Tìm thấy mộ của 1 liệt sỹ thuộc Đội cảm tử Quốc gia tự vệ cuộc

Thứ Tư, 05/08/2009, 18:09
Liệt sỹ Trần Chiên là trong 5 liệt sỹ Đội cảm tử Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ hy sinh anh dũng trong trận "hoá trang kỳ tập" đánh Sở chỉ huy quân đội Pháp tại thị trấn Cái Răng - Cần Thơ sáng 12/11/1945 ngay sau khi Pháp tái chiếm thị trấn chưa đầy hai tuần.

Đội cảm tử ấy bao gồm: Lê Bình, Trưởng Quốc Gia Tự vệ cuộc Cần Thơ - Đội trưởng Đội cảm tử, sinh năm 1924, quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh; Bùi Quang Trinh (là anh trai của nhà văn Bùi Đức Ái tức Anh Đức), Phó trưởng Quốc gia Tự vệ cuộc Cần Thơ, quê ở An Giang; và các đội viên Đội cảm tử: Cao Minh Lộc, quê ở huyện Châu Thành, Cần Thơ; Lê Nhựt Tảo, quê xã Vĩnh Xuân, Cầu Kè, Cần Thơ - nay thuộc Vĩnh Long và Trần Chiên (Trần Mai), SN 1914, quê ở xã Hải Trung, Hải Hậu, Nam Hà - nay là Nam Định. Cả năm liệt sỹ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ mang trong mình bầu nhiệt huyết "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Trần Chiên sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cha là nhà nho bốc thuốc đông y, mẹ làm ruộng tầm tang canh cửi. Là con thứ hai trong gia đình có anh trai và một em gái. Trước năm 1936 Trần Chiên làm công nhân ở mỏ than Mông Dương - Quảng Ninh, bị đuổi việc vì tham gia phong trào công nhân chống lại chế độ hà khắc của thực dân Pháp. Năm 1939 anh vào Cần Thơ làm ăn sinh sống và tại đây, từ năm 1941 anh tham gia hoạt động cách mạng, bị địch bắt giam tù ở Côn Đảo. Năm 1945 ra tù tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.

Sau Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, là đội viên Quốc gia Tự vệ cuộc Cần Thơ bảo vệ chính quyền non trẻ. Vì hoạt động ở xa, không có điều kiện trao đổi thông tin do vậy, chỉ đến khi nghe tin anh hy sinh trong trận đánh Cái Răng - Cần Thơ gia đình mới biết anh tham gia ngành Công an.

Theo ông Trần Điển - cán bộ quân đội nghỉ hưu hiện ở khu tập thể Nam Đồng - Hà Nội - cháu ruột liệt sỹ thì từ sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, gia đình đã tìm kiếm mộ chú mình trong nhiều năm. Trước đây thân phụ ông Điển cũng đã hai lần khăn gói vào Cần Thơ đi tìm kiếm mộ em nhưng không kết quả.

Nhiều năm sau ông Điển lại thay cha tiếp tục việc nghĩa thiêng liêng này. Từ những thông tin mà ông có được, đã nhiều lần ông tìm đến các cơ quan, đơn vị chức năng tại Cái Răng - Cần Thơ hy vọng biết thêm những thông tin về nơi yên nghỉ của chú ruột mình, nhưng công việc vẫn không kết quả.

Giữa tháng 7/2007, ông bà Điển liên hệ với Sở LĐTBXH và Công an TP Cần Thơ sau đó về phường Lê Bình rồi lên quận Cái Răng. Tại đây, ông bà nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin thể thao quận và lãnh đạo Phòng Tuyên huấn quận Cái Răng nên việc đi lại và tìm địa danh rất thuận lợi nhanh chóng.

Theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm, ông bà đã biết thêm những thông tin quan trọng qua các cụ cao niên trong vùng được chứng kiến trận đánh ngày ấy, từ đó khoanh vùng tìm kiếm. Sau gần một tuần tìm kiếm cuối cùng vào buổi chiều hôm ấy, ông bà đến một bãi bồi ở ngã ba sông có tên gọi là Doi Ma thuộc tổ 3, khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng, đây là một dẻo đất hoang vắng, dân cư thưa thớt, cỏ mọc um tùm, đâu đó có những ngôi mộ hoang sơ bị cỏ mọc che lấp.

