Phối hợp góp phần ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao

Thứ Hai, 08/07/2019, 10:22
Để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, "rút lõi" tiền trong tài khoản ngân hàng, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành điều tra cơ bản, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, xác định rõ phương thức, thủ đoạn của nhóm đối tượng người Trung Quốc cũng như quy luật hoạt động của chúng...


Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao thường sử dụng mạng xã hội, thiết lập hệ thống VOIP, giả mạo cơ quan thực thi pháp luật để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; hoặc trộm cắp thông tin thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của chủ thẻ, chủ tài khoản; lợi dụng kẽ hở trong thanh toán qua máy POS, dùng các thẻ giả thực hiện giao dịch mua hàng khống để chiếm đoạt tài sản...

Công an Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và lực lượng chức năng liên quan đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này.

Khám phá hàng loạt vụ dùng thẻ ATM giả trộm tiền của khách hàng

Từ năm 2017 đến nay, tại nhiều địa phương trên cả nước xảy ra tình trạng chủ tài khoản, chủ thẻ ATM bị rút chiếm đoạt tiền tại các cây ATM với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Riêng tại Quảng Ninh, từ tháng 4-2017 đến nay đã xảy ra 5 vụ sử dụng thẻ ATM giả rút tiền tại các cây ATM của một số ngân hàng thương mại trên địa bàn, chiếm đoạt của 161 khách hàng trên 1,7 tỉ đồng.

Bốn đối tượng người Trung Quốc sử dụng thẻ ATM giả rút tiền bị Công an Quảng Ninh bắt giữ.

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Phạm Đình Nghĩa, Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Quảng Ninh) cho biết, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng bỏ trốn ngay khỏi hiện trường nên quá trình điều tra rất khó xác định và bắt giữ đối tượng gây án.

Nguyên nhân do sự thiếu hiểu biết của các chủ thẻ trong quản lý thông tin thẻ dẫn đến việc bị các đối tượng lợi dụng trộm cắp.

Ngoài ra, các cây ATM cũng không được phía ngân hàng tổ chức bảo vệ trông coi. Khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng luôn mặc kín, tiến hành vào ban đêm. Đặc biệt, khi xảy ra sự việc, thông tin phản hồi từ khách hàng đến ngân hàng và đến cơ quan chức năng rất chậm, nên hầu như không kịp thời bắt giữ đối tượng. Đây là một trong những khó khăn mà lực lượng Công an gặp phải khi điều tra về loại tội phạm này.

Để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành điều tra cơ bản, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, xác định rõ phương thức, thủ đoạn của nhóm đối tượng người Trung Quốc cũng như quy luật hoạt động của chúng.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, Phòng Cảnh sát kinh tế đã bắt quả tang 4 người Trung Quốc đang sử dụng thẻ ATM giả để rút tiền tại cây ATM trên địa bàn TP Hạ Long.

Tang vật thu được gồm  44 thẻ ATM giả các loại, 6 điện thoại di động, 93.500.000 đồng (đây là tiền các đối tượng sử dụng thẻ ATM giả rút được), 1.343 nhân dân tệ và nhiều đồ vật khác. Quá trình điều tra làm rõ, 4 đối tượng trên nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường biên giới khu vực Móng Cái rồi đến TP Hạ Long sử dụng thẻ ATM giả rút tiền tại các cây ATM, chiếm đoạt 125.731.900 đồng của 12 khách hàng.

Mở rộng điều tra, Cơ quan Công an xác định, các đối tượng đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, sau đó đến TP Thái Bình lắp đặt các thiết bị trộm cắp thông tin thẻ rồi quay lại TP Móng Cái làm thẻ ATM rút chiếm đoạt của 11 khách hàng với tổng số tiền 48.200.000 đồng.

