Tổ chức học lại và kiểm tra luật cho người bị tước GPLX: Thực hiện nghiêm, kiềm chế mạnh vi phạm

Thứ Sáu, 12/04/2013, 16:39
Sau khi Bộ Công an và Bộ GT-VT có Thông tư Liên tịch quy định các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị tước Giấy phép lái xe (GPLX) từ 60 ngày trở lên phải học lại luật, Công an TP Hà Nội đã quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ nắm nội dung; tổ chức việc học và kiểm tra lại cho người bị tước GPLX. Cho đến thời điểm này, nhiều lớp học một ngày đã được tổ chức thành công, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
>> Tổ chức học lại Luật Giao thông cho người bị tước GPLX

8h sáng thứ năm (11/4), gần 50 người tham gia lớp học lại Luật Giao thông, do Phòng CSGT tổ chức đã có mặt đông đủ tại hội trường tầng 3. Không quá căng thẳng, song ai nấy từ người lớn tuổi, đến trẻ tuổi, đều ý thức được rằng, có học hành nghiêm chỉnh, thì mới làm tốt bài thi, điều này cũng đồng nghĩa với việc sớm được nhận lại Giấy phép lái xe, để thuận lợi hơn trong việc chủ động lưu thông trên đường. Giảng viên của lớp học hôm nay là Đại úy Nguyễn Khắc Bốn và Thượng úy Nguyễn Thị Hồng, cán bộ Đội khám nghiệm và tuyên truyền. Là người từng chứng kiến, xử lý nhiều trường hợp vi phạm, gây tai nạn, Đại úy Bốn cho rằng, nếu theo khuôn mẫu, thì học viên sẽ khó tiếp thu, nên lớp học được tổ chức như buổi nói chuyện về an toàn giao thông.

Vào lớp, học viên khá chăm chú nghe giảng viên nói về những vụ tai nạn nghiêm trọng đã từng xảy ra, để lại nỗi thương tâm cho người thân. Bên cạnh đó, các giảng viên cũng đưa ra những lỗi mà người đi đường dễ mắc phải, như đi vào đường cấm, đường ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, vượt không đúng quy định; ôn lại những biển báo hay gặp trên đường, hay cách xử lý với tình huống đường không có biển báo...

Lãnh đạo Phòng CSGT đang lắng nghe và giải đáp một số thắc mắc của học viên trong lớp học.

Sau khi nghe giảng, học viên sẽ làm một bài kiểm tra về nhận thức đối với an toàn giao thông. Trong 20 câu hỏi kiểm tra, lái xe ôtô trả lời đúng 16 câu trở lên là đạt yêu cầu; còn với lái xe môtô sẽ phải làm bài trắc nghiệm với 10 câu hỏi, trả lời đúng 8 câu là đạt. Đặc biệt, trong quá trình học, kiểm tra, những người vi phạm không phải đóng bất cứ khoản phí nào.

Song, theo Đại úy Nguyễn Khắc Bốn, không phải người lái xe nào sau khi nhận bằng  cũng hiểu hết luật. Bởi thực tế, có nhiều lớp học được mở, sau khi kiểm tra có tới 1/3 người vi phạm viết bài không đạt theo yêu cầu. Tuy nhiên, người học có thể nhận thức được mối nguy hiểm, khi vi phạm an toàn giao thông và tuyên truyền cho người thân, bạn bè sau lớp học này.

Trung tá Phạm Văn Hậu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội thì chia sẻ: Để tạo điều kiện cho người ngoại tỉnh về học luật, người vi phạm được bố trí học, thi và nhận chứng chỉ trong cùng một ngày. Trong năm 2012, Phòng CSGT Hà Nội đã hướng dẫn kiểm tra lại luật cho 648 trường hợp vi phạm giao thông bị tước GPLX 60 ngày. Thế nhưng, kết quả thi đạt lần 1 là 348 trường hợp chỉ đạt khoảng 53,7%. Học viên thi lại đạt lần 2 là 248 trường hợp (38,3%); thi lại lần 3 có 29 trường hợp và thậm chí có tới 23 trường hợp thi lại lần 4. Qua những lớp học thế này, mới hay còn một bộ phận người dân khi vi phạm luật, dường như không có ý thức phải học lại luật, nếu có học thì theo kiểu đối phó, nên thể hiện ngay qua kết quả bài thi. Để người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông ngày một tốt hơn, nên có chế tài nghiêm khắc với những trường hợp học lại nhiều lần, mà không thi đỗ, như tước bằng lái xe vĩnh viễn, hoặc phải vào cơ sở đào tạo thi lại cả lý thuyết, lẫn thực hành

Thanh Huyền
.
.