Dưới những nếp nhà CAND:

Thiếu tướng Cao Phòng - một tấm gương liêm khiết và thanh bạch

Chủ Nhật, 29/05/2011, 12:38
Đã hơn 20 năm kể từ ngày ông mất, nhưng ở nơi này, địa phương kia thi thoảng người ta vẫn nói về ông - một vị tướng đã trải qua 2 cuộc kháng chiến: Chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; một vị tướng sắc sảo về nghiệp vụ, cương trực và thân tình... Ông là Thiếu tướng Cao Phòng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân.

Có một điều mà nhiều người còn ít biết, ông từng là cán bộ Công an được giao nhiệm vụ hỏi cung các đối tượng được xếp vào loại sừng sỏ, từ các tù binh cấp cao của quân đội Pháp đến các đối tượng trong các vụ án nổi cộm ở trong nước.

Đương thời, tôi có cơ may được cử đi tháp tùng ông trong những chuyến công tác ở nhiều địa phương trong cả nước. Tại các chuyến đi ấy, lúc thì ngồi trên xe, khi thì ở nhà khách Công an các địa phương, ông kể cho tôi nghe khá nhiều vụ án mà ông từng trực tiếp tham gia. Hồi đó, với tôi, mỗi câu chuyện về các vụ án là một bài học thực tế, hấp dẫn và sinh động. Thấy tôi đam mê với nghề cầm bút, ông nói với tôi, từ các vụ án ấy, xâu chuỗi lại giúp ông viết một cuốn sách với tiêu đề: "Cuộc đời làm trinh sát của tôi". Song rất tiếc, cuốn sách ấy chưa thực hiện được thì ông đã mất bởi căn bệnh ung thư quái ác.

Mặc dù có nhiều cuộc tiếp xúc với ông, song điều mà tôi cũng như nhiều người khác mãi khi ông qua đời mới biết: Ông là con nhà nghèo, vậy mà những năm trước Cách mạng Tháng 8 (năm 1945), ông đã là học sinh trường Bưởi - một cơ sở đào tạo danh giá thời bấy giờ và thường chỉ có con nhà giàu mới có cơ hội theo học.

Điều không ngờ nữa với tôi là sau khi tốt nghiệp trường Bưởi, ông thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Ngỡ tưởng ông sẽ trở thành một bác sĩ, trị bệnh cứu người. Nhưng không, đang học năm thứ 2 thì ông rẽ ngang để tham gia hoạt động cách mạng. Buổi đầu là đội viên đội tuyên truyền cứu quốc tại Hà Nội. Sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, như nhiều thanh niên nhiệt huyết khác, ông được Đảng lựa chọn vào ngành Công an.

Từ một trinh sát chính trị ở Sở Công an Bắc bộ, ít lâu sau ông được giao làm Đội trưởng Đội Trinh sát. Thời điểm đó, như ông đã kể, chính quyền cách mạng đang đứng trước tình thế "như ngàn cân treo sợi tóc". Được sự hà hơi, tiếp sức của bọn thực dân, đế quốc, các tổ chức phản động ở trong nước mọc lên như nấm.

Ở Thủ đô Hà Nội, dựa vào thế lực của quân Tưởng, bọn Việt quốc, Việt cách và các tổ chức phản động khác đã tập hợp nhau lại và lập ra cái gọi là "Mặt trận quốc gia chống Pháp". Dựa vào vỏ bọc bề ngoài ấy, bọn phản động đã tìm mọi phương thức nhằm phá hoại chính quyền cách mạng từ bên trong, gây ra các vụ ám sát, bắt cóc tống tiền, gây rối trật tự xã hội.

Đứng trước tình thế đó, để bảo vệ những thành quả của chính quyền cách mạng vừa giành được, chàng thanh niên Cao Phòng ngày ấy đã cùng đồng đội lao vào cuộc chiến đấu thầm lặng, song rất quyết liệt chống các thế lực tình báo, gián điệp và các tổ chức phản động trong và ngoài nước. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, vẫn chàng thanh niên nhiệt huyết ấy được cử sang làm công tác quân báo của mặt trận phía Nam Hà Nội.

Khi thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược đến các tỉnh, thành, từ cán bộ quân báo hoạt động ở địa bàn Thủ đô Hà Nội, ông được điều về làm cán bộ trinh sát đặc biệt của Nha Công an Trung ương tại chiến khu Việt Bắc, phụ trách các tỉnh: Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên và Cao Bằng.