Sau đó, bằng nghiệp vụ sắc bén, Phòng Cảnh sát kinh tế bắt quả tang Vương Đại Sâm (quốc tịch Trung Quốc) đang dùng thẻ ATM giả để rút tiền tại cây ATM trên địa bàn TP Hạ Long. Tại hiện trường, thu được 44 thẻ giả, 3 bộ thiết bị sao chép dữ liệu thẻ ngân hàng, 1 thiết bị ghi dữ liệu vào thẻ, 1 máy tính, tiền mặt…

Sâm khai nhận, hắn mang theo 37 thẻ ATM giả và các thiết bị sao chép, ghi thông tin thẻ nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích rút, chiếm đoạt tiền. Đối tượng này đã đến Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hạ Long để lắp đặt thiết bị và rút chiếm đoạt tiền. Tại TP Hạ Long, Vương Đại Sâm dùng thẻ giả rút 4 lần với tổng số tiền là 95.040.000 đồng, lần thứ 4 thì bị bắt quả tang.

Mở rộng điều tra, Cơ quan Công an xác định, tháng 9-2017, Vương Đại Sâm nhập cảnh vào Việt Nam rút, chiếm đoạt của 13 khách hàng với số tiền là 56 triệu đồng; 2 tháng sau đó rút, chiếm đoạt tiếp của 28 khách hàng với số tiền 361 triệu đồng.

Kết thúc chuyên án, Cơ quan CSĐT đã đề nghị truy tố 6 đối tượng, trong đó có 5 đối tượng người Trung Quốc về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và 1 đối tượng người Việt Nam về hành vi “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”.

Lật tẩy nhiều thủ đoạn mới

Với thủ đoạn tinh vi của tội phạm công nghệ cao, đòi hỏi các trinh sát phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức để tìm ra những thủ đoạn, quy luật hoạt động của loại tội phạm này. Điển hình nhất là vào tháng 6-2019, bằng sự mưu trí, đã lật tẩy bộ mặt của 9 đối tượng trong đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản.

Các thẻ ATM giả mà đối tượng dùng để rút tiền của chủ thẻ.

Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý sử dụng máy POS của các ngân hàng thương mại, nhóm đối tượng người Việt Nam ở nhiều tỉnh, thành khác nhau đã câu kết với các đối tượng người nước ngoài sử dụng thông tin thẻ ngân hàng của người nước ngoài, rút chiếm đoạt tiền của chủ thẻ.

Để thực hiện hành vi trên, bọn chúng thông qua các đơn vị chấp nhận thẻ là các doanh nghiệp mà ngân hàng ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ POS, sử dụng thông tin thẻ tín dụng do các đối tượng người nước ngoài cung cấp, rút tiền về tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, lập khống chứng từ để hợp lý hóa việc rút tiền từ ngân hàng. Trong vụ án này, các đối tượng đã rút, chiếm đoạt tiền từ chủ thẻ nước ngoài tại tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ninh tổng số tiền trên 5,4 tỉ đồng.

Trung tá Bùi Duy Hưng, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Quảng Ninh cho biết: “Để ngăn chặn loại tội phạm này, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng liên quan có vai trò hết sức quan trọng, nhất là công tác điều tra cơ bản, làm rõ phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của chúng. Cùng đó, việc việc rà soát, quản lý người nước ngoài trên địa bàn, cũng như phối hợp với ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại trong việc trao đổi thông tin, tài liệu góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn, bắt giữ đối tượng phạm tội”.

Tất cả các vụ án sử dụng công nghệ cao, liên quan đến đối tượng người nước ngoài, tại các địa bàn giáp biên giới cần sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng trong việc ngăn chặn đối tượng nhập cảnh trái phép, rà soát, phát hiện những đối tượng lợi dụng nhập cảnh qua đường du lịch, buôn bán, hoặc nhập cảnh trái phép mang theo những thiết bị điện tử, các đồ vật có dấu hiệu để thực hiện hành vi phạm tội công nghệ cao.

Đồng thời, hỗ trợ Cơ quan điều tra chặn bắt nếu phát hiện đối tượng trốn qua biên giới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể giữa lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao với các đơn vị chức năng trong và ngoài ngành CAND, góp phần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Nguyễn Khánh
.
.