Săn tội phạm giấu mặt trong thế giới ảo

Thứ Sáu, 20/07/2012, 23:31
Mới ra đời được mấy năm, nhưng lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã thực sự nổi bật, được mọi người biết đến với những thành tích xuất sắc trong việc ngăn chặn, bắt giữ những bàn tay vô hình.

Trận tuyến của các anh không tiếng súng mà là sự đấu trí với những kẻ ẩn phía sau màn hình máy tính đầy quyến rũ, nơi đối tượng có thể ngồi một chỗ để gây án, tấn công vào bất kỳ nơi nào trên thế giới, không xuất đầu lộ diện nhưng có thể gây thiệt hại không chỉ là tiền bạc mà còn là uy tín, danh dự cho bất cứ ai. Đấu tranh với chúng, CBCS Cục C50 đã làm được một điều kỳ diệu, làm nên thương hiệu mới “Cảnh sát công nghệ cao”.

Lần nào tôi đến Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) cũng “choáng” với cách làm việc của CBCS ở đây, bởi, công việc của các anh chị không có ngày tháng, cũng chả giờ giấc nào. Đặc biệt, trong suốt dịp Euro vừa rồi, hầu như không ai được nghỉ ngơi với thành tích ngăn chặn được khoảng 80% các trang web tổ chức đánh bạc, CBCS Cục C50 đã cứu hàng trăm gia đình thoát khỏi cảnh nợ nần, li tán do cờ bạc, đồng thời ngăn chặn hàng tỷ đô la chảy ra nước ngoài. Không chỉ ngăn chặn cá độ trên mạng, thành tích của Cục C50 còn được biết đến với việc trực tiếp khám phá và giúp các cơ quan chức năng điều tra, thu thập tài liệu về các đường dây tổ chức đánh bạc tại Việt Nam.

1. Chuyên án bắt trùm cá độ Phạm Văn Cường, 34 tuổi, trú ở 12 Lý Đạo Thành, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh là một ví dụ. Để bắt quả tang được Cường cùng đồng bọn là hàng chục chân rết ở nhiều tỉnh, thành với đầy đủ chứng cứ về hành vi phạm tội của chúng có sự đóng góp không nhỏ của CBCS Phòng 3, Cục C50. Hàng ngày, đặc biệt là khi các trận đấu sắp bắt đầu, cũng là thời điểm các trinh sát phải làm việc căng thẳng nhất bởi phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật, thu thập tài liệu, xác định chứng cứ qua các giao dịch của đối tượng. Ngày phá án, trinh sát Cục C50 phải triển khai quân từ 4h sáng, trước 2 tiếng đồng hồ so với quy định để lắp đặt thiết bị kỹ thuật. Trước đêm hôm đó, CBCS Phòng 3 từ chỉ huy đến cán bộ hầu như không ai chợp mắt, bởi việc thu thập dữ liệu của những trận cầu hôm đó được coi như “đòn” quyết định cho việc củng cố chứng cứ.

Đúng 8h sáng, khi trinh sát hình sự ập vào bắt quả tang trùm cá độ Phạm Văn Cường, cũng là lúc các trinh sát công nghệ cao tiếp cận hệ thống máy tính của đối tượng, khai thác tại chỗ các dữ liệu. Chiến công xóa sới bạc do Phạm Văn Cường cầm đầu, bắt 7 đối tượng, thu 8 khẩu súng các loại, 7 xe ôtô cùng hàng chục tang vật phạm pháp khác là đòn “đánh trúng, đánh mạnh” vào giới cá độ, được dư luận nhân dân khen ngợi. Nhưng ít ai biết rằng, phía sau của những thành công đó, còn có mồ hôi, công sức của lực lượng Cảnh sát công nghệ cao.

Thượng tá Lê Minh Loan, Trưởng phòng 3 cho biết, các dữ liệu đánh bạc của đối tượng được kết nối với tên miền nước ngoài, nhà cái ở nước ngoài có phần mềm quản lý. Chính vì vậy, nếu không khai thác kịp thời, chắc chắn, mọi dữ liệu sẽ bị xóa hết, gây khó khăn cho công tác điều tra… Sau các chiến công triệt phá ổ nhóm đánh bạc, CBCS Cục C50 lại âm thầm phân tích các dữ liệu trên thiết bị để giúp cơ quan điều tra có chứng cứ sắc bén nhất để đấu tranh.

