Giám thị trại giam kể chuyện lấy nhân tâm cảm hóa con người

Thứ Ba, 02/05/2017, 08:56
Điểm đặc biệt nhất của Đại tá Nguyễn Duy Vực, đó là sự gần gũi. Đối với ông, kể cả khi còn làm Giám thị hay khi đã về hưu thì sự gần gũi, thân thiện không bao giờ thay đổi...


Dễ đến chục năm tôi không được gặp ông kể từ khi ông nghỉ hưu từ năm 2007, ông già hơn nhưng sự nhanh nhẹn, cởi mở và thông minh dường như không thay đổi.

Nếu chỉ gặp ông ngoài đời, chắc hẳn, không ai nghĩ rằng, ông là Anh hùng LLVTND bởi vẻ bề ngoài đơn giản, giọng nói nhỏ nhẹ, chân tình. Nhưng chính vẻ bề ngoài đơn giản và trái tim đầy nhiệt huyết ấy đã làm nên người Anh hùng với hơn 40 năm phục vụ trong lực lượng CAND và cũng chừng ấy năm, ông gắn bó với đất trại sâu nặng nghĩa tình. Ông chính là Đại tá Nguyễn Duy Vực, nguyên Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 – đơn vị 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Phóng viên Báo CAND với Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Duy Vực.

Cuối năm 2007, Hội nghị Trại giam châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 27 (APCCA) diễn ra tại Việt Nam với 25 đoàn đại biểu các nước và vùng lãnh thổ tham dự. Trong chương trình hội nghị, các đại biểu đã đến thăm Trại giam Phú Sơn 4.

Dù chưa có kinh nghiệm, nhưng hơn 400 phạm nhân được tham gia đón đoàn với cờ hoa rực rỡ, trận bóng đá giao hữu của các phạm nhân và giao lưu văn hoá ẩm thực đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng các đại biểu quốc tế.

Nhiệm vụ được đặt ra đối với Đại tá Nguyễn Duy Vực, Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 lúc bấy giờ là việc đón các đoàn đại biểu quốc tế dự hội nghị thăm Trại cần bảo đảm yêu cầu: An toàn, hữu nghị, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế về chính sách nhân đạo, nhân quyền của Nhà nước Việt Nam… Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an thời điểm đó hơi lo lắng, hỏi Đại tá Nguyễn Duy Vực: “Có làm được không em?”.

Ông quả quyết: “Làm được, anh yên tâm”. Sở dĩ vị giám thị có thể vững tin như vậy, bởi ông hiểu phạm nhân của mình. Đó là những người dù từng phạm tội, thậm chí trong giây phút nào đó, họ đã gây tội ác nhưng thẳm sâu trong con người họ vẫn là bản tính lương thiện, vẫn là ước muốn được sống, được vươn lên để làm lại cuộc đời.

Đại tá Nguyễn Duy Vực nhớ lại: “Không phải mình không hiểu là trong số hơn 400 phạm nhân được tham gia đón đoàn hôm đó, nếu chỉ có một người chống đối, hay đơn giản là có thái độ không thân thiện, không lịch sự cũng có thể hỏng hết công sức của hàng trăm người, làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của Việt Nam và các nước và làm xấu đi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Nhưng mình tin, họ không bao giờ làm thế. Và đúng như lòng tin của vị giám thị, chỉ với cờ, hoa và trận giao hữu thể thao, nhưng họ - chính những phạm nhân đã tạo được ấn tượng đặc biệt trong lòng các đại biểu về sự nhân văn, nhân đạo của Nhà nước ta...”.

Thăm Trại giam Phú Sơn 4, các đại biểu còn ấn tượng bởi những công trình kiến trúc đặc biệt như khu tưởng niệm Bác Hồ, Nhà Văn hoá, khu tưởng niệm liệt sĩ Phi Mã Sơn; Trung tâm hướng thiện Phúc Bình An và các công trình khác giống như một khu du lịch sinh thái.

Điểm lạ nhất ở Phú Sơn 4 là những con đường. Từ Quốc lộ 3 cách TP Thái Nguyên 7km đi vào hơn 2 km nữa có một con đường bê-tông đẹp như một gạch nối giữa trại giam với cuộc sống xã hội và không gian văn hoá sinh động. Phòng giam phạm nhân hiện đại, gọn gàng ngăn nắp và sạch sẽ. Mỗi phòng giam đều có một tivi treo tường phục vụ phạm nhân. Phòng ăn, phòng để đồ được bố trí quy củ, khoa học, vừa có tác dụng giáo dục phạm nhân, vừa dễ dàng cho công tác quản lý...

Đặc biệt, bữa cơm giao lưu văn hoá, có đầy đủ đặc sản của tất cả các quốc gia tham dự khiến khoảng cách các đại biểu gần hơn, thân thiện, cởi mở hơn, góp phần làm nên thành công của APCCA 27 do Việt Nam đăng cai.

Cán bộ Trại giam Phú Sơn 4 hướng dẫn phạm nhân lao động.

Nhớ lại những tháng năm gian khó khi mới về Trại giam Phú Sơn 4 vào  năm 1992, Đại tá Nguyễn Duy Vực không khỏi bùi ngùi: “Khó khăn vô cùng nhà báo ạ. Đi từ QL3 vào Trại chỉ 2km thôi nhưng không đi nổi, 3 bề là sông nhưng không có cầu, phải đi bằng cầu khỉ vào; không CBCS nào có xe máy, không có tivi màu; cơ sở vật chất xuống cấp quá nghiêm trọng; không có bát ăn phải chia cơm bằng lá chuối... nhìn mà buốt hết cả ruột, đáng thương nhất là có hàng trăm phạm nhân bị ốm, thiếu thuốc men, mất vệ sinh. Ngân quỹ phải đi vay, thậm chí CBCS ứng 200 nghìn đồng đi công tác cũng không có”.

