Giao thông Hà Nội kỳ nghỉ lễ và những tháng cuối năm:

Quyết không để ùn tắc, tai nạn gia tăng

Thứ Năm, 13/08/2015, 09:16
Những ngày này, trên một số tuyến đường nội đô của Hà Nội, tình trạng ùn tắc lại tái diễn. Tại các tuyến đường ven ngoại thành, tai nạn vẫn phức tạp dù lực lượng CSGT vẫn đang hàng ngày, hàng giờ căng sức mình trên các cung đường. “Chúng tôi sẽ bằng mọi cách để người dân được lưu thông an toàn và thông thoáng, nhất là trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh tới đây”, Trưởng phòng CSGT Hà Nội, Đại tá Đào Vịnh Thắng khẳng định tại buổi trao đổi với phóng viên Báo CAND.

PV: Những ngày qua tình trạng ùn ứ lại tái diễn trên một số tuyến đường. Người dân lo ngại, tới đây dịp nghỉ lễ 2-9 và đặc biệt là những tháng cuối năm, phương tiện gia tăng thì nạn ùn tắc sẽ xảy ra nhiều. Vậy Phòng CSGT đã có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Từ đầu năm đến nay, tình trạng ùn ứ thi thoảng vẫn xảy ra trên một số tuyến đường. Phải nói là có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giao thông đi lại chật hẹp, khó khăn. Cụ thể, công trình đường sắt trên cao từ Hà Đông ra đến Hà Nội. Trên tuyến này có rất nhiều điểm rào chắn. Bình thường đường rộng chỉ từ 9-10m, người dân lưu thông lúc cao điểm còn khó khăn, nay mỗi bên  bị rào thêm 3-4m, khiến độ hẹp co lại. Ngoài công trình này, hiện nay trên địa bàn thành phố đang có 27 công trình thi công với 57 điểm rào chắn khác, nên ùn ứ là khó tránh nếu không có phương án rõ ràng. Mặt khác, chúng ta cũng phải thừa nhận cơ sở hạ tầng của Thủ đô vẫn chưa thể đáp ứng kịp với sự gia tăng phương tiện.

CSGT Hà Nội và lực lượng chức năng sẽ nỗ lực bảo đảm an toàn giao thông trong dịp lễ Quốc khánh.

Ngày bình thường, trên nhiều ngã ba, ngã tư, thống kê cho thấy lưu lượng người tham gia giao thông đã và đang quá tải từ 6-10 lần. Bây giờ, nếu chỉ một sự cố xảy ra, nếu không được giải quyết kịp thời, thì ùn ứ sẽ xuất hiện ngay lập tức. Đây chính là áp lực của lực lượng CSGT. Sự khó khăn càng được nhân lên với những hôm thời tiết khắc nghiệt nắng đến 45-50 độ, hay những cơn mưa bão kéo dài… Tuy nhiên, dù khó đến mấy thì nhiệm vụ của CSGT vẫn là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những đoàn khách, những sự kiện, cho sự đi lại của nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

PV: Vẫn biết để đảm bảo ATGT trong điều kiện cơ sở hạ tầng tại Thủ đô còn bất cập thì lực lượng CSGT sẽ cực kỳ vất vả. Thế nhưng, không vì thế mà chúng ta “quên” những giải pháp cụ thể và “quên” xử lý vi phạm thông thường, thưa Đại tá?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong tháng 8 và tháng 9 có nhiều ngày lễ lớn, trên địa bàn thành phố sẽ diễn ra nhiều sự kiện. Dịp này, phương tiện vào thành phố sẽ gia tăng. Vì vậy, CSGT đã chủ động xây dựng các phương án phân luồng, bố trí lực lượng chốt trực tại trên 340 nút giao thông trọng điểm trên toàn thành phố và trên 15 tuyến quốc lộ, trục hướng tâm vào thành phố như các vành đai 1, 2, 3. Ngoài đứng chốt, CSGT sẽ triển khai tuần tra lưu động để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các nguyên nhân gây tai nạn và nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông như chạy quá tốc độ quy định, chở quá khổ, quá tải, đi sai làn đường, vi phạm nồng độ cồn…

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng  phối hợp cùng Công an các quận, huyện, Thanh tra giao thông vận tải, Cảnh sát trật tự, tập trung xử lý các xe đỗ dừng sai quy định ở các cổng bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe để  các tuyến đường được thông thoáng phục vụ cho nhân dân đi lại. Ngoài ra, CSGT cũng sẽ tập trung lực lượng để xử lý những vi phạm qua hình ảnh (camera).

