Kỷ niệm 41 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2016)

Thời hoa lửa vị tướng anh hùng

Thứ Sáu, 29/04/2016, 12:31
Cứ đến tháng 4, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh lại bồi hồi xúc động nhớ lại những ngày tháng hào hùng hoạt động điệp báo ở Hà Nội, những ngày “nếm mật nằm gai” ở chiến trường khu VI. 


Đã bước sang tuổi 86, giọng nói không còn hào sảng, bước đi không còn nhanh như trước nữa, sức khỏe cũng giảm sút nhưng cứ mỗi lần nhắc lại quá khứ, ký ức một thời hoa lửa dường như lại tỏa sáng trong ông.

Ngày 9-3 vừa qua, Bộ Công an long trọng tổ chức lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 6 cá nhân, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an là một trong những cá nhân vinh dự được nhận danh hiệu cao quý này do lãnh đạo Bộ Công an trao tặng. 

Không khí hội trường khi ấy như lắng lại khi Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh thay mặt những đồng chí được phong tặng, thân nhân những Anh hùng được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng xúc động kể lại những ngày tháng gian khổ “nếm mật nằm gai” ở khu VI; nghẹn giọng nhớ những đồng chí, đồng đội sát cánh bên nhau mà nay đã hy sinh. Với ông, ký ức những ngày gian khó, tươi đẹp ở chiến trường không bao giờ có thể phai mờ.

Từng là cây viết chuyên mục “Trinh sát kể truyện” của Báo Công an nhân dân (nội san) với bút danh Binh Nhất nên Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh am hiểu nhiều về nghề viết báo và vui vẻ bộc bạch với phóng viên những mẩu chuyện mà ông nói rằng đó chính là những dấu ấn của cuộc đời. Qua những câu chuyện ấy đã khiến chúng tôi hiểu thêm phần nào sự bình dị, sự lạc quan, mưu trí sáng tạo trong đấu tranh với địch, từ đó làm nên cốt cách của một Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Mỹ hôm nay.

Quê hương là nơi nổi tiếng với đặc sản tương, thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nhưng Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh lại sinh ra tại Hà Nội. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm. Tháng 3-1946, khi đang học Trường Chu Văn An, ông đã đứng trong đội ngũ của Đoàn Thiếu niên Tiền Phong thành Hoàng Diệu và vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng từ tháng 11-1949. Ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, mưu trí, dũng cảm, lăn lộn chiến đấu ở nhiều mặt trận ác liệt.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh cùng vợ và các con cháu.

Một câu chuyện có thể coi là một trong những chiến công đầu đời của ông chính là giai đoạn năm 1948 đến 1958; khi Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh được nhận công tác ở Công an quận 6 hoạt động trong nội thành Hà Nội, chuyên trách theo dõi tên Đặng Hữu Chí, Chủ tịch Hội đồng An dân Hà Nội. Không chỉ điều tra nắm rõ nơi ăn ở, quy luật đường đi lại hàng ngày, phương tiện đi lại của Đặng Hữu Chí; số người, phương tiện bảo vệ của Chí; ông Nguyễn Đức Minh còn tích cực đi rải truyền đơn treo cờ đỏ sao vàng nhân dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19-5-1948).

Sau khi hoàn tất mọi việc, ra ngoại thành để về căn cứ (ở huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông), khi đang ngủ đêm tại Đền Lừ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) thì ông bị địch bắt và đưa về nhà tù Hỏa Lò. Dù bị tra tấn dã man nhưng ông quyết không khai và mưu trí trốn khỏi hang ổ của địch. 

Sau đó, ông tiếp tục công tác tại Công an Hà Nội, với tinh thần trách nhiệm cao chú ý phát huy sáng kiến cải tiến lề lối làm việc nên ông được bầu là Chiến sỹ Thi đua của Công an khu Hà Nội, được cử đi dự Đại hội Chiến sỹ thi đua thành phố Hà Nội năm 1953. Năm 1959, ông Nguyễn Đức Minh khi ấy được cấp trên điều động về công tác ở Cục Bảo vệ Chính trị - Bộ Công an cho đến năm 1964 thì ông tình nguyện viết đơn gửi lãnh đạo Bộ Công an vào Nam chiến đấu.

