Tấm lòng của người thầy thuốc Công an
Ngày đầu năm, bên ấm trà đặc quánh, Thượng tá Phan An, Giám thị Trại giam Bình Điền (tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế), không giấu được niềm vui, nói: “Ngoài việc tập trung cải tạo, hướng thiện cho các phạm nhân, thời gian qua công tác chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho hàng nghìn phạm nhân, đặc biệt là các phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo ở Trại luôn được đội ngũ y, bác sĩ thuộc Bệnh xá của Trại tận tình thực hiện. Nhờ thế mà nhiều CBCS đã vinh dự được lãnh đạo Bộ Công an trao tặng bằng khen về tấm gương “Học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy”. Trong đó có Trung tá, bác sĩ Nguyễn Bái, Bệnh xá Trưởng trại giam là một tấm gương điển hình...”.
Khi tiếp cận Trung tá Bái, anh đưa chúng tôi đi khắp một vòng trong khu vực bệnh xá, rồi bồi hồi kể lại rằng, năm 1992, sau khi tốt nghiệp Đại học Y dược Huế, anh đã làm đơn xin về công tác tại Trại giam Bình Điền với hy vọng trở thành một chiến sĩ Công an khoác áo blouse trắng để chữa bệnh cho các phạm nhân. “Lúc đó, quyết định của mình đã gây sốc cho cả gia đình và bạn bè bởi thời điểm ấy, nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh vẫn đang rất thiếu nhân lực nhưng mình lại muốn lên... trại giam để làm bác sĩ. Và cuối cùng, điều mình hằng ước mơ cũng được mọi người ủng hộ”, Trung tá Bái hóm hỉnh nhớ lại.
Cùng với sự quan tâm của cấp trên về đầu tư cơ sở trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc khám chữa bệnh, bằng tấm lòng và y đức, sự tận tụy công việc, Trung tá Bái cùng hàng chục y, bác sĩ tại đây đã nỗ lực cố gắng chăm sóc sức khỏe cho hàng nghìn phạm nhân đang thi hành án. Lật từng trang trong cuốn sổ ghi chép ngày và tên tuổi các bệnh nhân được điều trị tại bệnh xá, anh kể cho tôi nghe câu chuyện về một phạm nhân mắc “căn bệnh thế kỷ” được điều trị trong suốt 10 năm liền. Đó là phạm nhân Võ Xuân Hiền (43 tuổi, quê ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) thi hành án 16 năm tù về tội “mua bán trái phép chất ma túy”.
Trung tá, bác sĩ Nguyễn Bái khám bệnh cho các phạm nhân ở Trại giam Bình Điền. |
Trước khi vào Trại giam Bình Điền, Hiền đã bị nhiễm HIV, trong những tháng ngày cải tạo, Hiền bị mắc thêm bệnh ho lao nên người lúc nào cũng gầy gò, xanh xao. Có hôm, đang tham gia lao động thì Hiền ngất xỉu tại chỗ vì sức khỏe đã kiệt. Nghe tin báo, Trung tá Bái cùng 2 chiến sĩ liền đến cáng đưa Hiền về Bệnh xá Trại để chăm sóc theo dạng... đặc biệt. Nhờ vậy mà sức khỏe Hiền dần hồi phục. Sau đó, Hiền được lãnh đạo trại giam quyết định cho về quê để điều trị bệnh đúng theo quy định.
Hay như trường hợp của phạm nhân Nguyễn Duy Trinh (24 tuổi, quê ở tỉnh Quảng
Ngồi bên cạnh chúng tôi, phạm nhân Nguyễn Duy Trinh không giấu được niềm vui vì hiện đã có thể tham gia lao động sau nhiều ngày nằm liệt giường để cắt cơn bệnh. “Nghe cán bộ Bái gọi điện về báo em mắc bệnh nặng mà ba mẹ em khóc hết nước mắt. Dù không có điều kiện để đi lại nhưng ba mẹ em vẫn bắt xe ra thăm em được một hôm rồi lại vào. Giờ em nhận ra mình đã làm khổ ba mẹ quá nhiều, em sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để được sớm trở về với gia đình...”.
Mặc dù làm việc trong môi trường có nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm rất cao do phải thường xuyên tiếp xúc với phạm nhân mắc các bệnh: lao, hen suyễn hay HIV… nhưng Trung tá Bái vẫn không ngần ngại gần gũi và tận tình chăm sóc bệnh nhân với hy vọng các phạm nhân sớm phục hồi sức khỏe, cải tạo tốt để sớm được trở lại với xã hội. Bằng cái tâm y đức, anh và đồng đội còn cứu sống nhiều phạm nhân không may mắc bệnh ruột thừa nhờ được chuyển về Bệnh viện TW Huế cấp cứu kịp thời.
Trước lúc chia tay chúng tôi, Trung tá Bái còn hồ hởi bảo rằng: “Dù điều kiện còn khó khăn nhưng bình quân mỗi năm, Bệnh xá Trại giam Bình Điền đã khám và điều trị gần 5.000 lượt bệnh. Đặc biệt, do được phát hiện và chuyển lên tuyến trên kịp thời nên nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã được cứu sống. Đây là niềm tin để những người khoác áo blouse trắng như mình có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó...”