Suốt đêm ấy, ông không ngủ được bởi trăn trở suy nghĩ làm thế nào để thay đổi, để tạo môi trường cải tạo tốt hơn cho phạm nhân, cải thiện đời sống CBCS.

Ông đã cùng đồng đội dần xây dựng nên một Trại giam Phú Sơn 4 Anh hùng lần thứ 2 chỉ sau 3 năm làm Giám thị. Việc đầu tiên khi ông về làm Giám thị Phú Sơn 4 đó là họp lại đội ngũ lãnh đạo, giao trách nhiệm cho từng đồng chí Phó Giám thị, cụ thể từng việc một, thống nhất tư tưởng xuyên suốt đó là phát huy nội lực, thực hiện đúng quy định của pháp luật với 4 nhiệm vụ chính xoay quanh mục tiêu là làm ra “sản phẩm” cuối cùng đó là giáo dục, cải tạo con người.

Muốn làm được điều đó, thì phải đáp ứng được các mục tiêu tối thiểu là nơi ở sạch đẹp, chế độ ăn, ở, sinh hoạt được quan tâm. Cụ thể như việc trang bị hộp chia cơm cho phạm nhân, xây dựng nhà ăn, đảm bảo suất ăn đúng định lượng, chất lượng... là những việc đầu tiên Giám thị Nguyễn Duy Vực bắt tay làm trên mảnh đất này.

Với những công trình có quy mô rất lớn ở Phú Sơn 4, ai cũng nghĩ phải tốn rất nhiều tiền của, nhưng theo đánh giá của các cơ quan chức năng Bộ Công an thì mọi công trình này không hề bội chi 1 đồng nào so với dự toán ban đầu, nhưng sản phẩm làm ra thì chất lượng hơn, to đẹp, bề thế hơn. Lý giải điều này, ông bảo rằng, phạm nhân có nhiều nghề, nhiều khả năng khác nhau, mình khơi dậy được tiềm năng của họ thì họ sẽ giúp ích được cho trại, cho xã hội rất nhiều.

Trại Phú Sơn có phạm nhân là họa sỹ, người là kiến trúc sư, thợ xây dựng... Như ở Trung tâm hướng thiện Phúc Bình An, một bức tượng Phật lớn được đục từ đá Thanh Hoá cũng do bàn tay của phạm nhân làm. Đến những con rồng uốn lượn, mái cong ở đền thờ liệt sỹ cầu kỳ, đòi hỏi trình độ tay nghề cao... tất cả đều do bàn tay, khối óc của các phạm nhân làm ra. Rồi công trình Nhà Văn hoá đồ sộ cũng chỉ xây dựng trong chưa đầy 6 tháng với chi phí chỉ bằng 1/10 so với các công trình tương tự thời bấy giờ.

Điểm đặc biệt nhất của Đại tá Nguyễn Duy Vực, đó là sự gần gũi. Đối với ông, kể cả khi còn làm Giám thị hay khi đã về hưu thì sự gần gũi, thân thiện không bao giờ thay đổi. Có lần, về thăm Trại, thấy 2 đội phạm nhân đang đá bóng, ông xin vào trận, nói vui: “Cho tôi sút 1 quả 11m  nhé, anh bắt gôn cẩn thận, tôi đá giỏi lắm đấy”. Anh phạm nhân cao to nhìn ông cười: “Bác sút làm sao được”. Ấy thế mà vèo một cái, bóng dội xà vào gôn trong tiếng reo hò của cổ động viên hai bên.

Nhớ lại những ngày đầu ở Trại giam Phú Sơn 4, lúc đó, Trại chưa có nhà trẻ, mẫu giáo. Để CBCS và phạm nhân yên tâm làm việc, cải tạo, ông đã cho xây dựng nhà trẻ chung cho con phạm nhân và con cán bộ cùng học. Có ý kiến lăn tăn, sợ con phạm nhân lây bệnh sang con mình, ông bảo, bố mẹ chúng có tội đã phải trả giá nhưng trẻ con có tội tình gì, chúng phải được sống trong môi trường tốt nhất, thân thiện nhất.

Rồi cùng với các cô giáo là cán bộ, ông đề nghị chọn trong số các phạm nhân những người có kỹ năng sư phạm. Chị Nguyễn Thị Kim Oanh – hiện là một trong những doanh nhân thành đạt ở Thái Nguyên là những phạm nhân đầu tiên được tham gia dạy dỗ ở nhà trẻ đặc biệt này.

Trò chuyện với ông trong căn nhà ấm cúng ở cuối phố Trần Điền, Hà Nội - nơi ông sống hạnh phúc bên con cháu đề huề, tôi phần nào hiểu thêm về người giám thị trại giam từng lấy phương châm “coi trại giam là nhà, coi phạm nhân là người thân của mình”. 18 năm làm Giám thị Trại giam Phú Sơn 4, chưa một lần ông về nhà lúc giao thừa, bởi ông hiểu, phải biết hy sinh mới thu phục được nhân tâm...

Phương Thủy
.
.