Nơi thắp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ

Thứ Năm, 30/04/2020, 07:16
Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn, khu Di tích lịch sử Quốc gia Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh) đã được đầu tư, phục dựng lại như nguyên bản. Nhiều năm nay, nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình du lịch về nguồn của tuổi trẻ CAND cả nước…


Thượng úy Tô Văn Đông, Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh vệ miền Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an) chia sẻ, anh rất nhiều lần cùng tuổi trẻ CAND đơn vị, các địa phương, trường CAND phía Nam vượt hơn 140km từ TP Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động về nguồn tại Di tích Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.

“Mỗi lần tham gia về nguồn, chúng tôi có thêm những trải nghiệm sâu sắc, hiểu biết hơn về lịch sử chiến đấu của các thế hệ cha anh nói chung, trong đó có các thế hệ cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Ban An ninh Vũ trang miền Nam và Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam (đơn vị tiền thân của Phòng Cảnh vệ miền Nam - PV) qua các thời kỳ kháng chiến đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập hôm nay”, Thượng úy Tô Văn Đông bộc bạch.
Cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ về nguồn tại Di tích căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.

Từng vinh dự được tham gia các chuyến về nguồn ý nghĩa ấy, Thiếu úy Lê Thị Thanh Hiền, Phòng Cảnh vệ miền Nam xúc động: “Tuy chiến tranh đã lùi xa 45 năm, nhưng hôm nay, mỗi lần tham gia sinh hoạt chính trị tại Di tích Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, cũng là nơi yên nghỉ của hơn 14.000 liệt sỹ CAND, trong đó có 595 liệt sỹ An ninh Trung ương Cục và Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam, những ký ức hào hùng của người chiến sĩ CAND luôn bùng cháy trong lòng mỗi CBCS. Với lòng tự hào về một thời oanh liệt của lớp thế hệ đi trước, chúng tôi quyết tâm không ngừng học tập, nghiên cứu để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới ”.

Nhiều lần tổ chức các hoạt động về nguồn tại Di tích Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, được đứng trước Bia truyền thống và Nhà Lưu niệm Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam, nay là Trường Đại học ANND, Thượng úy Trần Hải Du, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học ANND cho rằng, vùng đất cách mạng này nhắc nhở thế hệ trẻ luôn phải biết trân trọng giá trị của độc lập tự do hôm nay, để sống tốt hơn, làm việc tốt hơn, cống hiến nhiều hơn…

Không chỉ là “địa chỉ đỏ” về nguồn của lực lượng CAND, mà nơi đây còn là điểm du lịch hấp dẫn của người dân cả nước. Tại đây, du khách được nghe cán bộ Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an tỉnh Tây Ninh giới thiệu về lịch sử chiến đấu hào hùng của các thế hệ CBCS Ban An ninh Vũ trang miền Nam; tham quan giới thiệu ý nghĩa của các hiện vật tại khu trưng bày di tích; tham quan nơi ở, sinh hoạt, công tác của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, lãnh đạo An ninh miền Nam như các đồng chí: Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Cao Đăng Chiếm, Phạm Thái Bường, Ngô Quang Nghĩa; chụp ảnh lưu niệm bên Tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc, Tượng đài Bác Hồ, viếng Tượng đài cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng…

Chị Đặng Thị Phương Lan, công nhân một công ty may ở quận 12, TP Hồ Chí Minh xúc động kể, nhiều năm rồi, vào những ngày lễ lớn của dân tộc, chị cùng các bạn đoàn viên trong công ty thường tổ chức du lịch về nguồn. Di tích lịch sử Quốc gia Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam là một trong những điểm được chọn nhiều nhất.

“Được nghe kể về lịch sử hào hùng, sự hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc; về những khó khăn của các thế hệ đi trước trong những năm tháng mưa bom, bão đạn khốc liệt, thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay thêm hiểu biết, tự hào, và nguyện sẽ cố gắng hết sức trong lao động, học tập”, chị Lan bộc bạch. 

Cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ viếng mộ các anh hùng, liệt sỹ và nghe kể về lịch sử hào hùng của thế hệ cha anh.

Khu Di tích lịch sử Quốc gia Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam rộng 15ha được trùng tu, tôn tạo, phục chế gồm các hạng mục công trình: Nhà ở, hội trường, nhà làm việc, nhà bảo vệ, hầm chữ A, hầm phẫu thuật, giếng nước, bếp Hoàng Cầm, đường giao thông nội bộ, giao thông hào và công sự chiến đấu, cổng chính, đường vào đài tưởng niệm, nhà khách, văn phòng Ban Quản lý di tích, nhà truyền thống… giúp du khách trải nghiệm sâu sắc trong chuyến du lịch về nguồn.

Thượng tá Hồ Thành Hiên, Trưởng phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, Di tích Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam không chỉ là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nói chung, tuổi trẻ CAND nói riêng, mà còn là địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn của du khách cả nước trong những năm gần đây.

Ngày 23-12-1995, Bộ Văn hóa -Thông tin đã công nhận Di tích Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn, Khu Di tích Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã được đầu tư, phục dựng lại như nguyên bản. Những năm gần đây, mỗi năm có hơn 20.000 lượt du khách đến tham quan.

Hằng năm, ngoài nhiệm vụ giới thiệu về truyền thống lịch sử hào hùng của các thế hệ cha anh đã ngã xuống tại Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam; giới thiệu ý nghĩa lịch sử của các công trình, kỷ vật, cũng như việc lưu giữ, bảo quản kỹ từng công trình, kỷ vật…, Công an Tây Ninh còn tích cực tìm kiếm, thu thập thông tin các kỷ vật từ gia đình của các cố lãnh đạo từng chiến đấu, công tác tại căn cứ…

Công việc không hề giản đơn nhưng những cán bộ được phân công phụ trách vẫn kiên trì và tự nhận thấy đó là trách nhiệm của thế hệ hôm nay, để cho du khách đến đây hiểu hơn về “Thủ đô kháng chiến” của miền Nam Thành đồng Tổ quốc.

Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam được thành lập tháng 7-1960 tại Chàng Riệc, xã Tân Lập, huyện Tân Biên với tên gọi là Ban Bảo vệ An ninh Xứ ủy do đồng chí Phạm Thái Bường phụ trách. Đến tháng 8-1962, được đổi tên thành Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, do đồng chí Phan Văn Đáng làm Trưởng ban, đồng chí Cao Đăng Chiếm làm Phó ban. Từ khi thành lập đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975), căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã qua 8 lần thay đổi địa điểm.

Trong những năm tháng chiến tranh, CBCS Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật, an toàn tuyệt đối các cơ quan trực thuộc Trung ương Cục, vừa trực tiếp đánh địch tại chiến trường (trong đó có trực tiếp chống trả làm thất bại các trận càn của địch trong chiến dịch Junction City), cài cắm luồn sâu trong hàng ngũ của địch nhằm cung cấp cho lãnh đạo những tài liệu phục vụ hoạch định chiến lược, đề ra chủ trương chỉ đạo chiến tranh giải phóng miền Nam; cung cấp và tạo điều kiện cho các LLVT và phong trào quần chúng chọn đúng thời điểm, thời cơ và mục tiêu chiến đấu tiến công địch, bảo vệ cơ sở cách mạng, giữ vùng giải phóng. Dù chiến đấu công khai hay thầm lặng, các CBCS An ninh luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với dân, với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, chịu đựng nhiều hy sinh gian khổ, xây dựng lực lượng An ninh toàn miền Nam để bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng.

Đức Mừng
.
.