Tìm giải pháp mới cho phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Thứ Hai, 10/11/2014, 18:16
Chiều 10/11, Học viện CSND phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an) tổ chức hội thảo khoa học: “Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo”.

Các tham luận tại hội thảo đều khẳng định, một trong những thách thức không nhỏ trong thời đại “thế giới phẳng” chính là vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Hội thảo cũng đã làm rõ tình hình tổ chức phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ở nước ta, xác định những yêu cầu của thực tiễn đối với công tác đào tạo cán bộ, từ đó, rà soát lại nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu, phương pháp, phương tiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Nhật, Phó Giám đốc Học viện CSND đang chủ trì hội thảo

Theo Thiếu tướng, TS. Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thì tội phạm công nghệ cao tại Việt Nam có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp đang gây ra những hậu quả, thiệt hại lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Thực tế cho thấy, các website, cổng thông tin điện tử của Việt Nam đã và đang trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên của tin tặc với số lượng lên đến hàng ngàn website mỗi năm. Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản cũng diễn biến khó lường; tình trạng trộm cắp, gian lận cước viễn thông quốc tế có chiều hướng gia tăng. Dưới góc độ đào tạo thì theo Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND cho biết, chương trình đào tạo chuyên ngành trinh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao mặc dù đã được hoàn thiện một bước nhưng đến nay vẫn còn những quan điểm chưa thống nhất; hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu phục vụ cho sinh viên chuyên ngành này hiện nay vẫn rất thiếu. Bên cạnh đó, nội dung dạy học vẫn còn tình trạng chưa gắn kết giữa phần nghiệp vụ với phần kỹ thuật nên còn nặng lý thuyết, chưa sát với thực tiễn, chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng thảo luận nhiều giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách có đủ phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ, am hiểu về khoa học kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trước mắt và lâu dài.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Ngư, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, một trong những nhiệm vụ cấp bách là phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tiến tới xây dựng một bộ luật chuyên ngành về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; đồng thời phải tăng cường hợp tác trên lĩnh vực này ở cấp độ đa quốc gia. Còn theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, trước hết cần phải xác định đầy đủ các phẩm chất cần có và riêng có của cán bộ cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên chuyên ngành này tại các trường CAND, trong đó phải có hiểu biết sâu sắc về đặc điểm, phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên ngành cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phải có đủ trình độ lý luận và thực tiễn; tăng cường đầu tư, trang thiết bị hiện đại hóa các phòng học chuyên dùng dành cho giảng dạy về chuyên ngành này…

Chung quan điểm này, Đại tá Cấn Văn Chúc, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an đề xuất các trường CAND phải rà soát thực trạng đội ngũ giảng viên chuyên ngành, xác định rõ nhu cầu, tiêu chí và kế hoạch, lộ trình tuyển chọn bổ sung giảng viên; thực hiện công tác luân chuyển giảng viên về đơn vị ở Bộ Công an hoặc công an các địa phương để làm công tác thực tiễn…

Thu Phương
.
.