CBCS Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang xác minh thông tin tội phạm trên mạng Internet.

2. Một trong những thành công nhất của CBCS Cục C50 đó là đấu tranh với các đối tượng sử dụng trái phép thẻ tín dụng của người nước ngoài để mua hàng, mua vé máy bay, mua bán tên miền… thu lợi bất chính. Với “bàn tay ảo” của mình, các đối tượng đã lập thành những đường dây vô hình trộm cắp hàng trăm nghìn thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài, rồi sử dụng để mua hàng chuyển về bán ở Việt Nam thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng. Điển hình như chuyên án phối hợp với Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ đấu tranh với các đối tượng trong diễn đàn tội phạm mạng với hơn 1.000 thành viên do Vương Huy Long cầm đầu. Các đối tượng trong diễn đàn đã trộm cắp, mua bán thông tin thẻ tín dụng và mua hàng chuyển về Việt Nam tiêu thụ với số lượng cực lớn.

Cả năm trời, CBCS Cục C50 phải “ở lì” trên mạng, thu thập mọi thông tin dù là nhỏ nhất. Qua đó, các anh đã xác định hành vi phạm tội, thu giữ toàn bộ dữ liệu của diễn đàn, xác định đối tượng cầm đầu ở Việt Nam. Hơn hai tháng trời lần tìm, các trinh sát đã xác định chính xác được con người thực của đối tượng là ai, sống ở đâu, làm việc như thế nào.

Thời điểm đó, phía Hoa Kỳ, Bộ An ninh nội địa đã lập chuyên án rất lớn để điều tra, có sự tham gia của 21 bang. Qua đó, phía Hoa Kỳ xác định các đối tượng đã trộm cắp 300 triệu đô la nên đã đề nghị phối hợp với Việt Nam để điều tra. Áp sơ đồ điều tra với nhau, hai bên đều xác định chính xác đối tượng cầm đầu. Khám phá vụ án, lực lượng chức năng đã thu giữ 29.000 thông tin thẻ tín dụng được đưa lên diễn đàn, xác định tổng số tài sản các đối tượng này chiếm hưởng trái phép hơn 15 tỷ đồng và 280.000 USD.

3. Làm nhiều loại án, nhưng điều khiến cán bộ, chiến sĩ Cục C50 thấy mình thành công nhất đó là khám phá những vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và giúp bị hại phục hồi danh dự, nhân phẩm của mình. Còn nhớ cách đây mấy tháng, tại một Tổng công ty lớn của nhà nước, các cán bộ lãnh đạo bị đối tượng xấu phát tán tài liệu trên mạng nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, thậm chí để “hạ bệ” nhau.

Nhận nhiệm vụ, CBCS Cục C50 đã không ngại khó, ngại khổ, lần tìm từng chi tiết, từng mối quan hệ để tìm hiểu nguyên nhân. Sau gần 2 tháng lần tìm, cuối cùng, CBCS Cục C50 đã xác định chính xác đối tượng, phối hợp với Cục C44 thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp một Phó Giám đốc Trung tâm vì đã có hành vi soạn thảo, phát tán thông tin, tài liệu sai sự thật nhằm xúc phạm, bôi nhọ danh dự của lãnh đạo mình.

…Có lần, tôi nói với Đại tá Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng C50 là "làm án" công nghệ cao sướng hơn các đơn vị khác, luôn quần áo chỉn chu, ngồi trước máy tính, không phải lăn lộn ngoài đường. Anh bảo tôi, nhà báo cứ theo dõi  rồi sẽ biết. Quả vậy, khi gắn bó với đơn vị này, tôi mới hiểu, họ không chỉ quần áo cổ cồn, hay tay chân sạch sẽ mà còn  tất tưởi ngược xuôi đến tận cơ sở, có khi vừa làm ở tỉnh này xong, chưa kịp ăn cơm lại tăng cường cho tỉnh khác, họ phải thức đêm, làm thông trưa, cũng phải ăn mỳ tôm, uống nước suối, nằm cả đêm ở địa bàn. Khó khăn nhất, tội phạm sử dụng công nghệ cao là những kẻ giấu mặt, giỏi về CNTT nên đấu tranh với chúng, cán bộ phải “cao hơn một cái đầu”. Làm được được điều đó mới có thể ngăn chặn những bàn tay vô hình…

Thủy - Mai
.
.