Ít lâu sau vào tháng 2/1949, ông được bổ nhiệm là Đại đội phó đại đội đặc biệt thuộc Nha Công an Trung ương, phụ trách đội bảo vệ an toàn khu Trung ương; bảo vệ Bác Hồ đi chiến dịch biên giới 1950. Là người giỏi tiếng Pháp, cuối năm ấy, ông được cấp trên giao cho nhiệm vụ hỏi cung các tù binh Pháp mà ta đã bắt trong các chiến dịch.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại, không cam chịu thất bại, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã dùng nhiều thủ đoạn để lôi kéo, kích động và tiếp tục nuôi dưỡng các tổ chức phản động ở nhiều địa phương. Cùng với dã tâm ấy, đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy quyền Sài Gòn còn tung nhiều toán gián điệp biệt kích nhằm phá hoại công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế xã hội ở miền Bắc XHCN, hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam. Là một cán bộ trinh sát có nhiều kinh nghiệm trận mạc, ông được lãnh đạo Bộ Công an bổ nhiệm là đặc phái viên của Cục Bảo vệ chính trị tham gia chỉ đạo khám phá các vụ án lớn, góp phần bóc gỡ nhiều tổ chức phản động và bắt giữ nhiều toán gián điệp, biệt kích của địch.

Cứ thế, cuộc đời binh nghiệp của ông theo thời gian được giao giữ các cương vị khác nhau: Phó trưởng phòng Hồ sơ, Bộ Công an năm 1958, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp, Cục Bảo vệ nội bộ - Bộ Công an (năm 1964), Phó cục trưởng Cục Quản lý hồ sơ (Bộ Công an) năm 1968, Cục trưởng Cục Chấp pháp - Bộ Công an năm 1974. Tháng 6/1981, ông được bổ nhiệm là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân và được phong quân hàm Thiếu tướng. Ông giữ cương vị này cho đến ngày ông qua đời vào một ngày cuối năm 1988.

Trong điếu văn của Bộ Công an đọc tại lễ tang Thiếu tướng Cao Phòng tổ chức tại hội trường Bộ Công an ở 15 Trần Bình Trọng, Trung tướng Phạm Tâm Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã khẳng định: "43 năm công tác liên tục, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Cao Phòng đã có nhiều cống hiến lớn cho ngành Công an.

Từ một chiến sĩ trinh sát cho đến khi giữ cương vị lãnh đạo cao cấp của ngành Công an, đồng chí luôn sống giản dị, thanh bạch, liêm khiết, đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp. Xuất thân trong một gia đình nghèo, nhưng đồng chí đã tự vươn lên vừa đi học, vừa đi làm để có tiền theo học đại học.

Thiếu tướng Cao Phòng và gia đình.

Đồng chí đã tự bộc bạch: "Nếu không có Đảng, có ngành Công an thì đời tôi sao được như ngày hôm nay". Do có công lao cống hiến cho cách mạng, đồng chí Cao Phòng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Đó là Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng 3, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và nhiều huy chương hữu nghị của các nước: Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Bulgaria, Hungary, Cuba và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào".

Có một chi tiết mà sau khi ông mất, đồng đội và những người thân trong gia đình ông, ai nấy đều rất ngạc nhiên khi thấy tài sản riêng của ông để lại cho vợ con, ngoài mấy bộ quần áo cũ, cái tủ gỗ cũ và một sổ tiết kiệm mang tên ông với số tiền: 65.000 đồng. Chứng kiến sự việc đó, nhiều người đã phải thốt lên: Ông là một vị tướng đức độ, tài ba và liêm khiết.

Trở lại câu chuyện với bà Lê Thu, nguyên là nữ trinh sát của Nha Công an Trung ương ở chiến khu Việt Bắc và là phu nhân của Thiếu tướng Cao Phòng. Theo bà thì trước ngày trở thành một nữ trinh sát của Nha Công an Trung ương, bà hoạt động trong phong trào đoàn thanh niên xung phong tỉnh Cao Bằng. Ngày ấy, mọi người biết đến bà với cái tên: Đào Thị Đoan.

