Anh hùng Nguyễn Tài: Trí tuệ, quả cảm và tài hoa

Thứ Sáu, 19/02/2016, 08:02
Biết ông Nguyễn Tài, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an tuổi cao, sức yếu, nhưng tin ông mất vẫn làm nhiều người bất ngờ.
“Đó là một người anh, người thầy, người thủ trưởng kính mến, người “anh hùng của những anh hùng” mà suốt đời chúng tôi noi gương” - Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị (Bộ Công an) chia sẻ trong nỗi xúc động cùng hồi ức về người thủ trưởng cũ.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Liên khu I của ta bị Pháp bao vây, cắt đứt giao liên với bên ngoài. Một số tuyến giao liên vào Liên khu I được tổ chức nhưng không thành công. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, ông Nguyễn Tài đã cử 2 chiến sĩ giao liên từ Tứ Liên theo bờ sông Hồng, qua gầm cầu Long Biên vào nội thành bắt liên lạc với Trung đoàn Thủ đô.

Vợ chồng Đại tá Nguyễn Tài chụp ảnh cùng 4 người con trước ngày ông lên đường đi B.

Sau đó, cũng theo con đường táo bạo này, giao liên đưa đồng chí Trần Quốc Hoàn, khi đó là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, rồi đồng chí Lê Giản, Giám đốc Nha Công an Trung ương vào gặp mặt, động viên các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Ngày 17-2-1947, cũng chính con đường này đã đưa Trung đoàn Thủ đô thoát khỏi vòng vây của quân Pháp lên Việt Bắc.

Với sự thông minh, nhạy bén và bản lĩnh vững vàng, ông Nguyễn Tài đã được bổ nhiệm làm Trưởng Ty Công an Hà Nội khi mới ở tuổi 21. Năm 1950, 24 tuổi, ông đã là ủy viên Đặc khu ủy Hà Nội. Có thể thấy được sự xuất sắc của ông Nguyễn Tài từ năm tháng đó qua đánh giá của đồng chí Phạm Hùng (khi ấy là Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ), tại một hội nghị ở Nha Công an Trung ương: “Ở Nam Bộ cũng có những anh em trẻ như Nguyễn Tài, nhưng tích lũy kinh nghiệm dày dặn như Tài thì rất hiếm!”.

Anh hùng Nguyễn Tài.

Năm 1950, địch lập vùng trắng ở Vân Đình (tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc Hà Nội) khiến phong trào cách mạng bị chững lại. Lực lượng Công an tìm mọi cách để vào nội thành hoạt động nhưng đều gặp khó khăn. Ông Nguyễn Tài đã trực tiếp vào nội thành, gặp gỡ đội ngũ cán bộ hoạt động trong đó để nắm tình hình, nhằm đưa ra các chủ trương phù hợp. Thời điểm đó, địch cho nhiều chỉ điểm ngày ngày rà soát, bắt bớ cán bộ ta.

Nhiều cán bộ nòng cốt như đồng chí Minh Việt, Minh Đông, Lê Nghĩa, Ngọc Nhuôm… đã bị bắt, nhưng với sự mưu trí, ứng phó rất giỏi, ông Nguyễn Tài vẫn bình an vô sự, thậm chí, còn tiếp tục xây dựng được nhiều cơ sở cao cấp, lấy được nhiều tài liệu có giá trị. Mãi đầu năm 1953 ông mới ra ngoại thành và đưa ra chủ trương hoạt động mới: “Tích trữ lực lượng, chờ đón thời cơ”.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh bảo rằng nhờ “8 chữ vàng” ấy mà đỡ được bao xương máu anh em. Nhưng để có 8 chữ ấy, là gần 3 năm lăn lộn giữa lòng địch trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc của ông Nguyễn Tài. “Bởi thế, ông là thần tượng, là bậc thầy của chúng tôi về trí tuệ, về lòng dũng cảm trước kẻ thù”.

Khi là Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị (Bộ Công an), những bài giảng của ông ở trường An ninh đã góp phần quan trọng tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về chất của lực lượng bảo vệ chính trị toàn miền Bắc. Nhiều thế hệ cán bộ Công an đã trưởng thành từ sự đào tạo của ông. Trong kháng chiến chống Mỹ, khi nhiều toán biệt kích gián điệp Sài Gòn được tung ra miền Bắc, ông Nguyễn Tài đã chỉ đạo các tỉnh phát động phong trào toàn dân chống gián điệp biệt kích, đồng thời, trực tiếp chỉ huy lực lượng Công an tiến hành “trò chơi nghiệp vụ”. Từ năm 1960 đến 1970, bằng “trò chơi nghiệp vụ”, lực lượng CAND đã bắt, vô hiệu hóa hàng trăm tên biệt kích, thu hàng ngàn tấn vũ khí, điện đài, tiền giả...

