Công an các tỉnh miền Trung:

Tiếp tục bám sát cơ sở, giúp dân ổn định cuộc sống sau bão, lụt

Thứ Hai, 21/10/2013, 07:14
Ngày 20/10, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn còn hơn 400 hộ dân ở các vùng thấp trũng bị ngập lụt, sinh hoạt và đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn trắc trở.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết: Sau bão, lụt thường có những tai nạn không đáng có xảy ra nên lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cho các thôn, xã cương quyết không cho người dân ra ruộng, sông để đánh bắt thủy sản. Tại những khu vực bị sạt lở, cũng đã cắm biển báo nguy hiểm để người dân phòng tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công an TP Huế và các huyện vẫn bám cơ sở để giúp dân sửa chữa lại nhà cửa đã bị bão, lụt làm sập đổ, tốc mái; dọn dẹp vệ sinh môi trường, đề phòng dịch bệnh, ổn định cuộc sống và sản xuất...

* Tại tỉnh Quảng Nam, các lực lượng Công an, Quân đội… được điều động xuống những địa bàn bị thiệt hại do bão, lụt vẫn đang tích cực cùng chính quyền địa phương và nhân dân dựng lại nhà cửa bị sập và tốc mái, vệ sinh xóm, làng để khôi phục lại cuộc sống bình thường cho bà con.

Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Duy Xuyên, thổ lộ: “Hiện tại chúng tôi ưu tiên công tác chăm sóc, điều trị cho những người bị thương do bão, lụt; tiếp đến là sửa chữa nhà cửa bị sập, tốc mái cho bà con để sớm ổn định đời sống”.

* Tại tỉnh Quảng Bình, mưa to kết hợp với triều cường đã làm ngập trên 10.000 nhà dân ở các địa phương. Một số tuyến đường giao thông quan trọng như đường Hồ Chí Minh, QL12A, cầu Cha Lo 3, đường 15 có nhiều đoạn bị ngập nặng, nhiều nơi nước lũ dâng cao gây chia cắt giao thông hoàn toàn. Tuyến đường sắt Bắc - Nam cung Lệ Sơn - Đồng Lê cũng đã bị nước lũ gây sạt lở nghiêm trọng.

Tính đến nay, bão lũ ở Quảng Bình đã làm 6 người thiệt mạng, 30 người khác bị thương, hơn 730 nhà bị sập đổ, tốc mái và hư hỏng. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã kịp thời thăm hỏi các gia đình có người thiệt mạng, người bị thương nặng, nhà bị sập do bão lũ.

Công an huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế lợp lại nhà bị tốc mái cho người dân sau bão số 11.

Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Bình tiếp tục huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ Quân đội, Công an, Bộ đội Biên phòng xuống cơ sở giúp dân khắc phục hậu quả bão, lụt.

Ông Nguyễn Lương Bình, Phó Bí thư Huyện ủy Minh Hóa, cho hay: Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện trích từ ngân sách dự phòng của huyện hỗ trợ 4 hộ có nhà bị sập do bão lụt, với mỗi nhà 7 triệu đồng.

* Tại TP Đà Nẵng, bão số 11 đã làm 5.300 nhà sập và tốc mái. Lực lượng Công an thành phố và Công an các quận, huyện tiếp tục về cơ sở giúp dân dựng lại nhà, khắc phục hậu quả mưa bão.

Đội ngũ cán bộ công nhân viên các ngành như Giao thông, Điện lực, Cấp thoát nước, Tài nguyên môi trường... tăng ca làm việc liên tục nhằm sớm khắc phục sự cố điện lưới, nước sinh hoạt, giải phóng cây xanh ngã đổ trong bão. Đặc biệt, ngành Giáo dục sớm khắc phục cơ sở hạ tầng, ổn định trường lớp để việc dạy và học không bị gián đoạn.

* Tại Quảng Trị, UBND tỉnh tổ chức đoàn vận chuyển lương thực, nước uống, thuốc men ra hỗ trợ người dân trên đảo Cồn Cỏ. Đoàn công tác do ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu. Toàn đảo chỉ còn là khung cảnh tan hoang, xơ xác.

Con đường dài hơn 1km, mặt đường rộng hơn 2m chạy quanh đảo được xây dựng kiên cố bằng bê tông đã bị gió bão, triều cường phá nát nhiều đoạn. Hàng ngàn cây cổ thụ to từ 3 đến 4 người ôm đã bị gió bão quật gãy đổ la liệt. Trường Mầm non Hoa Phong Ba cũng bị bão làm sụp đổ.

Hiện, các anh bộ đội trên đảo đang tích cực nhặt nhạnh, lựa chọn những tấm tôn bay từ các nóc nhà còn tương đối lành lặn, lợp lại căn nhà tốc mái bên cạnh ngôi trường mẫu giáo đã đổ nát để cho việc dạy và học của cô và trò nơi đây không bị gián đoạn.

Ông Lê Quang Lanh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết: “Sau gần 10 năm xây dựng, nay huyện đảo Cồn Cỏ đã trở về con số không, 100% trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trụ sở UBND huyện và nhà dân đều đã bị sập và tốc mái hoàn toàn…”

Thanh Bình
.
.