Dấu ấn đóng góp của những người thầy - chiến sĩ Công an

Tiến sĩ 8X sở hữu 9 công trình khoa học

Thứ Tư, 20/11/2019, 09:09
Có một điều khá đặc biệt là trong số các giảng viên của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) có công trình được công bố trên Tạp chí ISI uy tín trên thế giới, rất nhiều người thuộc thế hệ 8X và 9X. Mặc dù là những cán bộ, giảng viên có tuổi đời còn trẻ nhưng bằng tâm huyết và niềm đam mê nghiên cứu khoa học, họ đã lần lượt cho ra đời những công trình nghiên cứu được quốc tế công nhận.

Đại úy, TS Tống Sỹ Tiến, giảng viên môn Vật lý đại cương, Bộ môn Khoa học cơ bản là một trong số những giảng viên như thế.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Vật lý, Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những “lò” đào tạo các môn khoa học cơ bản chất lượng cao của cả nước, chàng trai Tống Sỹ Tiến (SN 1981,  quê ở Vũ Thư, Thái Bình) đã trúng tuyển vào Trường Đại học PCCC trong đợt thi tuyển giảng viên. Đây có thể xem là một bước ngoặt quan trọng đối với giảng viên 8X khi cùng một lúc anh thực hiện được 2 ước mơ của mình, đó là vừa được làm thầy giáo đứng trên bục giảng để truyền cảm hứng, tri thức cho học trò, vừa được khoác trên mình màu áo công an- một hình mẫu đẹp mà anh thầm ao ước từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.

Trong vai trò là người thầy truyền cảm hứng, truyền thụ tri thức, đồng chí Tống Sỹ Tiến luôn tuân thủ phương châm không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy với mục tiêu người học là trung tâm, ứng dụng thực tế của bài học là mục đích của kiến thức. Anh đã viết nhiều sáng kiến kinh nghiệm phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy, viết 14 bài báo khoa học chuyên ngành, trong đó có 9 bài báo đã được đăng trên các tạp chí ISI uy tín; tham gia 2 đề tài khoa học cấp nhà nước, chủ nhiệm một số đề tài khoa học cơ sở. Biên soạn và biên dịch nhiều tài liệu dạy học; luôn dạy vượt định mức so với chức danh trong tất cả các năm học, trung bình mỗi năm dạy khoảng 500-600 giờ.

“Bí quyết” giảng dạy của anh là không áp đặt kiến thức, không tạo áp lực cho học viên, luôn truyền cảm hứng cho học viên để học viên luôn cảm thấy có động lực và hứng thú khi học bài. Anh chia sẻ: “Giảng viên phải sống trong bài giảng mới tạo ra sự cuốn hút đối với học viên. Giảng viên phải biết đặt ra các ra vấn đề, các tình huống thực tế để học sinh hứng thú tìm hiểu, đưa ra ví dụ. Từ những bài giảng, những tình huống thực tế đó, kiến thức lĩnh hội được là do học sinh tự lĩnh hội, tự tìm được chứ không phải do thầy áp đặt”.

Đại úy, TS. Tống Sỹ Tiến, giảng viên Bộ môn Khoa học cơ bản, Trường Đại học PCCC.

Từ năm 2017 đến nay, Đại úy Tống Sỹ Tiến còn tham gia Phụ trách quản lý phòng thí nghiệm vật lý Đại cương; phụ trách huấn luyện và dẫn đội tuyển Olympic vật lý nhà trường tham gia thi các kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc. Chí tính riêng trong 3 năm, từ 2017 đến 2019, các đoàn Olympic Vật lý của nhà trường do anh dẫn dắt đã giành về thành tích “khủng” với 4 giải nhất, 10 giải nhì, 3 giải ba và 3 giải khuyến khích.

Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã được nuôi dưỡng từ những năm tháng học tập tại “lò” Đại học quốc gia Hà Nội, TS Tống Sỹ Tiến luôn xem việc nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ quan trọng của mình. Chỉ trong vòng 6 năm, TS Tống Sĩ Tiến đã có 9 bài báo khoa học được đăng trên các Tạp chí ISI uy tín của Anh, Đức, Singapore. Trong đó, bài báo mới nhất của anh được đăng trên tạp chí khoa học có tuổi đời 60 năm của Anh vào năm 2019.

Để có được thành quả đáng tự hào này, anh luôn tranh thủ mọi lúc mọi nơi để nghiên cứu viết các bài báo khoa học. Kể cả những lúc đưa con đi học tiếng Anh tại trung tâm, anh vẫn mang máy tính tranh thủ để làm việc. Quan điểm nghiên cứu khoa học của anh là luôn  xác định không được thỏa mãn với những gì đã đạt được và cũng không bỏ cuộc trước các khó khăn hay bế tắc. Tất cả khó khăn đều có thể vượt qua được nếu như chúng ta đủ kiên trì và hăng say làm việc. Xuất phát từ tâm niệm đó, bản thân anh luôn duy trì làm việc với áp lực cao trong thời gian dài.

Chia sẻ về bài báo đầu tiên được đăng trên Tạp chí ISI quốc tế, Đại úy, TS Tống Sỹ Tiến cho biết: “Có thể xem mỗi một bài báo là một công trình nghiên cứu. Bài báo đầu tiên của tôi được đăng vào năm 2014, khi tôi 33 tuổi. Tôi đã phải viết đi viết lại và chỉnh sửa đến mười mấy lần trong gần một năm trời mới được tạp chí chấp nhận đăng. Khi đó tôi thực sự rất vui, vì cảm thấy cuối cùng những nỗ lực của mình cũng đã được ghi nhận”.

Giảng viên 8X này cho rằng, cái khó nhất của một bài báo quốc tế là phải có tính mới so với Việt Nam và thế giới. Do vậy, yếu tố quan trọng nhất trong nghiên cứu khoa học chính là “đam mê”. Vì có “đam mê” sẽ có quyết tâm “nghiên cứu không biết mệt mỏi” và khi đã đạt đủ hàm lượng “nghiên cứu” thì chắc chắn sẽ có sáng tạo và thành công. “Nếu bạn thực sự làm nghiên cứu khoa học thì bạn phải say mê với nó đến mức bạn cảm thấy nó là niềm vui và cuộc sống của bạn, chỉ khi đó thành công thực sự mới đến với bạn”- TS. Tống Sỹ Tiến chia sẻ.

Giảng viên trẻ này cũng cho rằng, ngoài kiến thức, để có được những bài báo đăng trên các tạp chí ISI uy tín, còn đòi hỏi ứng viên một vốn ngoại ngữ thành thạo, đặc biệt là ở lĩnh vực chuyên ngành. Điều này buộc những người làm nghiên cứu phải không ngừng tự trau dồi, tự học…

Trong 9 “đứa con tinh thần” của TS Tống Sỹ Tiến, bài báo thứ 9 vừa mới được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín, có tuổi đời 60 năm của Anh chính là “tác phẩm” giữ nhiều “kỷ lục” nhất. Đây là bài báo anh viết dài nhất, mất nhiều công sức nhất và có số phản biện độc lập nhiều nhất. Trong đó, có 6 phản biện chuyên môn và 1 phản biện ngôn ngữ.

Sau khi đăng bài báo này, TS Tống Sỹ Tiến đã được mời báo cáo tại Hội nghị quốc tế về hóa học và kỹ thuật phân tích “International Conference on Chemistry & Analytical Techniques” tổ chức tại San Francisco, Mỹ và được tạp chí quốc tế về khoa học vật liệu và nghiên cứu công nghệ mời làm biên tập viên. Đây là tạp chí rất uy tín và có truyền thống lâu đời tại Anh, được thành lập từ năm 1956.

Với những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, TS Tống Sỹ Tiến đã vinh dự nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; danh hiệu giảng viên giỏi và nhà giáo trẻ tiêu biểu của trường.

Huyền Thanh
.
.