Trước tình hình miền Nam có nhiều biến động, năm 1964, ông Nguyễn Tài đã xung phong vào chiến trường. Bị amidan, biết vào đó phải ở hầm bí mật nhiều, dễ bị ho, có thể xảy ra điều không hay cho đồng đội, ông phải đi cắt trước ngày lên đường.

Trong Nam, với cương vị Trưởng ban An ninh Sài Gòn - Gia Định, ông trực tiếp xông pha cùng anh em, chủ động đưa ra chỉ đạo sát hợp. Tháng 12-1970, ông bị địch bắt trên đường đi công tác và suốt hơn 4 năm bị tù đày, tra tấn trong nhà tù biệt giam của Mỹ ngụy, ông vẫn giữ vững khí phách người Công an cách mạng. Được đồng đội giải thoát trong ngày đại thắng, ông được tin cậy giao nhiệm vụ trợ lý Bộ trưởng rồi Thứ trưởng Bộ Công an.

Con người xuất sắc ấy bất ngờ bị hàm oan, bị đình chỉ công tác để thẩm tra về thời gian bị địch bắt, chỉ bởi một sự tắc trách trong qui trình nhận tài liệu. Với ông, đó là thời gian vô cùng khủng khiếp. Nhưng với bản lĩnh kiên cường, tâm sáng, ông luôn tin tưởng vào sự công minh, bình tĩnh, kiên quyết đấu tranh có nguyên tắc trong nội bộ và rồi, sự thật đã được sáng tỏ. Ngày 23-12-1988, văn bản 570 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã khẳng định: “Đồng chí Nguyễn Tài đã có tinh thần chịu đựng sự tra tấn dã man của địch, khôn khéo đối phó với địch, bảo vệ cơ sở và những bí mật của Đảng mà mình biết”.

Đồng chí Nguyễn Tài (thứ hai từ trái sang) trong lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã viết thư đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông: “Quá trình hoạt động cũng như quá trình đấu tranh kiên trung, mưu trí khi bị địch bắt trong thời kì kháng chiến chống Mỹ của đồng chí Nguyễn Tài cho thấy, đồng chí xứng đáng là một anh hùng. Sau giải phóng, đồng chí Tài đã kiên trì thẳng thắn đấu tranh có nguyên tắc để bảo vệ mình trước những nghi  vấn về thời gian bị địch bắt giam cầm và đã được các cơ quan chức năng của Đảng kết luận. Việc đó càng làm sáng tỏ hơn phẩm chất anh hùng của đồng chí”.

Gương mẫu trong cuộc sống, trong công tác, ông Nguyễn Tài luôn được đồng nghiệp yêu mến và kính trọng. Bà Lê Thị Xuân Uyên, vợ nhạc sĩ Xuân Oanh, Đội trưởng Đội nữ điệp báo đầu tiên của Công an Hà Nội từng nhận xét: “Ông Nguyễn Tài là một nhân vật lịch sử, trải qua tất cả những hạnh phúc và đau đớn của nghề. Chính lòng tin vào lý tưởng cách mạng đã giúp ông vượt qua những khoảnh khắc hiểm nghèo nhất. Ông là người quy tụ các phẩm chất trí tuệ, quả cảm, trung thành, tài hoa, một trong những cá nhân xuất sắc của lực lượng Công an”.

Anh hùng Nguyễn Tài, tên khai sinh là Nguyễn Tài Đông, sinh ngày 11-12-1926, quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Ông là con thứ hai của nhà văn Nguyễn Công Hoan và cháu ruột đồng chí Lê Văn Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hà Nội.

Ông tham gia cách mạng rất sớm và đầu năm 1945 đã có mặt trong trường Quân chính kháng Nhật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông nguyên là Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Ông đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh và Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Anh hùng Nguyễn Tài mất vào 4h ngày 16-2-2016, tức ngày 9 tháng Giêng năm Bính Thân tại Bệnh viện 198-Bộ Công an, hưởng thọ 91 tuổi.

Lễ viếng Anh hùng Nguyễn Tài sẽ diễn ra từ 7h30 đến 11h ngày 23-2-2016 tại Nhà tang lễ Quốc gia, 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu bắt đầu từ 11h cùng ngày.

Tang lễ của Anh hùng Nguyễn Tài được tổ chức theo nghi thức cấp cao, do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Công an, Tổng cục Hải Quan và Thanh tra Chính phủ cùng gia đình phối hợp tổ chức.


Thanh Hằng
.
.