Dấu ấn mà Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh nhớ nhất có lẽ là quãng thời gian từ năm 1965 đến 1976, khi ông  chiến đấu ở chiến trường Khu VI. Ông hào hứng kể: “Khi vào đến căn cứ An ninh khu VI, tôi được đồng chí Trần Lê - Bí thư khu ủy kiêm Trưởng ban An ninh khu phân công tôi phụ trách Điệp báo của An ninh khu. Sau Hội nghị An ninh khu, tôi được phân công cùng tổ A2 hoạt động ở Lâm Đồng để rút kinh nghiệm thực tế về công tác điệp báo ở chiến trường miền Nam. Tổ A2 được đồng chí Nguyễn Xuân Du (Tám Cảnh), Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, phụ trách tiền phương tạo mọi điều kiện cho tổ hoạt động nên anh Vũ Linh và tôi nhanh chóng phát triển được một số cơ sở trong tầng lớp trí thức, chủ đồn điền, xí nghiệp chè ở Bảo Lộc, Di Linh có quan hệ với ngụy quyền cấp tỉnh, quận nên đã cung cấp được tình hình về tổ chức, âm mưu hoạt động bình định phục vụ nhiệm vụ chính trị của cấp ủy tỉnh”.

Ngày 28-11-1966, Tiểu đoàn 186 đánh địch trên đường 20 (xã An Lạc, Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch. Tổ A2 phối hợp với Tiểu đoàn 186 chặn xe trên đường 20 bắt được tên Trưởng ty và 1 tên Trung sỹ ở Tiểu khu Lâm Đồng. 

Được giao nhiệm vụ trực tiếp khai thác hai tên này, ông Nguyễn Đức Minh đã phát hiện được toàn bộ hệ thống tổ chức bộ máy và các tên cầm đầu ở Tiểu khu Lâm Đồng, hệ thống các đoàn bình định và âm mưu kế hoạch hoạt động bình định của địch ở Lâm Đồng, phục vụ đắc lực công tác đấu tranh với địch sau này.

Với trách nhiệm Trưởng tiểu ban điệp báo của An ninh Khu VI, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh khi ấy đã không quản ngại gian lao, hiểm nguy, ác liệt lăn lộn cùng các đồng đội ở 2 địa bàn trọng điểm (Tổ A2 Đà Lạt và Bình Thuận) trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn anh em triển khai công tác điệp báo ngày một nâng cao chất lượng. 

Ông đã tổng hợp kinh nghiệm thực tế công tác điệp báo ở các tỉnh, chọn đúng thời điểm thích hợp báo cáo đồng chí Trưởng ban An ninh khu cho tổ chức hội nghị chuyên đề thúc đẩy công tác điệp báo của toàn khu lên một bước mới.

Do yêu cầu của tổ chức tháng 6-1975, Thường vụ Khu ủy điều động ông  Nguyễn Đức Minh về làm Trưởng ty An ninh Quảng Đức (Đắk Nông hiện nay). Đến cuối năm 1975, tỉnh Quảng Đức sáp nhập về Đắk Lắk nên tháng 2-1976, Bộ Công an điều động ông về công tác ở Cục Chống phản động. Giai đoạn từ năm 1976 đến 1981, khi công tác ở Cục Chống phản động, ông được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng phụ trách giải quyết vấn đề FULRO ở Tây Nguyên.

Ông đã cùng với Ban Giám đốc Công an Lâm Đồng khám phá thành công chuyên án F101, tổ chức “câu nhử” địch và trực tiếp tổ chức bắt sống một số sĩ quan FULRO ở Đà Nẵng, Vũng Tàu như Phó Thủ tướng kiêm Quân khu trưởng - quân khu IV - FULRO và 70 sỹ quan FULRO vũ trang hoạt động ở trong rừng. Đây là tỉnh đầu tiên ở Tây Nguyên giải quyết cơ bản vấn đề FULRO theo chỉ thị của Ban Bí thư nên sau này chuyên án F101 được chọn làm án điểm, báo cáo điển hình.

Giờ đây đã cận kề tuổi cửu thập, ông vẫn gương mẫu trong sinh hoạt đời thường, giáo dục con cháu giữ gìn truyền thống của lực lượng CAND, của gia đình. Hiện nay, gia đình ông có nhiều người công tác trong lực lượng CAND; luôn phấn đấu, tiếp tục cống hiến, đóng góp cho Tổ quốc, nhân dân...

Suốt thời gian 53 năm, với nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt công tác trong lực lượng CAND; Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, lăn lộn chiến đấu ở các mũi nhọn nghiệp vụ, ở nhiều mặt trận gian khổ ác liệt, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và khen thưởng: Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng do Thành ủy Hà Nội tặng năm 2013; Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 1998; Huân chương Quân công hạng Nhì năm 1985; Huân chương Quân công hạng Ba năm 1996; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất năm 1980; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất năm 1983; Huân chương Chiến công hạng Ba năm 1987; Huân chương It-sa-la (Tự do) hạng Nhì do Nhà nước CHDCND Lào tặng năm 1992; Huân chương Hữu nghị do Nhà nước CHDCND Lào tặng năm 2007; Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất năm 1960; Huy chương Vì An ninh Tổ quốc Bộ Công an tặng năm 1983...
Anh Hiếu
.
.