Thành lập 5 Đồn Công an đường sắt tại 5 tỉnh, thành phố trọng điểm
Nhiều bất cập
Theo Cục CSGT đường bộ, đường sắt, trước đây công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường sắt, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm hoạt động trên tàu đều do lực lượng CSGT thực hiện.
Tuy nhiên, từ năm 2003, do yêu cầu thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, nên công tác bảo đảm TTATGT đường sắt ít được chú ý hơn, lực lượng CSGT chủ yếu làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động chấp hành các quy định về an toàn đường sắt đối với cán bộ, nhân viên và phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ khác về an toàn giao thông đường sắt. Vì vậy, hoạt động của lực lượng CSGT đường sắt có nhiều bất cập từ tổ chức, biên chế đến chức năng, nhiệm vụ, phân công trách nhiệm giữa các đơn vị, địa phương các cấp… đã làm hạn chế năng lực bảo đảm TTATGT đường sắt của lực lượng CSGT.
CSGT đường sắt sẽ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tiếp nhận và giải quyết các vụ việc trên các đoàn tàu chuyển xuống. |
Sẽ tăng biên chế cho CSGT đường sắt
Đại tá Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, cho biết thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đường sắt” do Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt, Phòng Hướng dẫn công tác đảm bảo TTATGT đường sắt của Cục CSGT đường bộ - đường sắt sẽ đổi tên thành Phòng Hướng dẫn và Tổ chức công tác đảm bảo TTATGT đường sắt, có nhiệm vụ giúp Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cục trong công tác đảm bảo TTATGT đường sắt; trực tiếp quản lý và chỉ đạo 5 Đội kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo TTATGT đường sắt.
Đối với các phòng CSGT đường bộ- đường sắt ở Công an các tỉnh, thành phố có đường sắt: Ngoài các tiêu chí chung, bổ sung tiêu chí “có tình hình TTATGT phức tạp” mới được thành lập Đội CSGT đường sắt thuộc phòng.
Đối với Công an cấp huyện: Theo thẩm quyền của Giám đốc Công an địa phương được Bộ giao: Nơi nào tình hình phức tạp thì có thể lập Đội CSGT đường sắt (Công an quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) hoặc Tổ CSGT đường sắt thuộc Đội CSGT, trật tự, cơ động (Công an huyện) để đảm bảo TTATGT đường sắt trên địa bàn theo quy định.
Trước mắt, tại 5 tỉnh, thành Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai và Lạng Sơn thành lập 5 Đồn Công an đường sắt: Đồn Công an đường sắt ga Hà Nội (hiện đang là Trạm Cảnh sát ga Hà Nội) trực thuộc Công an quận Đống Đa, Công an TP Hà Nội; Đồn Công an đường sắt ga Đà Nẵng, trực thuộc Công an quận Thanh Khê, Công an TP Đà Nẵng; Đồn Công an đường sắt ga Sài Gòn, trực thuộc Công an quận 3, Công an TP Hồ Chí Minh; Đồn Công an đường sắt ga Đồng Đăng, trực thuộc Công an huyện Cao Lộc, Công an tỉnh Lạng Sơn; Đồn Công an đường sắt ga Lào Cai, trực thuộc Công an TP Lào Cai, Công an tỉnh Lào Cai.
Nhiệm vụ của các đồn là tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trên địa bàn khu vực ga; tiếp nhận và giải quyết các vụ việc trên các đoàn tàu chuyển xuống.
Theo Đề án, cùng với đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật, cơ sở làm việc thì biên chế cho lực lượng CSGT đường sắt sẽ khoảng từ 300 đến 500 cán bộ, chiến sĩ. Ngoài số biên chế hiện nay và hao hụt tự nhiên hằng năm, sẽ bổ sung 110 đến 300 cán bộ, chiến sĩ theo lộ trình của Đề án trong khoảng 5 năm (từ năm 2013 - 2017).
Phương thức hoạt động, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn trong lĩnh vực giao thông đường sắt cũng sẽ được đổi mới, trong đó chú trọng tới rà soát, đánh giá tình hình trật tự, an toàn trên các địa bàn đường sắt (nhà ga, đoàn tàu chở khách, dọc ven các tuyến đường sắt); xây dựng các phương án, chương trình hành động, chỉ đạo các đơn vị, địa phương giải quyết.
Bố trí lại lực lượng Cảnh sát giữ gìn trật tự, an toàn trong lĩnh vực giao thông đường sắt, chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp với ngành Đường sắt, các ngành có liên quan và các cơ quan truyền thông, chính quyền các địa phương mở các hoạt động cao điểm, tập trung giải quyết những vấn đề nóng của giao thông đường sắt, trước hết là tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và tai nạn đường sắt nơi đường ngang. Đổi mới phương thức hoạt động của lực lượng CSGT đường sắt, áp dụng một số biện pháp nghiệp vụ cơ bản của công tác Công an theo quy định…