Tái hòa nhập cộng đồng cần sự chung tay của toàn xã hội

Thứ Hai, 08/09/2014, 12:04
Hội nghị tuyên dương các điển hình trong công tác tái hòa nhập Cộng đồng vừa được tổ chức tại Quảng Nam đã đánh giá những kết quả trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Với vai trò tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng, Công an Quảng Nam đã tham mưu ban hành nhiều kế hoạch huy động sức mạnh tổng lực của xã hội cho công tác này. Trong đó Công an tỉnh đã phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị, địa phương; hướng dẫn cho Công an các huyện, thành phố về công tác tiếp nhận quản lý, giáo dục giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện tối đa cho những đối tượng này thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Thượng tá Doãn Bá Hồng – Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án Công an Quảng Nam cho biết: "Công tác tài hòa nhập cộng đồng là một nội dung trọng tâm, xuyên suốt của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, và không phải từ khi có Nghị định 80 của Chính phủ mà lực lượng Công an Quảng Nam mới thực hiện. Làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng cũng là thể hiện rõ chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước trong việc tạo điều kiện của những đối tượng chấp hành xong án phạt tù được trở về địa phương làm ăn ổn định cuộc sống, hạn chế tỷ lệ tái phạm".

Tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Hiện tại hơn 100 mô hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn toàn tỉnh đã có sự đóng góp tích cực vào công tác tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, có 9 mô hình tái hòa nhập cộng đồng đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Nhiều mô hình đã và đang nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, xã hội như mô hình 4 trách nhiệm của UBND phường Thanh Hà, TP Hội An; mô hình “Từ trại giam đến niềm kiêu hãnh” của Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh. Nhiều mô hình có sự vào cuộc đầy trách nhiệm của gia đình, dòng tộc như mô hình 1+5 của xã Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam. Tất cả những mô hình này đều hướng đến mục tiêu chung là giúp đỡ những người lầm lỡ quay về nẻo thiện. Bên cạnh sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù sớm hòa nhập cộng đồng thì điều quan trọng nhất vẫn là chính bản thân những đối tượng này phải tự nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn, mặc cảm, vượt qua chính mình đề xây dựng tương lai cho mình. Trong thực tế, nhiều người đã nỗ lực vươn lên không chỉ để khẳng định mình mà còn giúp cho nhiều người khác như trường hợp của anh Võ Văn Hòa, trú thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên hay anh Đỗ Văn Bổn, trú thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên và anh Lê Công Hoa, trú Điện Thọ, Điện Bàn; anh Nguyễn Thanh Tuấn, trú Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam...

Qua khảo sát từ năm 2002 đến tháng 1/2014, tỉnh Quảng Nam có 5.056 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó 4.535 người đã có việc làm. Đáng chú ý là đã có 25 người hoàn lương tiêu biểu, đứng vững trên đôi chân của mình sau những vấp ngã. Nhiều người đã trở thành những người chủ thực sự, không chỉ để khẳng định mình mà còn giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người cùng cảnh ngộ một thời lầm lỡ.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, trú Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã đứng dậy ngay chỗ vấp ngã của cuộc đời, anh chí thú làm ăn, phát triển kinh tế cộng đồng ngay chính trên mảnh đất của quê hương mình, anh đã trở thành Giám đốc Công ty TNHH Ân Cát - một doanh nhân trẻ thành đạt.

"Phải nhìn nhận rằng công tác tái hòa nhập cộng đồng không phải là công việc của ngày một, ngày hai và không phải của riêng một cá nhân, đơn vị, địa phương nào mà trách nhiệm này thuộc về vai trò của từng cấp, từng ngành và toàn thể nhân dân. Trong đó lực lượng Công an đã làm tốt vai trò là đơn vị chủ công, nòng cốt trong công tác phối hợp và tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác này" - Đại tá Trương Quang Vinh – Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam nhận định.

Từ những kết quả đạt được trong đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù của tỉnh Quảng Nam trong những năm qua đã và đang góp phần không nhỏ vào thực hiện tốt công tác phòng ngừa tái vi phạm pháp luật, phòng ngừa tội phạm và những tiêu cực nảy sinh đối với người chấp hành xong án phạt tù, đảm bảo ANTT địa phương. Mặc dù còn nhiều bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện nhưng những kết quả đạt được sẽ là nền tảng quan trọng để Quảng Nam tiếp tục thực hiện chủ trương đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước, giúp những người từng lầm lỡ hướng thiện, làm lại cuộc đời

Kim Thái
.
.