Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bao dân tộc

Thứ Bảy, 25/06/2011, 16:31
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có trên 300 người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Số người này đã và đang có đóng góp tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, con cháu trong gia đình, dòng họ tự giác thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện và báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan đến ANTT.

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với 192km biên giới giáp với nước bạn Lào, bao gồm 7 dân tộc: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống...

Nhằm phát huy vai trò của già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong đồng bào dân tộc, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với Công an các huyện miền núi triển khai vận động quần chúng, thường xuyên bám dân, bám địa bàn, thực hiện "4 cùng": cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào, tôn trọng lắng nghe ý kiến của đồng bào các dân tộc, thông qua đó nắm chắc tình hình, chủ động giữ vững ANTT ngay từ cơ sở.

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có trên 300 người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Số người này đã và đang có đóng góp tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, con cháu trong gia đình, dòng họ tự giác thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện và báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan đến ANTT như: xâm nhập trái phép qua biên giới, di dân tự do, tranh chấp đất đai, truyền đạo trái phép; tham gia tích cực vào công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, vận động đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...

Ông Thao Văn Lênh (ngồi ngoài cùng) đang trao đổi với lực lượng Công an.

Những người có uy tín thực sự là tấm gương trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, là trung tâm đoàn kết trong đồng bào dân tộc, góp phần quan trọng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng thế trận lòng dân, thế trận An ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn miền núi phía Tây của tỉnh.

Theo chân Thiếu tá Gia Nọ Pó - Phó trưởng Công an huyện Mường Lát, phải đi bộ gần 5km đường đèo dốc, chúng tôi mới đến được nhà ông Thao Văn Lênh, ở bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát. Ông là người dân tộc Mông và đã từng giữ những chức vụ: Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Pù Nhi; Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Mường Lát nên khi nghỉ hưu về địa phương, ông đặc biệt có uy tín với đồng bào người Mông ở bản Pù Ngùa.

Với sự tuyên truyền, vận động của ông, người dân nghe theo không tham gia vào việc buôn bán ma túy, không trồng cây thuốc phiện, không nghe theo luận điệu của kẻ xấu, không vượt biên trái phép... Ông làm, người dân làm theo để phát triển kinh tế, ứng dụng những tiến bộ kĩ thuật vào việc chăn nuôi, trồng trọt.

Bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi là một trong những bản đạt tiêu chuẩn văn hoá, đời sống của người dân được nâng cao, không còn hộ đói, không có người buôn bán ma tuý, nghiện ma tuý và vi phạm pháp luật…

Giản dị, mộc mạc, chân tình và đầy nhiệt huyết, những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc ít người tỉnh Thanh Hóa đã và đang là tấm gương sáng, là cầu nối giữa Đảng với dân, là điểm tựa tinh thần trong đồng bào các dân tộc, họ đã và đang góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh tại địa bàn các huyện miền núi, biên giới phía Tây của tỉnh

Thái Thanh
.
.