Siết chặt tuyến biên giới Tây Nam, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép

Thứ Sáu, 12/03/2021, 11:29
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 nhất là khi số người bị mắc COVID-19 tại Campuchia tăng lên từng ngày, đã đặt ra cho các tỉnh biên giới Tây Nam những khó khăn và thách thức lớn trong việc quản lý người xuất nhập cảnh trái phép.


Ghi nhận của PV Báo CAND trên tuyến biên giới tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang,… lực lượng Công an hiệp động chặt chẽ với các lực lượng liên quan đang ngày đêm căng mình với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép: đảm bảo ANTT và phòng, chống dịch bệnh.

Xung kích lên biên cương

Là huyện biên giới đầu nguồn của tỉnh An Giang, An Phú có đường biên giới dài trên 42km, nhiều đường mòn lối mở, sông rạch xuyên biên giới. Đặc biệt, tại những đoạn sông ngắn và dân cư nhà bè đông đúc đã khiến cho việc quản lý, kiểm soát người qua lại là vấn đề hết sức phức tạp, khó khăn. Các đối tượng đã lợi dụng triệt để về mặt địa lí, tăng cường hoạt động phạm tội tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Công an tỉnh An Giang hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng tuần tra kiểm soát tuyến biên giới huyện An Phú, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép.

Trước thực tế trên, giữa tháng 12/2020, Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang quyết định tăng cường trên 240 CBCS lên tuyến biên giới hỗ trợ Công an các đơn vị, địa phương. Trong đó, tăng cường cho huyện An Phú 110 CBCS, phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng Quân sự, Hải quan, Biên phòng, Đoàn Thanh niên và Hội phụ nữ tỉnh rải đều trên 76 chốt với nhiệm vụ hỗ trợ nắm tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện hoặc có hành vi tiếp tay, đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép. Qua đó, đã xử lý hình sự 5 vụ, 6 đối tượng, xử lý hành chính 15 đối tượng, giảm 8 vụ, 50 đối tượng so với thời điểm chưa có kế hoạch tăng cường.

Song song đó, CBCS được tăng cường còn là những tuyên truyền viên tích cực giúp bà con vùng biên hiểu, chấp hành tốt các quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh ở địa phương. Chính sự chân thành, gần gũi của người chiến sĩ CAND đã khiến nơi nào các anh đến dân mừng, ở dân thương, đi dân nhớ.

Trung tá Huỳnh Tuấn Kiệt, cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện An Phú chia sẻ: “Thời điểm dịch bệnh như thế này, bà con mặc dù gặp nhiều khó khăn trong chuyện làm ăn nhưng khi được giải thích thì bà con rất đồng tình, thông cảm. Đồng thời rất quan tâm, giúp đỡ cho lực lượng phòng chống dịch ở biên giới từ cái ăn, cái ở, bà con cũng đóng góp để gởi cho các tổ công tác. Đó là động lực lớn lao giúp chúng tôi vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Ghi nhận tại các chốt trực, chúng tôi cảm nhận rõ hơn về tinh thần trách nhiệm cao độ của mỗi CBCS nơi đây. Bữa cơm tự túc, vội vã chưa bao giờ đủ mặt các thành viên bởi phải luân phiên trực gác.

Càng trân quý hơn những tình cảm mà bà con vùng biên dành cho những chiến sĩ xa nhà, qua đó tiếp tục “nâng bước”, giúp CBSC vượt lên mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào công tác đảm bảo ANTT tuyến biên giới và góp phần đẩy lùi dịch bệnh, trả lại cuộc sống yên bình để người dân an tâm lao động sản xuất, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương…

Siết chặt đường mòn, lối mở

Tỉnh Đồng Tháp có 50km đường biên giới giáp với Campuchia, có 7 cửa khẩu (2 cửa khẩu quốc tế Thường Phước, Dinh Bà và 5 cửa khẩu phụ) cùng các đường mòn, lối mở, sông rạch. Tối 23/2, L.T.Y.N. (24 tuổi, ngụ Cần Thơ) cùng một người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, sau đó thuê phòng lưu trú tại thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng. Công an huyện Tân Hồng kiểm tra, phát hiện hai người nhập cảnh trái phép đã phối hợp với ngành y tế tiến hành cách ly, đồng thời lấy mẫu gửi xét nghiệm và phát hiện ca dương tính với COVID-19, sau này là BN2424.

