Tâm sự của NGND Trịnh Văn Thanh:

Thành công từ niềm đam mê và ý chí

Thứ Tư, 19/11/2014, 10:53
Theo Thiếu tướng, PGS.TS, NGND Trịnh Văn Thanh: Với nghề giáo hay bất cứ nghề nào đều phải có niềm đam mê. Và muốn đam mê thành công phải có ý chí, phải có phương pháp, khoa học.

Trong số 39 cán bộ giáo dục vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND), Bộ Công an vinh dự có thêm 2 NGND trong đợt này, trong đó có Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Văn Thanh, Hiệu trưởng trường Đại học CSND.

Chia sẻ với danh hiệu cao quí vừa được trao tặng, NGND Trịnh Văn Thanh nói trong trầm lặng: Danh hiệu dù nhỏ hay lớn thì người được trao phải xứng đáng. Với nghề giáo hay bất cứ nghề nào đều phải có niềm đam mê. Và muốn đam mê thành công phải có ý chí, phải có phương pháp, khoa học.

Thiếu tướng, PGS-TS Trịnh Văn Thanh tại lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân 2014.

Bất cứ ai được nhìn vào bản thành tích cá nhân của NGND Trịnh Văn Thanh trong 35 năm qua cũng đều phải nể phục. Vì 23/35 năm ấy, thầy giáo Trịnh Văn Thanh đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua (CSTĐ) riêng năm 2012, ông được tặng danh hiệu CSTĐ toàn lực lượng CAND. Ngoài ra, trong suốt những năm tháng đứng trên bục giảng, NGND Trịnh Văn Thanh còn nhận được rất nhiều Huân, huy chương, Bằng khen, giấy khen các loại.

Tốt nghiệp Khóa 6 chuyên ngành Điều tra, trường Đại học An ninh nhân dân (nay là Học viên An ninh nhân dân) năm 1979, nhưng ông bảo, như một “cơ duyên”, ông được phân công về làm Giảng viên tại trường Đại học CSND Ba Vì-Hà Tây, nay là Học viện CSND, phụ trách bộ môn Pháp luật. Dù là giáo viên trên bục giảng, làm Trưởng bộ môn, khi là người thầy trên bục giảng, hay một vị Hiệu trưởng nghiêm túc, một vị tướng nghiêm nghị, nhưng người thầy ấy luôn nhận được đồng nghiệp, học trò nhận xét là một người thầy luôn nỗ lực và chưa khi nào mệt mỏi trong công tác nghiên cứu khoa học, và đặc biệt gần gũi, thân thiện với mọi người.

Thiếu tướng, PGS-TS, NGND Trịnh Văn Thanh (hàng đầu, thứ 4, từ trái qua) chụp hình kỷ niệm cùng đoàn cán bộ Cảnh sát  tiểu bang New South Wales (Australia) sang làm việc  tại Đại học CSND.

“Đi đầu trong mọi hoạt động là phương châm, là mục tiêu cuộc sống của mình” - Ông nói! 35 năm công tác, NGND Trịnh Văn Thanh đã trực tiếp biên soạn giáo trình, giảng dạy và bồi dưỡng nhiều học viên trong trường Đại học CSND trở thành học viên giỏi. Bản thân ông còn hướng dẫn trực tiếp 2 công trình khoa học đạt giải cấp Bộ năm 2005, hướng dẫn gần 100 luận văn Thạc sĩ của học viên Học viện CSND, học viên Đại học CSND, Đại học Luật TP HCM. Hiện PGS.TS Trịnh Văn Thanh đang hướng dẫn khoa học cho 7 Nghiên cứu sinh của Học viện CSND, Đại học CSND, Đại học Luật TP HCM, Học viện KHXH.

Ông tâm sự, muốn làm thầy, muốn đi dạy dỗ được người khác, trước hết thì mình phải “học làm thầy”! Ông phân tích: “Học làm thầy theo tôi phải học, trau dồi sao cho đủ 3 phẩm chất: Phẩm chất của một Nhà giáo, Nhà khoa học và của Nhà thực tiễn. Trong đó, cái nền cho ba phẩm chất trên muốn được phát huy, nhất là đối với người thầy CAND, thì phải được trui rèn về phẩm chất chính trị, lối sống, đạo đức, tư cách, tác phong và trình độ chuyên môn.” Trong đó chuyên môn với người thầy là “yêu cầu số 1”.

Cụ thể hơn, ông quan niệm: Đã lãnh nhiệm vụ đào tạo ra những người cán bộ CAND trong nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho XH, cuộc sống an lành cho người dân thì yêu cầu của người thầy là không được phép đưa ra XH những “sản phẩm lỗi”. Muốn vậy, người thầy phải làm gương, nói đi đối với làm, là biểu tượng của sự cao quí, là mẫu mực. “Không ai noi theo một người mà nói một đằng, làm một nẻo”.

Và không ai bỗng dưng có thành quả nếu không lao động. “Chúng tôi được rèn luyện, phát triển trong những tháng năm khó khăn của đất nước, những năm tháng khó khăn ấy vừa là kỷ niệm và còn là kinh nghiệm quí báu cho bản thân tôi  trong hành động, sống và làm việc. Tôi còn nhớ những người thầy là lớp đàn anh của chúng tôi, những nhà giáo Công an âm thầm, cần cù, làm công tác nghiên cứu trong mái lán, cùng nhau kẻ, vẽ, chế tạo ra những công cụ dạy học bằng những thanh tre, gỗ, nứa, những tờ giấy tận dụng với những chiếc máy chữ cổ lỗ, đánh trên loại giấy pô-luya mỏng dính khi soạn kế hoạch giảng bài... mỗi khi đọc tài liệu thì mặt mũi, tay chân ai cũng đen nhẻm, rồi lên lớp với cái bụng lép kẹp, giảng bài trong nỗi khát nước khô cổ, nhưng ngày ấy người thầy vẫn ấm lòng, vì tính tự giác, mỗi người làm việc “một bằng mười”, lo thu lượm thật nhiều kiến thức, giảng cho học trò bằng cả cái tâm”. Bây giờ thời đại công nghệ thông tin thuận tiện, điều kiện dạy và học hiện đại, nhưng theo NGND Trịnh Văn Thanh, nếu các bạn trẻ cứ ung dung, nhởn nhơ, làm việc theo kiểu hành chính, chạy theo mục đích trước mắt, không vì trách nhiệm lâu dài với công việc,với bản thân thì sẽ vô cùng lãng phí. Mà khi bản thân “kiểm chứng” được thì đã muộn cho tương lai…

Có thể nói, với đam mê và ý chí, sự vươn lên không ngừng với nghề nghiệp, với cái tâm, hiểu rõ cái tầm của người thầy CAND, ông đã đạt được trọn vẹn niềm tin yêu trong lòng đồng nghiệp, học trò. Với NGND Trịnh Văn Thanh, cũng như các nhà giáo CAND khác, đó chính là niềm tự hào cao nhất trong sự nghiệp của mình

Huyền Nga
.
.