trong Công an nhân dân. Luật gồm 8 chương, 51 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2013.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Luật quy định về nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng phòng chống khủng bố, hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống khủng bố; quy định các nhóm chính sách sẽ được thực hiện để bảo đảm hiệu quả công tác phòng chống khủng bố. Luật cũng đề cập đến vấn đề chống khủng bố, phát hiện khủng bố; tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về khủng bố; biện pháp chống khủng bố; chống khủng bố tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗ ở của thành viên cơ quan này. Luật Phòng chống khủng bố còn có quy định cụ thể về nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm hợp tác quốc tế trong phòng chống khủng bố; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong phòng chống khủng bố.

Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về phòng chống khủng bố; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ, chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành liên quan; UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về phòng chống khủng bố. Bộ Công an là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành luật này…

Tại Hội nghị Thiếu tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I, Bộ Công an nhấn mạnh: Luật Phòng chống khủng bố được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế; kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam, hoạt động khủng bố và tài trợ khủng bố. Việc xây dựng Luật bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với chính sách đối nội, đối ngoại của nước ta. Quá trình soạn thảo Luật đã tổng kết đầy đủ, toàn diện công tác phòng chống khủng bố ở nước ta, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm các nước. Bên cạnh đó, việc xây dựng luật góp phần tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác phòng chống khủng bố và tài trợ cho khủng bố, bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam và có tính khả thi...

Việt Hưng – Xuân Mai
.
.