Đầu năm 1947, do yêu cầu xây dựng và phát triển lực lượng Công an, Nha Công an Trung ương cử người về một số địa phương để tuyển cán bộ. Là một cô gái Tày xinh đẹp, nhanh nhẹn và đặc biệt là có năng khiếu văn nghệ, cô gái Đào Thị Đoan ngày ấy đã nhanh chóng lọt vào mắt người được giao đi tuyển lựa. Trở về Nha Công an, không hiểu vì lý do gì, cái tên Đào Thị Đoan đã đẹp vậy mà ông Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương Lê Giản lại đặt cho bà cái tên mới Lê Thu. Cái tên ấy đã theo sát trong cuộc đời hoạt động cách mạng của bà. Tại Nha Công an, sau khi trải qua một lớp huấn luyện ngắn, bà được giao nhiệm vụ là thư ký cho ông Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương. Nói là công tác ở Nha Công an Trung ương, nhưng thời đó dường như không một ai được nhận lương hàng tháng.

Cuộc sống khó khăn vô cùng. Mọi cái đều phải tự cung tự túc và sống dựa vào dân. Ngoài giờ làm việc, mọi người phải tăng gia để cải thiện bữa ăn đạm bạc hàng ngày; nhưng cuộc sống thì lúc nào cũng lạc quan. Giữa núi rừng Việt Bắc, ai ai cũng giữ được nếp sống hồn nhiên và niềm tin vào ngày chiến thắng.

Do có năng khiếu về văn nghệ, thời đó bà là một trong số những diễn viên nòng cốt trong đội văn nghệ của Nha Công an Trung ương. Tại các đêm lửa trại, nhiều bài hát do bà trình diễn đã làm đắm say bao chàng trai. Nhưng rồi trái tim bà chỉ thuộc về một người, đó là anh Đại đội phó Đại đội độc lập bảo vệ an toàn khu Cao Phòng. Một chàng trai thông minh, đẹp trai và đầy tố chất đàn ông.

Hòa bình lập lại, bà chuyển sang công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi nhạc phẩm "Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi" ra đời, bà là ca sĩ đầu tiên được đài lựa chọn thu và phát bài hát này trên làn sóng của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Lời ca ấy như một chất xúc tác ngấm vào máu thịt của chồng bà. "Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi" đã theo sát ông trong mỗi một chiến công.

Theo bà Lê Thu, về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, bà có niềm vinh dự là được cùng các nghệ sĩ của đoàn ca nhạc thường xuyên được vào Phủ Chủ tịch phục vụ Bác Hồ vào các ngày lễ, Tết hoặc lúc Bác tiếp các đoàn khách quốc tế và được nghe Bác nói chuyện.

Cũng trong thời gian công tác ở đây, bà và các nghệ sĩ trong đoàn đã có hàng trăm chuyến đi biểu diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ ở mọi miền đất nước. Mỗi chuyến đi là gắn liền với biết bao kỷ niệm về tên đất, tên làng. Đặc biệt là thời kỳ đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, không quản sự hy sinh gian khổ, những nghệ sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam, trong đó có bà Lê Thu đã vượt qua biết bao thử thách, giữa tiếng gầm xé của máy bay và đạn bom, những lời ca, tiếng hát do các nghệ sĩ thực hiện đã trở thành món ăn tinh thần, vũ khí sắc bén để động viên đồng bào, chiến sĩ ra ngoài mặt trận đánh thắng kẻ thù.

Cũng như bà, thời đất nước có chiến tranh, người chồng của bà - ông Cao Phòng cũng luôn bận rộn với biết bao công việc của người chiến sĩ Công an. Khi đã giữ cương vị Cục trưởng Cục Chấp pháp, rồi Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, công việc hàng ngày của ông nhiều thêm, nhưng niềm đam mê công việc khiến ông quên đi tất cả, ngay cả căn bệnh ung thư quái ác giày vò. Biết mình bị mắc căn bệnh hiểm nghèo, nhưng ông vẫn lạc quan. Ông giấu người vợ và các con thân yêu của mình. Chỉ đến khi sức khỏe của ông không còn chống lại được nỗi đau của số phận, ông mới chịu đầu hàng. Ông mất đi trong niềm thương tiếc vô hạn của những người đồng chí, đồng nghiệp, những người thân trong gia đình và bà con nơi ông từng gắn bó và hoạt động.

Vợ chồng Thiếu tướng Cao Phòng sinh được 3 người con gái, trong đó người con gái đầu là chị Nguyễn Minh Hợp, nguyên là cán bộ một đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an. Còn chị Nguyễn Minh Hà là vợ Đại tá Phạm Văn Chiến, nguyên Phó cục trưởng Cục Hồ sơ An ninh. Cô gái út của vợ chồng Thiếu tướng Cao Phòng là Nguyễn Minh Hạnh, phu nhân của Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, hiện đang giữ cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I, Bộ Công an.

L.V.
.
.