Thực hiện lời dạy của Bác, xây dựng hình ảnh người Công an vì nhân dân phục vụ

Chủ Nhật, 17/05/2015, 09:17
Từ buổi đầu hoạt động cách mạng cho tới lúc từ biệt thế giới này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhất quán coi đạo đức là vấn đề tiên quyết đối với sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đề cập một cách toàn diện với mọi lĩnh vực, đối tượng; từ vấn đề chung nhất là đạo đức công dân cho đến lĩnh vực Người quan tâm nhất là đạo đức của người cán bộ đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng đạo đức là gốc của người cách mạng. Người cách mạng muốn hoàn thành nhiệm vụ phải được dân tin yêu, cảm phục và giúp đỡ, muốn có được điều đó thì phải có đủ cả tài và đức.

Người khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây thì phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, nếu không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Lúc sinh thời, không chỉ là tấm gương về thực hành đạo đức mà Người còn có rất nhiều bài viết, bài nói về đạo đức, điển hình như: “Đường cách mệnh” (1927); “Sửa lối làm việc” (1947); “Cần, kiệm, liêm, chính” (1949); “Đạo đức cách mạng” (1958); nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969); “Di chúc” (1969)...

Công an nhân dân là một lực lượng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, gắn bó mật thiết, bảo vệ bình yên và hạnh phúc cho nhân dân nên vấn đề đạo đức luôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, ngay từ khi mới thành lập cho đến thời gian sau này, Công an nhân dân luôn là lực lượng vinh dự, tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm huấn thị, dạy bảo.

67 năm trước, ngày 11/3/1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu 12, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp nói tới tư cách, đạo đức người Công an cách mạng. Đối với tự mình, phải: Cần, kiệm, liêm, chính/ Đối với đồng sự, phải: Thân ái giúp đỡ/ Đối với Chính phủ, phải: Tuyệt đối trung thành/ Đối với nhân dân, phải: Kính trọng, lễ phép/ Đối với công việc, phải: Tận tụy/ Đối với địch, phải: Cương quyết, khôn khéo”.

Gần 7 thập kỷ đã trôi qua nhưng 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân vẫn vẹn nguyên tính thời sự, là kim chỉ nam cho mọi hành động, là biện pháp công tác của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an. Học tập và thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp, liên tục và hiệu quả trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, là nội dung trọng tâm công tác chính trị - tư tưởng; là động lực, cội nguồn sức mạnh để lực lượng Công an nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, còn Đảng, còn mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong bối cảnh thế giới đầy biến động, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường. Những biểu hiện xa rời mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang tác động làm xói mòn lòng tin của cán bộ, nhân dân, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự đang đặt ra cho lực lượng Công an nhân dân nhiều thách thức, nặng nề.

Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã khẳng định: “Trong giai đoạn hiện nay, cán bộ, chiến sĩ Công an phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, suy nghĩ, hành động theo sáu điều Bác Hồ dạy, luôn vững vàng trước sự tấn công của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, những cám dỗ tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường; đồng thời phải thường xuyên bồi đắp ý chí khắc phục khó khăn, gian khổ, đề cao tinh thần trách nhiệm; đề cao và cổ vũ ý thức say mê, năng động, sáng tạo, nhạy bén, mưu trí, dũng cảm trong công tác và chiến đấu…”.

Vinh dự, tự hào 70 năm tiến bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng, trước thách thức và đòi hỏi của tình hình mới, mỗi cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân cần tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị, rèn luyện tư cách đạo đức, tác phong; đưa phong trào “Công an nhân dân học tập và thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy” lên một tầm cao mới, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” theo phương châm: “Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, đã đi là đến, đã đánh là thắng, xây dựng hình ảnh cán bộ chiến sĩ Công an thân thiết, gắn bó và tin cậy với nhân dân, tạo nên sức mạnh, tạo nên niềm tin, đúng như tên gọi Công an nhân dân, có nghĩa Công an từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ.

Hoa Oanh Vũ
.
.