Thẻ căn cước công dân có thể được sử dụng thay hộ chiếu

Thứ Ba, 17/06/2014, 09:04
Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Dự thảo Luật Căn cước công dân có nhiều đổi mới quan trọng so với pháp luật hiện hành trong quy định về cấp thẻ căn cước công dân. Báo Công an nhân dân đã phỏng vấn Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an về vấn đề này.

- Thưa đồng chí, thẻ căn cước công dân ra đời sẽ được sử dụng thay những loại giấy tờ nào? Và người dân được hưởng lợi gì?

Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Theo đó, Điều 18 dự thảo Luật quy định về nội dung của thẻ căn cước công dân gồm các thông tin cơ bản như: Ảnh của người được cấp thẻ; thời hạn sử dụng của thẻ căn cước công dân; số định danh cá nhân; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ. Đặc biệt, trên thẻ còn có bộ phận điện tử lưu trữ một số thông tin cơ bản về căn cước và thông tin khác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của người được cấp thẻ. Đối với người dưới 15 tuổi thì không in ảnh, vân tay và ghi đặc điểm nhân dạng của người đó trên thẻ.

Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng nhận về căn cước, số định danh cá nhân, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi đăng ký thường trú, quốc tịch Việt Nam của người được cấp thẻ trong các giao dịch có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền thì cơ quan, người có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác liên quan. Không ai được giữ, tạm giữ thẻ căn cước công dân, trừ trường hợp quy định tại Luật này.

- Với việc quy định số định danh cá nhân được ghi trên thẻ căn cước công dân sẽ giúp ích gì cho công dân?

Trên thẻ căn cước công dân có thông tin về nơi thường trú của công dân, nên sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân sẽ bỏ sổ hộ khẩu. Bên cạnh đó, các thông tin trên thẻ căn cước công dân được tích hợp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên công dân có thể chứng minh các thông tin trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân mà không cần phải xuất trình một số giấy tờ khác của công dân như: Giấy khai sinh; các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam; các giấy tờ chứng minh dân tộc của công dân... Mặt khác, trên thẻ căn cước công dân có số định danh cá nhân của mỗi người. Đây là mã số công dân gồm 12 số tự nhiên, được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu cụ thể của một người trong cơ sở dữ liệu.

Công dân làm Thẻ căn cước công dân 12 số mới lấy dấu vân tay qua thiết bị thu nhận vân tay tại Công an TP Hải Phòng. Ảnh: Anh Hiếu.

Với việc quy định số định danh cá nhân được ghi trên thẻ căn cước công dân sẽ giúp cho công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch dân sự, giúp cơ quan, tổ chức kiểm tra, khai thác các thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà không phải yêu cầu công dân xuất trình các giấy tờ không cần thiết.

- Vậy, thẻ căn cước là bước cải tiến lớn về thủ tục, giấy tờ công dân?

Với nhiều tiện ích mà thẻ căn cước công dân đem lại, có thể thấy đây là một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ cho công dân, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền, lợi ích chính đáng của mình.

- Hiện nay, đang sử dụng CMND 9 số và 12 số, nếu có thêm thẻ căn cước công dân có gây bất tiện cho người dân và gây tốn kém hơn hay không, nhất là khi chúng ta đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất và đang thực hiện việc cấp CMND theo mẫu mới?

Dự thảo Luật quy định cấp thẻ Căn cước công dân thay cho CMND nhưng vẫn có quy định chuyển tiếp, cho phép tiếp tục sử dụng CMND được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực nên Nhà nước và công dân đều không phải mất chi phí và công sức, thời gian để đổi từ CMND đang sử dụng sang thẻ Căn cước công dân. Theo đó, đối với CMND đã được cấp trước ngày Luật có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; trường hợp cần đổi sang thẻ căn cước công dân theo mẫu quy định tại Luật này thì thực hiện theo Luật này.

Công dân đến làm Thẻ căn cước công dân 12 số mới tại cơ sở 2 quận Hà Đông, Công an TP Hà Nội. Ảnh: Anh Hiếu.

Như vậy, vẫn có một giai đoạn chuyển tiếp, tức là lưu hành cùng lúc cả CMND 9 số, CMND 12 số và thẻ căn cước công dân. Theo đó, đối với những giấy tờ vẫn ghi số CMND 9 số, khi giao dịch bằng CMND 12 số hoặc thẻ căn cước công dân, công dân sẽ phải xuất trình giấy xác nhận số CMND hoặc xuất trình CMND 9 số đã được cơ quan Công an cắt góc trả cho công dân. Điều này ít nhiều cũng gây ảnh hưởng đến người dân, nhưng đây là việc làm cần thiết trong giai đoạn chuyển tiếp để thực hiện những bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính theo quy định của Luật. Tuy nhiên, nếu thực hiện một cách khoa học, bài bản, chắc chắn sẽ không gây ra xáo trộn gì lớn trong giao dịch của công dân.

- Có ý kiến đề nghị đổi tên “chứng minh nhân dân” thành “thẻ căn cước”, quan điểm Thiếu tướng ra sao?

Công nghệ, chất liệu, phương tiện, máy móc, cán bộ được sử dụng để cấp thẻ căn cước công dân cũng chính là công nghệ, chất liệu, phương tiện, máy móc, cán bộ được sử dụng để cấp CMND 12 số hiện nay, chỉ thay đổi tên gọi "chứng minh nhân dân" thành "căn cước công dân". Việc lấy tên gọi là "chứng minh nhân dân" hay "căn cước công dân" cũng đang được Quốc hội cân nhắc, thảo luận kỹ; bởi vì, mặc dù tên gọi "căn cước công dân" phù hợp với tên gọi của dự thảo Luật, nhưng tên gọi "chứng minh nhân dân" đã trở nên quen thuộc và được sử dụng rộng rãi trong các giấy tờ, biểu mẫu hành chính. Việc đổi tên "Chứng minh nhân dân" thành "căn cước công dân" có thể phải thêm một khoản kinh phí nhất định, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng là cần thiết để tạo đột phá về cải cách thủ tục hành chính. Hiện nay, Nhà nước đang đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đào tạo đội ngũ cán bộ để phục vụ cho việc cấp CMND 12 số. Khi chuyển sang cấp thẻ căn cước công dân, chúng ta vẫn sử dụng được toàn bộ cơ sở vật chất, công nghệ và đội ngũ cán bộ làm công tác cấp CMND hiện nay để thực hiện việc cấp thẻ Căn cước công dân; bởi vì, quy trình, kỹ thuật cấp thẻ Căn cước công dân không có gì khác biệt so với việc cấp CMND theo công nghệ mới.

- Vậy tại sao Chính phủ đề nghị cấp thẻ căn cước cho công dân ngay từ khi sinh ra?

Ban đầu khi Chính phủ trình dự án Luật căn cước công dân lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì dự án Luật quy định cấp thẻ căn cước cho công dân từ 15 tuổi trở lên như quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nên cấp thẻ căn cước cho công dân ngay từ khi sinh ra; bởi vì, công dân khi sinh ra đã có các quyền công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Dự án Luật trình ra Quốc hội cho ý kiến lần này là tiếp thu quan điểm trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đương nhiên, Quốc hội sẽ phải cân nhắc là có nên cấp giấy khai sinh nữa hay không khi mà cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi, ngay từ khi mới sinh ra, để tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính

PV
.
.