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã thành lập các Đội phản ứng nhanh, chủ động phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Bộ chỉ huy Biên phòng, Công an tăng cường lực lượng tại khu vực biên giới. Trên tuyến biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng duy trì, bố trí 14 chốt cố định và 17 tổ tuần tra lưu động kiểm soát, quản lý người xuất nhập cảnh trái phép.

Công an tỉnh Đồng Tháp tăng cường lực lượng Cảnh sát cơ động về các xã biên giới, tham gia công tác tuần tra, đảm bảo ANTT và siết chặt tuyến biên giới Tây Nam. Tuyến biên giới Tân Hồng có đường biên giáp với tỉnh PrâyVeng (Campuchia), chủ yếu giáp trên sông, cánh đồng và dọc tuyến có nhiều đường mòn, lối mở. Nhiều người lợi dụng điều này nhập cảnh trái phép.

Tân Hộ Cơ là xã biên giới Tân Hồng, có đường biên giới dài hơn 16km và cửa khẩu quốc tế Dinh Bà. Thời gian qua, Công an xã phối hợp với lực lượng Quân sự, Biên phòng phát hiện nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép, thực hiện tốt công tác phòng chống buôn lậu, thẩm lậu ma túy qua biên giới.

Trung tá Huỳnh Hùng Hiệu, Trưởng Công an xã Tân Hộ Cơ cho biết, sau khi phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép dương tính với COVID-19 (BN 2424), Công an xã đã đề xuất tăng cường thêm lực lượng xuống cơ sở, tham gia công tác tuần tra, phòng chống xâm nhập trái phép. Dù thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, cán bộ chiến sĩ Công an, Quân sự, Biên phòng vẫn căng mình phòng chống dịch tại 5 chốt cố định và tổ tuần tra lưu động ở xã Tân Hộ Cơ.

“Trước đây xã chỉ có 3 chốt kiểm tra, đến đầu tháng 3 đã bổ sung thêm 2 chốt. Lực lượng Công an gồm Cảnh sát cơ động được tăng cường, Công an huyện và xã phối hợp với Biên phòng, Quân sự xã trực chiến, tuần tra tại 5 chốt cố định. Lực lượng Biên phòng có thêm tổ lưu động, hàng ngày tuần tra, siết chặt đường mòn, lối mở”, Trung tá Huỳnh Hùng Hiệu nói.

Thượng tá Lê Tấn Tài, Phó trưởng Công an huyện Tân Hồng thông tin, từ tháng 3/2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Công an huyện chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng đóng chân trên tuyến biên giới, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Công an tỉnh Đồng Tháp tăng cường thêm lực lượng Cảnh sát cơ động và thanh niên nghĩa vụ trong CAND, trực chiến tại các chốt, tổ tuần tra đảm bảo ANTT, phòng chống dịch bệnh và buôn lậu trên tuyến biên giới.

“Ngay sau khi phát hiện trường hợp BN 2424 nhập cảnh trái phép, Huyện ủy, UBND và Công an huyện thành lập các tổ công tác liên ngành, tuyên truyền đến các xã biên giới. Người dân chủ động trình báo, tố giác các trường hợp lạ mặt, nghi ngờ nhập cảnh trái phép. Cơ quan Công an kiểm tra, xử lý nghiêm chủ cơ sở, nhà nghỉ, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú, đồng thời cách ly bắt buộc và trục xuất trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép”, Thượng tá Lê Tấn Tài nói.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, Ban Giám đốc đã có chỉ đạo cụ thể đối với Công an các đơn vị và 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Hải quan và các đơn vi liên quan thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn, lối mở, đò ngang, đò dọc.

Trong đó, chú trọng việc khai báo y tế đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh đến từ hoặc đi qua các quốc gia có dịch bệnh. Bảo đảm an ninh cho việc cách ly y tế bắt buộc đối với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh và hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới.

Đại tá Đinh Văn Nơi chia sẻ, để đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm nói chung và tội phạm tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép nói riêng đạt hiệu quả, bên cạnh nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, rất cần sự chung tay, góp sức của người dân sinh sống trên tuyến biên giới trong việc tuyên tuyền giáo dục người thân, gia đình không vi phạm pháp luật. Đồng thời, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần làm trong sạch địa bàn, xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội vùng biên.

Trần Lĩnh – Văn Vĩnh
.
.