PV: Vậy để tránh ùn tắc trong dịp nghỉ lễ, xin đồng chí tư vấn người dân nên lưu ý mỗi khi lưu thông qua những tuyến đường nào? 

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Trên địa bàn Thủ đô có những nút giao thông phức tạp như đường Lê Văn Lương, đường Nam Cầu Chương Dương, đường Đê La Thành, Đường Khâm Thiên, đường Hoàng Minh Giám, Phạm Văn Đồng, Đào Tấn, tuyến đường Pháp Vân, tuyến Bạch Mai, Phố Huế, tuyến quanh các bến xe Lương Yên, Nước Ngầm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Gia Lâm… Tất cả các điểm này sẽ đều được bố trí lực lượng CSGT để tập trung điều hành hướng dẫn giao thông. Tuy nhiên, người dân cũng nên lưu ý khi lưu thông qua những tuyến đường này.

PV: Không chỉ là vấn đề ùn tắc, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn Hà Nội, số vụ tai nạn nghiêm trọng đã gia tăng. Đồng chí có thể nói rõ hơn về biện pháp đang triển khai để kéo giảm tai nạn.

Đại tá Đào Vịnh Thắng:  Đúng là tai nạn trong 6 tháng đầu năm có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đến nay bằng các giải pháp quyết liệt, TNGT trên địa bàn Hà Nội đã giảm đáng kể. Cụ thể, trong tháng 7, trên địa bàn thành phố xảy ra 148 vụ, làm 44 người chết, 120 người bị thương. So với các tháng trước và cùng kỳ năm 2014 thì giảm đáng kể.

Đáng chú ý, TNGT đặc biệt nghiêm trọng đã không xảy ra, TNGT rất nghiêm trọng chỉ xảy ra 1 vụ. Ngoài việc tăng cường các chuyên đề xử lý vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn ở các tuyến đường quốc lộ, đường liên thôn, liên xã, Phòng CSGT còn phối hợp với Sở GTVT tổ chức lại 13 tuyến, nút: nút giao trung tâm quận Long Biên; nút giao Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ; nút giao Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch; cầu Thanh Trì; đường vành đai 3 xuống QL5; cầu Dịch Vọng…; nghiên cứu nâng tốc độ tối đa trên Đại lộ Thăng Long và tổ chức 1 chiều 2 đường gom nhằm hạn chế TNGT; điều chỉnh phương án kết nối giao thông tuyến Nhật Tân - Nội Bài đoạn qua Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và hạn chế tải trọng xe trên 2 đường gom… Tôi hy vọng, bằng những việc làm cụ thể, người dân sẽ có những ngày nghỉ lễ với các tuyến đường thông thoáng, an toàn.

PV: Xin cảm ơn Đại tá!

Theo thống kê từ Phòng CSGT, trong tháng 7 lực lượng CSGT đã kiểm tra xử lý 42.583 trường hợp vi phạm, tạm giữ 1.833 phương tiện và 15.101 bộ giấy tờ; trước GPLX của 2.405 trường hợp. Đối tượng vi phạm nhiều nhất vẫn là môtô với 22.526 trường hợp; xe tải là 3.364 trường hợp; xe con là 2.126 trường hợp; và khách là 746 trường hợp; xe taxi là 799 trường hợp… Các lỗi vi phạm chính là không đội MBH; đi sai phần đường, không chấp hành hiệu lệnh đèn, đi quá tốc độ và đi vào đường cấm, đường ngươc chiều…
Phạm Huyền
.
.