Được một người dân chèo đò chỉ dẫn về mấy ngôi mộ vô danh cách nhà dân ở chừng 25 - 30m trong đó có một ngôi mộ nhô cao lùm lùm như chiếc nón úp, cỏ mọc lưa thưa, còn những ngôi mộ khác bị xói mòn bằng địa. Linh tính mách bảo, ông bà đặt lễ phẩm đơn giản chỉ có hương, hoa lên thân một cây to gần đấy, lên hương nhất tâm thành kính cầu khấn thần linh thổ địa xin được linh ứng cho biết mộ liệt sỹ Trần Chiên có "cư ngụ" trên địa hạt này không?

Cẩn thận hơn, trước đó ông Điển đã tìm hiểu phong tục tập quán chôn liệm ở vùng sông nước này. Thời Pháp thuộc, khi liệm, thi thể thường lót lá dừa nước và chèn bằng bông gòn, thời Mỹ - nguỵ, nếu là liệt sỹ thường bọc bằng nilon, có trường hợp chôn kèm theo di vật. Khi mở ván thiên ra, bên trong đầy nước. Ông khoát nước ra ngoài, dần dần những nhúm bông gòn bị hoại cùng vỏ đen hạt bông từ từ nổi lên. Bất ngờ, mừng vui, tiếng nấc nghẹn ngào bật ra cùng với sự xúc động của bà con tổ dân phố đến chứng kiến như cũng tìm được người thân. Ông Điển nhẹ nhàng, cẩn thận lần tìm từng li từng tí trong áo quan những phần còn lại của chú mình: một phần hộp sọ, một số xương chi, một cái răng (đúng như những gì nhà ngoại cảm đã dự báo).

Không còn nghi ngờ gì nữa, hai ông bà trịnh trọng báo cáo chính quyền địa phương cho phép tổ chức lễ truy điệu tại chỗ và chuyển hài cốt liệt sỹ vào chiếc ba lô nhanh chóng lên đường trở về quê hương trong niềm xúc động nghẹn ngào của bà con chòm xóm Doi Ma - nơi mà liệt sỹ Trần Chiên đã được chăm sóc hương khói suốt hơn sáu chục năm qua.

Khi tâm sự với chúng tôi, qua một số tài liệu quý mà trước đây thân phụ ông Trần Điển khi còn sống đã thu thập sưu tầm với tâm nguyện đi tìm hài cốt liệt sỹ - em ruột mình, cùng những văn bản giấy tờ liên quan khác, được biết hiện nay Công an Cần Thơ vẫn tiếp tục hoàn tất thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền xét truy tặng vinh danh xứng đáng cho các liệt sỹ trong trận "Hoá trang kỳ tập" ngày ấy tại Cái Răng. Ông hy vọng niềm tin ấy sẽ trở thành hiện thực trong một ngày gần đây.

Riêng về phần mộ tưởng niệm các liệt sỹ tại Nghĩa trang Cần Thơ, hiện nay đã có phần mộ của 3 liệt sỹ: Lê Bình - Anh hùng LLVTND, Bùi Quang Trinh và Cao Minh Lộc, song có lẽ vì một lý do nào đó mà mỗi ngôi mộ lại khắc ngày hy sinh không giống nhau(?). Lịch sử đã ghi nhận sự kiện ấy từ hơn 60 năm nay, việc thống nhất về thời gian ghi trên bia mộ các liệt sỹ trong cùng một trận đánh, trên cùng một địa bàn, cùng thời điểm ngày ấy là việc cần thiết bởi tính lịch sử của sự kiện.

Với ông Điển, mặc dù phần mộ của người thân đã tìm thấy, song từ trong sâu thẳm tận đáy lòng mình, ông hiểu rằng cả 5 chiến sỹ trong trận đánh Cái Răng, họ chiến đấu và hy sinh trong sự đoàn kết hiệp đồng, cùng vào sinh ra tử, sẽ mãi mãi sát cánh bên nhau cho dù thời gian có qua đi, cho dù đến nay có người đã trở về, có người chưa.

 Vì thế ông mong muốn rằng để giáo dục truyền thống đối với các lớp lớp thế hệ mai sau về lòng dũng cảm, đức hy sinh vì độc lập tự do mà các thế hệ cha anh đi trước, trong một ngày gần đây anh sớm sẽ được vinh danh công trạng xứng đáng như với tầm vóc ý nghĩa của trận "Hóa trang kỳ tập".

Liệt sỹ Trần Chiên - Anh đã trở về cùng đồng đội ở nghĩa trang quê nhà. Bài viết này thay một nén tâm nhang thành kính dâng lên hương hồn các anh hùng liệt sỹ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho mùa xuân của đất nước

Thuỳ Linh (theo lời kể của ông Trần Điển)
.
.